Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Minh Hoan:

Đưa “câu chuyện” vào cà phê và du lịch nông nghiệp Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là một trong những gợi ý đáng giá mà Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã đưa ra tại buổi toạ đàm với doanh nghiệp, nhóm trẻ khởi nghiệp về chủ đề xây dựng vùng nguyên liệu cà phê và du lịch nông nghiệp diễn ra chiều 11-11.

Buổi tọa đàm dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch; đại diện lãnh đạo các sở, ngành; Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng; Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh; Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai; một số doanh nghiệp và hợp tác xã tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Tọa đàm giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh với doanh nghiệp, nhóm trẻ khởi nghiệp về xây dựng vùng nguyên liệu cà phê và du lịch nông nghiệp. Ảnh: Hà Duy
Tọa đàm giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh với doanh nghiệp, nhóm trẻ khởi nghiệp về xây dựng vùng nguyên liệu cà phê và du lịch nông nghiệp. Ảnh: Hà Duy

Cần liên kết để phát triển

Gia Lai là địa phương đã tạo ra được nhiều sản phẩm nông nghiệp đa dạng, phong phú và chất lượng ngày càng cao, trong đó cà phê đang là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh với diện tích hơn 98.728 ha, diện tích kinh doanh 88.690 ha, năng suất 3,02 tấn/ha, sản lượng 267.428 tấn cà phê nhân. Hiện tại tỉnh có trên 46.000 ha cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGap, 4C, Organic, UTZ, Rain Forest. Về chế biến, toàn tỉnh có hơn 90 nhà máy, cơ sở chế biến với nhiều thương hiệu nổi tiếng như L’amant, Thu Hà, Thanh Thủy..., xuất khẩu hàng năm đạt khoảng gần 490 triệu USD, và có xu hướng tăng cao qua các năm. Cùng với đó là hàng trăm doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp, chế biến cà phê.

Gia Lai cũng tự hào khi là 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên có văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên-kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại và có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao Nguyên Kon Hà Nừng, là 1 trong 11 khu dự trữ sinh quyển của cả nước và thứ 2 của 5 tỉnh Tây Nguyên. Tận dụng ưu thế này để thúc đẩy du lịch nông nghiệp phát triển, Gia Lai đã tập trung xây dựng cơ chế chính sách, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp; nắm bắt, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được cạnh tranh công bằng, lành mạnh.

Phát biểu buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long cho biết: “Phát triển du lịch nông nghiệp cũng là lĩnh vực mà tỉnh đang bắt đầu chú trọng xây dựng, phát triển. Buổi tọa đàm hôm nay có sự tham dự của khá nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và các bạn trẻ đang khởi nghiệp, đây là cơ hội để các đại biểu bày tỏ nguyện vọng, nêu những ý tưởng để xây dựng vùng nguyên liệu cà phê và du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Thuận-chủ hộ sản xuất, kinh doanh cà phê tại xã Hải Yang (huyện Đak Đoa) bày tỏ: “Mong Bộ trưởng có định hướng chiến lược nào đó mang tính cộng đồng cho bà con tại chỗ để nâng cao chất lượng cà phê làm ra, vì hiện tại, đa số bà con đều trồng, sản xuất cà phê theo kiểu truyền thống. Còn đối với chính quyền tỉnh, tôi mong tỉnh có thể tổ chức nhiều sân chơi để nâng cao chất lượng sản phẩm từ cà phê, từ đó nâng cao đời sống cho bà con. Ví dụ như tỉnh Đak Lak thường xuyên tổ chức lễ hội cà phê chẳng hạn, hoạt động này vừa kích cầu tiêu dùng, vừa phát triển du lịch, đồng thời vừa tạo động lực cho bà con nông dân”.

