Dùng công nghệ in 3D làm thiết bị y tế nhanh và rẻ để chống COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong bối cảnh thiếu hụt dụng cụ y tế vào thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, một công ty khởi nghiệp đã sử dụng công nghệ in 3D sản xuất van hô hấp cung ứng cho bệnh viện ở Brescia (Ý).
Van Venturi được in bằng công nghệ 3D - Ảnh: giornaledibrescia.it
Van Venturi được in bằng công nghệ 3D - Ảnh: giornaledibrescia.it
Trong quá trình điên đầu đối phó với dịch COVID-19, các bệnh viện ở Ý thường xuyên thiếu dụng cụ y tế.
Cụ thể, các bác sĩ rất cần van hô hấp để điều trị cho các bệnh nhân bị biến chứng hô hấp. Van này được gọi là van Venturi, được dùng để nối mặt nạ cung cấp khí oxy với bình oxy.
Từ cái khó ló cái khôn
Bệnh viện Chiari ở thành phố tâm dịch Brescia (miền bắc nước Ý) có 250 bệnh nhân thuộc đối tượng chăm sóc tích cực. Bệnh viện rất cần van Venturi vì cứ mỗi 8 tiếng lại phải thay van mới một lần.
Nhà cung cấp Intersurgical (có trụ sở chính ở Anh) thông báo với bệnh viện không thể giao van hô hấp đúng hạn vì không đáp ứng được nhu cầu quá lớn.
Cùng lúc đó, kỹ sư Cristian Fracassi 36 tuổi - người sáng lập Công ty khởi nghiệp Isinnova với 16 nhân viên - đã nhận được cuộc gọi từ một biên tập viên của nhật báo địa phương Giornale di Brescia.
Qua đó anh biết Bệnh viện Chiari đang tìm kiếm van Venturi nhưng không tìm đâu ra vì vào thời điểm này sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu.
Cristian Fracassi đã cùng đi với kỹ sư cơ khí Alessandro Romaioli đến bệnh viện hỏi xem van Venturi là van gì.
Sau đó, Isinnova đồng ý cung cấp nguyên liệu và máy in nhưng yêu cầu nhà cung cấp Intersurgical gửi cho họ bản vẽ thiết kế đã được cấp bằng sáng chế để sản xuất nhanh nhất có thể.
Công ty Intersurgical từ chối với lý do bản vẽ thiết kế là tài sản công ty và vướng vấn đề quyền sở hữu trí tuệ.
Các tình nguyện viên của Công ty Isinnova không nản lòng. Kỹ sư Christian Praxy đã lấy các van Venturi hiện có tại bệnh viện rồi tạo ra mô hình 3D và xoay xở in bằng máy in 3D.
Bệnh viện thử nghiệm mẫu van đầu tiên trên một bệnh nhân. Van hoạt động rất tốt. Sau đó, công ty bắt đầu in hàng loạt van mới.
Các kỹ sư Công ty Isinnova và van Venturi cung cấp cho bệnh viện - Ảnh: ISINNOVA
Các kỹ sư Công ty Isinnova và van Venturi cung cấp cho bệnh viện - Ảnh: ISINNOVA
Bộ trưởng đã lên tiếng khen ngợi
In van hô hấp bằng công nghệ 3D là công việc hết sức phức tạp vì van chỉ cao 10cm, đường kính 3cm. Van lại có nhiều lỗ và ống rất mỏng (dưới 0,8cm) nên không dễ in. Ngoài ra còn phải cẩn thận để không làm nhiễm bẩn sản phẩm.
Công ty Isinnova đã hợp tác với Công ty Lonati sản xuất khoảng 100 van mới bằng công nghệ in 3D chỉ trong 24 giờ với chi phí mỗi van chưa đến 1 euro.
Đã có hơn 10 bệnh nhân sống sót với van Venturi được in bằng công nghệ 3D. Bệnh viện thứ hai đã liên lạc với hai công ty này để đặt hàng sản xuất van.
Công ty Intersurgical không đặt vấn đề kiện Isinnova xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Bộ trưởng Bộ Đổi mới công nghệ và số hóa Ý Paola Pisano đã viết trên Twitter hoan nghênh sáng kiến của Isinnova.
Cristian Fracassi khẳng định công nghệ in 3D có thể đáp ứng yêu cầu trong lúc chuỗi cung ứng và các ngành công nghiệp dừng hoạt động do dịch COVID-19.
Anh giải thích: "Chúng tôi có thể hành động nhanh chóng vì với máy in 3D, bạn có thể nhanh chóng kiểm tra một sản phẩm nhỏ vốn không thể thực hiện ở quy mô công nghiệp. Trong câu chuyện này chúng tôi chỉ mong muốn một điều duy nhất. Cộng đồng gồm bệnh viện, báo chí và các nhà chuyên môn hãy cùng chạy đua cứu người. Tất cả chỉ có thế!".
Trong cơn dịch bệnh, Công ty Isinnova không phải là tấm gương đoàn kết duy nhất.
Ngày 18-3, nhà sản xuất Copper 3D ở Chile đã công bố trên mạng mã nguồn mở về khẩu trang N95 để ai cũng có thể sản xuất được loại khẩu trang lọc đến 95% hạt mịn trong không khí.
Theo HOÀNG DUY LONG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.