Chị My Lê (27 tuổi) khởi nghiệp bằng mô hình farmstay kết hợp với du lịch nông nghiệp cộng đồng đã được hơn 3 năm. Chị bắt đầu từ số vốn 100 triệu đồng trên khu vườn có diện tích 2.000 m2 ở H.Đông Hòa, Phú Yên.
Theo chị My Lê, làm nông nghiệp ngày nay không chỉ trở về với miệt vườn sinh thái để trồng rau, hái quả, câu cá mà là hoạt động gắn với du lịch trải nghiệm, học tập về nông nghiệp. Trong đó, du khách sẽ được học về kiến thức của cây giống, con giống, phương pháp canh tác, cách thức thu hoạch và chế biến nông sản...
Mô hình khởi nghiệp nông nghiệp kết hợp với du lịch trải nghiệm được nhiều người trẻ lựa chọn. Ảnh: NVCC |
Chị My Lê cho rằng tùy quy mô dự án, bạn trẻ có thể khởi nghiệp với số vốn trên dưới 400 triệu đồng cho xây dựng cơ sở vật chất. Còn hoạt động có đa dạng, độc đáo thì chính nhờ sự kết nối của người dân tại địa phương. "Người dân có thể tham gia cùng bạn vào các hoạt động văn hóa, trải nghiệm nông nghiệp, cung cấp dịch vụ ăn uống, thành lập tổ nấu ăn, cung cấp phương tiện di chuyển… Nếu kết nối được cộng đồng càng mạnh thì người khởi nghiệp càng có nhiều hoạt động đa dạng và đội ngũ đồng hành cùng mình", chị chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn Anh Quân (30 tuổi), chủ Thiềng Liềng Homestay, H.Cần Giờ, TP.HCM, cũng đang khởi nghiệp bằng mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp cộng đồng ở ấp đảo Thiềng Liềng.
Anh Quân cho biết người trẻ khi phát triển mô hình du lịch nông nghiệp nên dựa vào đặc điểm nghề truyền thống của địa phương. Hiện tại, anh có loại hình du lịch lưu trú kết hợp với trải nghiệm cuộc sống của người dân nông thôn. Du khách cùng hòa mình vào đời sống thôn quê, được bắt tôm, cua, cá, băng rừng hái dừa nước, khám phá vẻ đẹp rừng ngập mặn Cần Giờ. Đồng thời, anh còn cho du khách tự trải nghiệm và tìm hiểu về nghề làm muối của người dân địa phương.
Mô hình du lịch nông nghiệp cho du khách trải nghiệp làm muối ở ấp đảo Thiềng Liềng (H.Cần Giờ, TP.HCM) của Anh Quân. Ảnh: NVCC |
Tuy nhiên, anh Quân cho rằng để gắn kết những điều đó lại với nhau một cách hài hòa thì hoạt động du lịch phải mang lại lợi ích bền vững cho địa phương cũng như chính những người nông dân thông qua nguồn lợi từ du khách. Đây sẽ là sự thúc đẩy, động lực cho cả du lịch và nông nghiệp địa phương trên chặng đường dài.
Anh Quân cho rằng việc nâng cao trải nghiệm của du khách cũng là điều kiện quan trọng của mô hình. Trải nghiệm này phải mang lại cho du khách sự thoải mái, kiến thức và những khía cạnh mới mẻ về nghề nông.
Theo chị My Lê, làm du lịch nông nghiệp ở miền Trung khó khăn nhất là vào mùa mưa bão. Hằng năm, chị đều tạm đóng cửa nông trại vào 2 tháng mưa bão, nên để duy trì được mô hình này phải tính toán rất kỹ và kiên trì. Khởi nghiệp mảng này khó nhất chính là nội lực, kết nối cộng đồng và tinh thần vượt khó của người thực hiện.
Tuy nhiên, chị My Lê cho rằng thực sự nếu bạn trẻ hiểu rõ và có sự kết nối đúng đối tượng khách hàng thì du lịch nông nghiệp không quá khó. Khai thác được thế mạnh của mình và tiếp cận đúng đối tượng khách hàng thì hoạt động du lịch sẽ là hoạt động bổ trợ kiếm thêm nguồn doanh thu đáng kể mà không ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp thuần túy.