Đừng để dã quỳ bị dập vùi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Khi cái nắng ong ả trải vàng trên những sườn đồi và khi làn gió mơn man trên da thịt khô mốc của kẻ lãng du cũng chính là lúc những vạt dã quỳ bung nở trên mảnh đất cao nguyên. Không rực rỡ như những ngày tháng 3, tiết trời cuối năm trên cao nguyên cho ta cái cảm giác sảng khoái, dịu mát để sẵn sàng trải nghiệm.


Những ngày này, Phố núi như rạo rực hơn trong không khí chuẩn bị cho lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya sẽ được tổ chức từ ngày 1 đến 3-12 tới. Dã quỳ (hay còn các tên gọi khác là cúc quỳ, sơn quỳ, hướng dương dại) là loài hoa mọc dại, sinh trưởng nhanh và thường ra hoa vào dịp cuối thu, đầu đông (khoảng cuối tháng 10 đến đầu tháng 12 hàng năm). Hoa dã quỳ thường có 13 cánh, tỏa tròn to gần bằng bàn tay, cánh hoa màu vàng rực, nhụy căng tròn, tràn đầy sức sống, cùng mùi hương đặc trưng, không thể lẫn với bất kỳ loại hoa nào.
 

Khung cảnh thiên nhiên thơ mộng tại núi lửa Chư Đăng Ya luôn hấp dẫn du khách. Ảnh: H.T
Khung cảnh thiên nhiên thơ mộng tại núi lửa Chư Đăng Ya luôn hấp dẫn du khách. Ảnh: H.T

Dã quỳ không hiếm gặp, từ mảnh đất địa đầu cao nguyên Mộc Châu đến thủ đô Hà Nội và rực rỡ khoe sắc ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Nhưng Gia Lai là địa phương đầu tiên tôn vinh loại hoa này bằng một lễ hội. Lễ hội hoa dã quỳ năm nay do UBND huyện Chư Pah tổ chức tại nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah) với nhiều hoạt động phong phú như: trình diễn cồng chiêng, biểu diễn nghệ thuật đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng, giã gạo, chế tác nhạc cụ dân tộc, phục dựng lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Jrai và cuộc thi vượt đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya…

Mặc dù thông tin về lễ hội chỉ mới được công bố nhưng nhiều hãng lữ hành cho biết, lượng khách đăng ký tour tham dự lễ hội đã tăng đáng kể, chủ yếu là khách lẻ. Rất nhiều “phượt thủ” cũng đang rất háo hức để được trải nghiệm cảm giác ngắm dã quỳ trên miệng núi lửa.

Lễ hội lần này kỳ vọng sẽ giới thiệu đến du khách về một mảnh đất Gia Lai giàu tiềm năng và mến khách, độc đáo với bản sắc văn hóa của các dân tộc tại chỗ, qua đó góp phần phát triển du lịch địa phương, đồng thời xây dựng lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya trở thành thương hiệu du lịch riêng của tỉnh Gia Lai,  để khi nhắc đến dã quỳ người ta sẽ phải nghĩ ngay đến Chư Đăng Ya.

Háo hức, mong đợi và tự hào chính là tâm trạng chung của những chủ nhân nơi lễ hội sắp diễn ra. Rất nhiều hình ảnh, cảm xúc đã được chia sẻ trên các trang mạng xã hội; những lời mời ghé thăm, những cuộc hẹn gặp gỡ đã được ấn định trên cao nguyên khi lễ hội bắt đầu. Tuy nhiên, để có một lễ hội thành công thì cần sự hợp thành của nhiều yếu tố, một trong số đó là ý thức của những người tham gia.

Với nhiều người, đến lễ hội là để trải nghiệm, khám phá, để gặp gỡ, để cảm thấy thư giãn và được tiếp thêm năng lượng. Tuy nhiên, với nhiều người khác, việc tìm đến lễ hội chỉ là để có những tấm hình đẹp khoe với bạn bè, người thân, để “check in” trên các tài khoản cá nhân, đánh dấu thêm một địa điểm đã chinh phục… Vì nhiều lý do đó mà lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya dự đoán sẽ thu hút rất đông du khách gần xa.

Nhưng để có một tấm hình đẹp thì cả người mẫu lẫn người chụp đều phải đầu tư, từ trang phục, đạo cụ đến khung cảnh. Còn nhớ cách đây nhiều năm, lễ hội hoa anh đào được tổ chức  ở Hà Nội, trong khi nhiều người Nhật xếp hàng để vào cổng thì nhiều bạn trẻ Việt Nam công kênh nhau bật tường rào để vào, tranh nhau bứt hoa, bẻ cành làm “đạo cụ” chụp ảnh. Hay như lễ hội hoa tam giác mạch gần đây ở Hà Giang, không ít luống hoa bị giẫm đạp, khách du lịch thi nhau nhảy, lăn lộn để tạo dáng. Và mới đây nhất, cảnh tượng “biển người” chen chân tại một vườn hoa hướng dương ở Nghệ An khiến không ít người sửng sốt. Như vậy để thấy rằng, việc tổ chức một lễ hội hoa là điều không đơn giản và càng khó khăn hơn khi đối tượng được tôn vinh lần này lại chính là những khóm hoa dại.

Hình ảnh dã quỳ nở vàng trên nền xanh ngắt của những luống khoai lang mơn mởn dễ làm hút hồn kẻ lãng du vốn quen với khói bụi thị thành. Để khi đứng trước khung cảnh này, nhiều người cầm lòng không đặng và ước gì một lần được “trầm mình” trên tấm thảm hoa êm ái ấy. Bởi thế, không có gì đảm bảo rằng những vạt dã quỳ và những luống khoai lang kia sẽ không bị tổn hại sau lễ hội. Việc du khách chen vào giữa những ruộng khoai của người dân, hay hái hoa, bẻ cành và giẫm đạp lên cỏ để có những tấm hình đẹp là điều khó tránh khỏi. Và nỗi lo lắng về một Chư Đăng Ya “không còn nguyên vẹn” sau lễ hội là điều hoàn toàn có cơ sở. Chính vì thế, việc nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên du lịch cho du khách khi tham gia lễ hội là điều rất cần thiết hiện nay. Mỗi người tham gia lễ hội hãy là một khách du lịch có hiểu biết và đầy trách nhiệm, để chúng ta không phải ngậm ngùi tiếc nuối về những hậu quả do ý thức của con người để lại khi lễ hội kết thúc.

Những bông dã quỳ rực rỡ đã sẵn sàng mang hương sắc và sức sống của mình tô điểm cho lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2017. Chúng hồ hởi vì từ một loại hoa dại nay đã được tôn vinh để mọi người biết đến. Và có lẽ chúng cũng đang rất mong đợi sẽ còn được tiếp tục khoe sắc trong lễ hội những năm sau. Vì vậy, hãy nâng niu những bông hoa bé nhỏ, đừng để dã quỳ bị dập vùi trong lễ hội.

Huyền Thương

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.