Anh Nguyễn Hân-chủ cơ sở Nguyễn Hân Coffee Farm (huyện Đức Cơ) mong muốn có người dẫn dắt cho những cơ sở sản xuất cà phê nhỏ. Ảnh: Hà Duy
Anh Nguyễn Hân-chủ cơ sở Nguyễn Hân Coffee Farm (huyện Đức Cơ) mong muốn có người dẫn dắt cho những cơ sở sản xuất cà phê nhỏ. Ảnh: Hà Duy

Còn ông Phạm Văn Hà-Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Ia Kênh (xã Ia Kênh, TP. Pleiku) kiến nghị: “Chúng tôi cho rằng tỉnh nên khuyến khích phát triển hoạt động sản xuất cà phê liên kết với hoạt động du lịch. Như vậy người nông dân sẽ được “lãi kép”-vừa tăng giá trị cây cà phê, tăng giá trị sản phẩm cà phê, thúc đẩy du lịch phát triển, lại vừa bán được các sản phẩm khác cho du khách. Tuy nhiên, có một vấn đề là các đơn vị làm du lịch nông nghiệp như chúng tôi đang vướng việc hoạt động trên đất nông nghiệp, buộc phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tôi mong chính quyền địa phương có những hướng dẫn cũng như tháo gỡ để tạo điều kiện cho chúng tôi hoạt động, cũng là tạo điều kiện để du lịch nông nghiệp phát triển”.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Hưng-Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp-Dịch vụ Ia Ring (huyện Chư Sê) lại kiến nghị mang tính thời sự: “Hiện giá cà phê đang tăng gấp rưỡi so với trước, năng suất cũng cao nên nông dân rất mừng. Nhưng chúng tôi cũng đang rất lo, vì thường giá cao, nông dân sẽ vội tranh thủ bán. Hiện đang có hiện tượng ào ào bán cà phê xanh. Điều này sẽ làm giảm chất lượng sản phẩm cà phê, theo đó sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê Gia Lai. Nên tôi đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc, có biện pháp ngăn chặn tình trạng này”.

Nhiều ý kiến khác cũng được đưa ra tại buổi tọa đàm và nhận được nhiều sự đồng tình của người tham dự, như: cần có chính sách hỗ trợ cho các nông hộ có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi cũng như những chính sách hỗ trợ của nhà nước, vì hiện chưa có cơ sở pháp lý nào giúp cho nông hộ tiếp cận các chính sách này; cần người dẫn dắt cho những cơ sở sản xuất cà phê nhỏ; giảm lãi suất ngân hàng...

Phát huy giá trị văn hóa bản địa

Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhận định: Khó khăn là vấn đề cần phải đối mặt khi đi trên bất cứ con đường nào. Vấn đề là chúng ta phải tìm ra hướng đổi mặt, giải quyết. Đối với cà phê, tôi cho rằng cần có “câu chuyện” để khẳng định "cà phê sạch", ở đây chúng ta không đơn giản là bán cà phê mà chính là bán “câu chuyện” về cà phê. Hiện có rất nhiều thương hiệu cà phê, nghĩa là có quá nhiều sản phẩm tương đồng để người tiêu dùng lựa chọn. Vì vậy người sản xuất cà phê cần phải làm cho sản phẩm của mình vượt trội, lúc đó, người ta không còn mua cà phê nữa, mà là mua cách tạo ra cà phê, "mua" con người làm ra sản phẩm đó...

"Ví dụ, thương hiệu Ara-Tay Coffee đã đưa ra một slogan là “Tử tế đến từng hạt”-đó là họ đang kể chuyện-câu chuyện làm cà phê tử tế, đó là việc bảo đảm môi trường thế nào, đó là bảo vệ rừng ra sao? Người ta đưa sự tử tế vào cà phê để nói lên trách nhiệm của mình, đạo đức của mình, đó là cảm xúc, là văn hóa. Chúng ta vẫn luôn nói cụm “cà phê sạch”, “nông sản sạch”, điều này chưa đủ thuyết phục. Có một nơi làm nông nghiệp, người ta cho biết sản phẩm nông nghiệp làm ra là sản phẩm “nông nghiệp lương thiện”-tức sản phẩm tạo ra từ sự lương thiện, điều này tạo nên những cảm xúc mạnh mẽ đối người tiêu dùng. Nếu chỉ ghi chữ “sạch” thì hoàn toàn không tạo được cảm xúc”-Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu.

