Dưa hồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi lần về quê, tôi thường được thưởng thức những món ăn từ quả dưa hồng. Đó là loại trái cây khá thông dụng trong bữa cơm gia đình, có thể làm ra nhiều món ngon so với các loài rau quả khác.
Mới nhìn, quả dưa hồng giống như dưa hấu nên dễ nhầm là dưa hấu non hoặc bị còi cọc. Kỳ thực, hai loài dưa đó có nhiều điểm khác biệt: dưa hồng nhỏ hơn, “thịt” nhuyễn, không xốp như dưa hấu; khi chín hạt có màu đen và lớn hơn hạt dưa hấu, vỏ dày.
Ngày trước, người dân trồng dưa hồng chủ yếu để ăn nên không chuyên canh mà xen canh. Họ trỉa chung với đậu, bắp, mì, nhiều nhất là trên những đám lúa gieo, chỉ trong một tháng là thu hoạch. Dưa thích hợp với đất pha cát và mùa nắng, vì “trời nắng tốt dưa” mà.
Dưa hồng ăn non hay già, ăn sống hay chín đều ngon. Khi quả vừa tượng hạt, hái một ít đem muối chua. Cho nguyên trái vào chum hoặc vò rồi muối như muối cà. Khoảng bốn đến năm ngày sau là ăn được. Chỉ cần xắt lát, chấm nước mắm ớt tỏi, miếng dưa giòn vừa chua chua vừa ngọt ngọt, ăn với cơm lúa mới trong mùa mưa rất ngon. Kho với cá cờ thì càng tuyệt!
Ảnh: INTERNET
Ảnh: INTERNET
Mùa hè, mâm cơm có tô canh dưa hồng là thấy mát ruột. Dưa nấu canh phải là dưa non, gọt vỏ, đặt nguyên quả trên lòng bàn tay đủ chắc chắn để bằm dọc, rồi khéo léo vạt từng lớp đều đặn chứ không xắt miếng như bầu bí. Có lẽ như vậy trông tô canh đẹp hơn chăng? Canh dưa chỉ cần nêm mắm ruốc cũng đủ ngon, muốn ngon hơn nữa thì nấu với cá cơm. Tuyệt đối không nêm nước mắm, không nấu với thịt heo, bò, gà vì sẽ bị chua, có cảm giác như bị thiu. Nhưng kỳ lạ là nấu với thịt nhái cơm thì ngon tuyệt đỉnh.
Nhái cơm làm sạch, bằm nhỏ, ướp gia vị, xào săn rồi để riêng ra. Khi nước sôi bùng cho thịt vào, tiếp đến là dưa, để ý thấy trong nồi bọt trắng vừa nổi ục ục (bọt của nước dưa) là nhấc xuống liền để dưa không bị nhão. Canh nóng bốc khói rất thơm, húp vào vừa ngòn ngọt vừa beo béo, trong người nóng mấy cũng giải nhiệt ngay!
Tôi thích dưa hồng không chỉ bởi các món ăn mà còn vì tuổi thơ tôi có nhiều kỷ niệm với nó. Trên những đám dưa của nhà mình, bọn trẻ theo dõi trái nào trộng nhất, moi cát lấp một phần để giấu, trông chừng nó lớn đến đâu lấp thêm đến đó. Người ta bảo “lớn như dưa” nhưng trong mắt bọn trẻ chúng tôi sao mà chậm thế! Đến khi chín rủ nhau ăn, chia theo “luật” là dưa trên đất đứa nào thì đứa đó được ăn phần đít, nghe người lớn nói “dưa ăn đít, mít ăn đầu” mà học theo chứ chả hiểu gì.
Dù xa quê đã lâu nhưng hình ảnh những quả dưa tròn tròn mướt rượt vẫn còn rất rõ trong tôi. Và cứ mỗi lần nghĩ đến lại thấy nhớ da diết những bữa cơm có món dưa hồng quen thuộc.
PHAN VĂN THIÊN 

Có thể bạn quan tâm

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

(GLO)- Bài thơ "Mùa qua phố" của tác giả Lenguyen là một bức tranh dịu dàng, gợi cảm xúc, đưa người đọc bước vào không gian phố núi Pleiku trong thời khắc chuyển mùa. Với giọng điệu lãng mạn và sâu lắng, bài thơ khơi gợi vẻ đẹp bình dị nhưng đầy chất thơ của phố núi...

Con đường tất yếu

Con đường tất yếu

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt đã được khai thác với tinh thần mới: vừa trân trọng truyền thống, vừa dấn thân khai phá cái mới.

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

(GLO)- Bài thơ "Đêm sang mùa" của Đào An Duyên là một bức tranh thơ mộng về những khoảnh khắc chuyển giao, khi đêm và mùa giao thoa, khi không gian và thời gian hòa quyện vào nhau, tạo nên một cảm giác lạ kỳ, huyền bí...

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.