Đức Cơ chú trọng giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tính đến cuối năm 2021, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) còn 2.923 hộ nghèo (chiếm 15,2%), trong đó có 2.628 hộ nghèo dân tộc thiểu số. Mục tiêu huyện đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 2% trở lên, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3% trở lên.

Ông Hồ Đình Kỳ-Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom-cho hay: Theo tiêu chí mới, Ia Dom còn 203 hộ nghèo, trong đó có 159 hộ dân tộc thiểu số. Trong năm 2022, xã phấn đấu giảm 33 hộ nghèo, trong đó có 23 hộ dân tộc thiểu số. Xã đã tổ chức đối thoại với các hộ dân và giao trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách giúp đỡ rà soát, sàng lọc, đánh giá thực trạng từng trường hợp, nhất là những trường hợp dự kiến thoát nghèo trong năm. Từ đó có kế hoạch, cách thức giúp đỡ cụ thể.

Tuyên truyền vận động, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm được xem là giải pháp có hiệu quả trong quá trình giảm nghèo của huyện. Ảnh: Anh Huy
Tuyên truyền vận động, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt để người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm là giải pháp có hiệu quả trong công tác giảm nghèo của huyện Đức Cơ. Ảnh: Anh Huy


Cũng với mục đích nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, Đảng ủy xã Ia Kriêng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nhân rộng các điển hình tiên tiến để mọi người làm theo; hỗ trợ vốn vay, cây-con giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… cho đối tượng cần được hỗ trợ. Bí thư Đảng ủy xã Rơ Châm H'Thanh thông tin: “Chúng tôi lựa chọn những mô hình mới, cách làm hay, gương sản xuất giỏi trong đồng bào dân tộc thiểu số để nhân rộng. Từ đó khích lệ, động viên các hộ nghèo từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, quyết tâm vượt khó vươn lên”.

Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, UBND huyện Đức Cơ tích cực vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân cộng đồng trách nhiệm, chung tay vì người nghèo. Ông Vũ Mạnh Định-Chủ tịch UBND huyện-trao đổi: Thời gian qua, các doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Binh đoàn 15 đứng chân trên địa bàn đã tích cực đồng hành với địa phương trong công tác giảm nghèo. Các đơn vị đã phối hợp vận động người dân vào làm công nhân và xây dựng nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế hiệu quả như: cải tạo vườn tạp; hướng dẫn kỹ thuật canh tác; cho mượn đất cao su tái canh để trồng lúa; xây nhà tình nghĩa; kết nghĩa giữa hộ công nhân người Kinh với hộ dân tộc thiểu số từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm…

 Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình anh Ksor Tung (làng Pnuk, xã Ia Kriêng). Ảnh: Anh Huy
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình anh Ksor Tung (làng Pnuk, xã Ia Kriêng). Ảnh: Anh Huy


Năm 2021, Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên đã hỗ trợ 10 hộ nghèo xây dựng nhà ở khang trang. Anh Ksor Tung (làng Pnuk, xã Ia Kriêng) phấn khởi: “Có nhà xây rồi, vợ chồng mình không còn lo lắng nữa. Mình sẽ cố gắng hoàn thành tốt công việc của người công nhân khai thác mủ cao su, vay thêm vốn đầu tư chăm sóc gần 200 cây cà phê để tăng thu nhập, phấn đấu cuối năm sẽ thoát nghèo”.

Trao đổi thêm về một số giải pháp nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, ông Vũ Mạnh Định thông tin: Huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Đồng thời phát triển sản phẩm OCOP gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng hợp tác xã, nông hội; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, phát huy tiềm năng, lợi thế từ Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh để mời gọi đầu tư, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động dịch vụ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển du lịch.

 

ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

(GLO)- Những năm gần đây, Trung ương và các cấp chính quyền của tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều công trình, dự án chống sạt lở bờ sông, suối. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách có hạn nên chưa thể đầu tư rộng khắp, tình trạng sạt lở bờ sông, suối ở một số nơi vẫn xảy ra.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cùng các đại biểu dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn. Ảnh: Vũ Chi

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn

(GLO)- Chiều 16-11, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa đã về dự, chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con Liên khu dân cư thôn Ma Rin 3 và Ma San (xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Tuân (bìa phải)-Bí thư Chi bộ làng Khôn trao đổi về công tác chuẩn bị đại hội chi bộ với lãnh đạo Đảng ủy xã Ia Mơ. Ảnh: P.D

Làng Khôn gặp khó về công tác cán bộ

(GLO)- Theo kế hoạch, đầu năm 2025, làng Khôn (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) sẽ tiến hành bầu trưởng thôn và tổ chức Đại hội Chi bộ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2027. Tuy nhiên, làng Khôn vẫn còn khó khăn trong công tác cán bộ và phát triển đảng viên.