Cà phê Robusta được trồng tại Gia Lai có hàm lượng cafein cao vượt trội so với những nơi khác. Ảnh: Hà Duy
Cà phê Robusta được trồng tại Gia Lai có hàm lượng cafein cao vượt trội so với những nơi khác. Ảnh: Hà Duy

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chính những “câu chuyện” đó là yếu tố để khách hàng tìm đến và tiếp tục quay lại. Có 2 điều phải nhớ và phân biệt rõ, là sản phẩm và thương phẩm. Sản phẩm là cái ta tạo ra, thương phẩm là cái ta đem ra thị trường, đáp ứng cái chuẩn hóa của thị trường, nhu cầu của thị trường. Hiện nay người ta không chỉ yêu cầu sản phẩm ngon, chất lượng nữa mà người ta còn cần yếu tố văn hóa ở đó. Cà phê Gia Lai cần phải sáng tạo, làm sao phải đưa được yếu tố văn hóa vào, lúc đó mới bán giá cao, mà người tiêu dùng không tiếc tiền bỏ ra mua sản phẩm.

“Tôi rất tha thiết với các bạn trẻ đang khởi nghiệp ở Gia Lai. Gia Lai đang có một không gian rất tuyệt vời để phát triển ngành cà phê, bán cà phê. Đơn giản như mỗi cuối tuần, tỉnh cho phép những bạn trẻ khởi nghiệp bán cà phê tại Quảng trường, tạo một không gian cà phê cởi mở, và cũng là tạo điều kiện cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Nếu đã quyết tâm làm thì phải làm sao khác với người ta, có thể sáng tạo ra sản phẩm mới trên sản phẩm cũ, làm sao khẳng định với người tiêu dùng rằng "Tôi không bán cà phê, mà tôi đang bán văn hóa của chúng tôi". Làm cà phê, làm du lịch nông nghiệp là bán cảm xúc, bán câu chuyện về quê hương của mình. Câu chuyện sẽ lưu lại đối với du khách, từ đó lan tỏa và kéo người ta quay lại. Điều quan trọng là cần kiên trì, đừng bỏ ngang”-Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu quan điểm.

Chuyên hoạt động trong lĩnh vực du lịch, ông Hoàng Phương-Giám đốc Công ty Truyền thông du lịch Le Pleiku hiến kế: “Cà phê là sản phẩm đặc trưng của Gia Lai, chúng ta nên tận dụng điều này để phát triển du lịch. Ví dụ tỉnh có thể quy hoạch diện tích vài trăm ha cà phê để làm lễ hội hoa cà phê, vì 1 vùng hoa cà phê trắng muốt sẽ tạo nên vẻ đẹp rất độc đáo, hoa cà phê cũng rất thơm, có thể bán vé vào cổng với giá rẻ. Hoặc khi vào mùa thu hái, có thể cho du khách đến để trải nghiệm việc hái cà phê, thậm chí du khách cũng có thể nhấm nháp, nếm thử vị những quả cà phê chín đỏ ngay khi hái từ trên cây xuống. Chỉ cần chúng ta training cho nông dân là sẽ làm được. Đó là cách tận dụng những thứ sẵn có, rất đơn giản nhưng lại có thể lan tỏa rộng. Thời gian qua, tôi đã dẫn một số đoàn khách trải nghiệm những hoạt động trên và rõ ràng, các du khách rất thích thú”.

Các nhà vườn tại Gia Lai thu hút khách đến tham quan, chụp ảnh và mua sản phẩm, góp phần phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh: Hà Duy
Các nhà vườn tại Gia Lai thu hút khách đến tham quan, chụp ảnh và mua sản phẩm, góp phần phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh: Hà Duy

Chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-người sáng lập Moon’s Coffee Farm (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) bày tỏ: “Du lịch dựa trên nền tảng nông nghiệp là tiềm năng lớn của Gia Lai. Hy vọng đối với các định hướng phát triển kinh tế-xã hội trong tương lai, tỉnh chú trọng đến những chính sách để tạo điều kiện để những người trẻ có thể triển khai và phát triển ở lĩnh vực này. Người trẻ chúng tôi có điều kiện cần-chính là sự cố gắng, nỗ lực rồi, nhưng cũng cần những điều kiện đủ-đó sự ủng hộ của chính quyền địa phương để trong quá trình chúng tôi nỗ lực xây dựng, phát triển văn hóa phi vật chất sẽ không bị những yếu tố mang tính vật chất trì níu”.

Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.