Báo Khmer Times hôm nay 12.9 đưa tin dự án kênh đào Phù Nam-Techo đã được đưa ra thảo luận trong cuộc họp giữa Phó Thủ tướng kiêm Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) Sun Chanthol và Chủ nhiệm NDRC Trịnh Sách Khiết tại Trung Quốc vào ngày 9.9.
Bức ảnh được chụp trong chuyến đi gần đây của Phó thủ tướng kiêm Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia Sun Chanthol cho thấy góc nhìn từ trên không của một đoạn kênh đào Phù Nam-Techo ở tỉnh Kandal. Ảnh: Chụp màn hình Khmer Times |
Cuộc họp nói trên được tổ chức để thảo luận về tiến độ của các dự án lớn có sự đầu tư của Trung Quốc ở Campuchia và đảm bảo hoàn thành đúng thời hạn.
Theo CDC, NDRC sẽ khuyến khích các công ty Trung Quốc tuân thủ các mục tiêu của dự án kênh đào Phù Nam-Techo hoặc hoàn thành sớm hơn thời hạn 2028 do chính phủ Campuchia đưa ra.
Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại Campuchia-Trung Quốc Lor Vichet cho rằng vai trò của NDRC rất quan trọng để hoàn thành dự án kênh đào Phù Nam-Techo đúng thời hạn.
"NDRC là cơ quan kiểm soát kinh tế vĩ mô chính của chính phủ Trung Quốc và là cơ quan quyền lực thứ ba trong chính phủ Trung Quốc trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạch định chính sách kinh tế cũng như đầu tư ra nước ngoài", ông Vichet lý giải.
Cũng theo ông Vichet, NDRC có quyền kiểm soát hành chính và lập kế hoạch rộng rãi đối với nền kinh tế của Trung Quốc đại lục, cho phép cơ quan này phụ trách các hoạt động kinh doanh và thương mại với các quốc gia đối tác.
Campuchia muốn Nhật đầu tư vào dự án kênh đào Phù Nam-Techo |
Dự án kênh đào Phù Nam-Techo do Công ty Đường thủy nội địa và Hậu cần Phù Nam-Techo thực hiện với kinh phí 1,7 tỉ USD, theo Khmer Times.
Công trình xây dựng dự án kênh đào Phù Nam-Techo được chia thành hai đoạn. Trong đó, đoạn đầu tiên, dài hơn 21 km từ Prek Takeo đến sông Bassac, do liên doanh giữa hai cảng của Campuchia, gồm Cảng tự trị Phnom Penh (PPAP) và Cảng tự trị Sihanoukville (PAS), và Tổng công ty đầu tư Campuchia ở nước ngoài (OCIC) phát triển.
PPAP và PAS, đều do nhà nước quản lý, nắm giữ tổng cộng 51% cổ phần của dự án phát triển đoạn đầu tiên và 49% cổ phần còn lại thuộc về OCIC.
Đoạn thứ hai, kéo dài hơn 159 km kết nối giữa sông Bassac và tỉnh Kep, sẽ được đầu tư chung bởi hai cảng nói trên và Công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC), theo Khmer Times.
Theo Văn Khoa (TNO)