Khởi nghiệp cần sự hỗ trợ từ nhiều phía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phong trào thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua diễn ra khá sôi động, nhất là khi năm 2016 được Chính phủ chọn là Năm Quốc gia khởi nghiệp. Theo đó, nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp đã được ban hành. Song, thực tế cho thấy, để khởi nghiệp thành công, nỗ lực tự thân thôi chưa đủ mà những người có ý tưởng khởi nghiệp vẫn cần lắm sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Nhiều hoạt động thúc đẩy phong trào khởi nghiệp

Là đơn vị giữ vai trò “chủ xị”, từ năm 2016 đến thời điểm này, Tỉnh Đoàn Gia Lai đã tổ chức khá nhiều các hoạt động nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong lực lượng thanh niên trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, vào tháng 11-2016, Tỉnh Đoàn đã chủ trì, phối hợp cùng Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức “Ngày hội thanh niên khởi nghiệp và việc làm năm 2016” và diễn đàn “Thanh niên nghĩ giàu làm giàu” để chia sẻ những kinh nghiệm về khởi nghiệp giữa các diễn giả và các bạn đoàn viên, thanh niên đang có nhu cầu khởi nghiệp. Đồng thời Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn phát động cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2016”, trong đó khuyến khích các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp liên quan đến nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hoặc du lịch.

 

Anh Nguyễn Chí Nguyên (huyện Ia Grai), một điển hình về thanh niên khởi nghiệp bằng kinh doanh cây giống và hoa phong lan. Ảnh: H.D
Anh Nguyễn Chí Nguyên (huyện Ia Grai), một điển hình về thanh niên khởi nghiệp bằng kinh doanh cây giống và hoa phong lan. Ảnh: H.D

“Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” hiện đã hoàn thành vòng 2 với 5 ý tưởng được lọt vào chung khảo. Dự kiến trong tháng 9, chúng tôi sẽ tổ chức thi chung kết. Và tại đêm chung kết này, chúng tôi sẽ mời rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tới tham dự. Đây là cơ hội để 5 thí sinh có ý tưởng lọt vào chung kết trình bày ý tưởng của mình, thuyết phục các doanh nghiệp để họ lựa chọn đầu tư, hiện thực hóa ý tưởng”-anh Nguyễn Hoàng Phong-Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết.

Không chỉ trong lực lượng trẻ mà khởi nghiệp còn là phong trào dành cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi. Trong rất nhiều cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phải chú trọng đẩy mạnh khởi nghiệp, trong đó, đặc biệt chú trọng tạo điều kiện để nông dân, các cá nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp có thể khởi nghiệp. Theo đó, ngày 14-2, Chư Pưh đã trở thành địa phương đầu tiên phát động phong trào khởi nghiệp. Tại buổi phát động, lãnh đạo UBND huyện khẳng định doanh nghiệp là người bạn đồng hành, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Đồng thời, đề nghị các cấp, các ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp; xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình khởi sự doanh nghiệp với với mục tiêu hỗ trợ, tư vấn khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp...

Cần những “cú hích” đủ mạnh

Khởi nghiệp là hoạt động xuất phát từ ý tưởng kinh doanh và có lộ trình phát triển rõ ràng với mục tiêu làm giàu và đóng góp cho xã hội. Và để đạt được mục tiêu đó, trong điều kiện hiện nay, chỉ có nỗ lực tự thân của người muốn khởi nghiệp thôi là chưa đủ. Như chia sẻ của một cán bộ Đoàn, thanh niên ở cơ sở có nhiều ý tưởng và nhiều mô hình rất có tiềm năng để khởi nghiệp làm giàu. Song yếu tố cần nhất để hiện thực hóa ý tưởng là vốn thì họ lại không có, đi vay ngân hàng thì vay được rất ít hoặc không được vay.

Bởi vậy mới đây, Tỉnh Đoàn Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình thanh niên Gia Lai khởi nghiệp với mục đích cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên, từng bước đáp ứng nhu cầu hỗ trợ khởi nghiệp của thanh niên, đồng thời huy động các nguồn lực về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất phù hợp với quy định của pháp luật, kết hợp nguồn lực từ các chương trình, dự án để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó quan trọng nhất là Tỉnh Đoàn sẽ tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tạo điều kiện xây dựng “Quỹ Thanh niên khởi nghiệp” với sự hỗ trợ một phần nguồn vốn ngân sách ban đầu, vận động các doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ trực tiếp vào Quỹ, huy động nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn, đồng thời kêu gọi đầu tư cho các dự án khởi nghiệp.

Bên cạnh yếu tố vốn thì quan trọng hơn hết vẫn là ý tưởng để khởi nghiệp. Và ý tưởng khả thi cần phải dựa vào quy hoạch, tầm nhìn của các sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp trong việc phát triển ngành nghề. Theo ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, hiện nay mảng thương mại điện tử tại Gia Lai chưa phát triển, có dư địa để làm. Hay cung cấp thực phẩm sạch cũng là mảng chưa được chú trọng phát triển hoặc khó phát triển. Bởi một sản phẩm sạch ra đời sẽ tốn khá nhiều chi phí, theo đó giá sản phẩm cũng sẽ cao. Nếu muốn tạo ra được sản phẩm vừa sạch vừa có giá cạnh tranh, người thực hiện cần được hỗ trợ rất nhiều, từ việc ứng dụng công nghệ cao, việc đảm bảo đầu ra cũng như cần có những chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, lãi suất vay ngân hàng, chi phí vận chuyển...

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.