"Đưa biển về núi"

(GLO)- Mê biển dường như đã là đặc tính của dân xứ núi. Do vậy, khoảng vài năm trở lại đây, nhiều người yêu cá cảnh ở phố núi Pleiku đã chuyển từ hồ thủy sinh nước ngọt sang đầu tư hồ cá cảnh nước mặn dù thú chơi này đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều công sức và chi phí. 
Theo tìm hiểu, trên địa bàn thành phố có gần 30 người đang theo đuổi thú chơi “đưa biển về núi”. Không chỉ là một cách thư giãn, hồ cá cảnh biển còn được xem là giải pháp trang trí nội thất vô cùng bắt mắt.
Thú chơi công phu
Ra mắt cách đây hơn 5 năm, ban đầu, shop Thủy sinh Gia Lai (24 Nguyễn Thái Bình) chỉ chuyên thiết kế, lắp đặt hồ thủy sinh nước ngọt. Khoảng 2 năm trở lại đây, trước nhu cầu của người chơi cá cảnh, shop nhận thi công thêm hồ cá nước mặn. Anh Huỳnh Anh Quân-Chủ shop Thủy sinh Gia Lai-so sánh: Nếu hồ thủy sinh nước ngọt mang lại sự tĩnh lặng thì hồ cá cảnh biển luôn sống động với các loại san hô, cá cảnh sặc sỡ sắc màu. Do vậy, thú chơi này dần tạo sức thu hút lớn dù khâu chăm sóc vất vả, chi phí đầu tư cũng khá cao. So với hồ cá thủy sinh nước ngọt cùng diện tích thì chi phí thiết kế, lắp đặt bể cá nước mặn cao gấp 4-5 lần với mức giá dao động từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng/hồ. 
Vừa chăm chú dọn vệ sinh một bể cá cảnh biển, anh Quân vừa giải thích về các loại san hô cứng, san hô mềm, hải quỳ cùng đa dạng các loài cá cảnh như: nemo, hoàng đế, thia, xì bích, bê nâu hoặc một số loài khác như sao biển, cua cảnh… Chỉ riêng san hô mềm đã có vô số loài đẹp mắt như: đĩa bay, cúc áo, bèo, diêm, sọ, búa, mè, thảm, trứng mực… Tất cả được nhập về từ các vùng biển như: Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết. Để duy trì một hồ cá cảnh biển, nhất thiết phải có các thiết bị đi kèm gồm đèn, máy tách bọt, thiết bị kiểm tra nhằm đảm bảo cân bằng các chất như canxi, magie...
Với anh Đặng Quốc Bình (32 Cù Chính Lan, TP. Pleiku), thú chơi cá cảnh biển mang lại giá trị tinh thần to lớn. Ảnh: Lam Nguyên
Với anh Đặng Quốc Bình (32 Cù Chính Lan, TP. Pleiku), thú chơi cá cảnh biển mang lại giá trị tinh thần to lớn. Ảnh: Lam Nguyên
Một trong những người đang sở hữu hồ cá cảnh biển “khủng” nhất TP. Pleiku là anh Đặng Quốc Bình (32 Cù Chính Lan). Sau 3 năm theo đuổi thú chơi này, anh Bình đang sở hữu 2 hồ: một lớn, một nhỏ. Tuy nhiên, do thời tiết thay đổi đột ngột nên cách đây chừng nửa tháng, số cá ở hồ lớn bị chết. Riêng hồ nhỏ vẫn duy trì tốt, trông như đáy đại dương thu nhỏ với vô vàn loài san hô mềm mại, rực rỡ đang dập dờn đung đưa giữa làn nước trong veo, như: san hô tai voi, thảm, vú, búa, trứng mực xanh… Những chú cá thì sặc sỡ tung tăng giữa sinh cảnh sống động ấy.
Anh Bình nhớ lại: Năm đầu chơi cá nước mặn, do Pleiku rất hiếm người chơi nên hầu như anh phải tự nghiên cứu. Cá nhập từ nhiều vùng biển trong cả nước, chưa kể phải mua nước biển rồi nhờ xe bồn chở lên. Nay thì anh đã biết cách pha nước tinh khiết với muối theo tỷ lệ phù hợp. Do việc xác định nguồn nước là quan trọng nên anh sắm bộ thiết bị lọc hiện đại, đồng thời thường xuyên kiểm tra độ pH, độ mặn do nước bị bốc hơi.
Dù có nhiều kinh nghiệm nhưng anh Bình vẫn không tránh khỏi rủi ro. Anh kể: Cách đây 2 năm, vào mùng 3 Tết, cả nhà đi chơi về thì phát hiện gần 200 chú cá biển các loại: chim xanh, hoàng yến, chim dù, bò đuôi đỏ, hoàng đế… trong hồ lớn đã chết sạch do độc tố của loài hải sâm lựu. Nhìn hồ cá mà anh chết lặng, mấy mươi triệu đồng cũng theo đó ra đi. “Biết là rủi ro nhưng tôi vẫn mê hải sâm lựu. Nếu thiếu nó thì hồ cá mất đi vẻ sinh động, thành ra, tôi phải thường xuyên quan sát, nếu thấy nó phun độc tố thì bắt ra ngay, xử lý lại nước là ổn”-anh Bình cho hay.
Giá trị tinh thần to lớn
Đầu tư bể cá cảnh nước mặn nhiều tiền của, công sức song những người chơi đều khẳng định giá trị tinh thần mà thú chơi này mang lại là không thể đong đếm. 
Một số người có thể bị vợ cằn nhằn vì đầu tư quá nhiều cho một thú giải trí, nhưng anh Bình thì ngược lại, dù 2 bể cá cảnh biển đã “ngốn” đến hàng trăm triệu đồng. Đơn giản vì đó cũng là đam mê của vợ anh. Trong một lần đi lặn biển ngắm san hô ở Kỳ Co (Bình Định), thấy vợ mê sinh cảnh ở đáy biển quá, anh quyết tâm làm 1 cái hồ tặng vợ vào đúng dịp lễ Tình nhân 14-2. “Đắn đo ghê lắm vì tốn kém, nhưng lỡ mê quá rồi”-anh Bình hóm hỉnh giãi bày. Rồi anh chia sẻ thêm: Với anh, hồ cá này là cách thức xả stress tuyệt vời. Những khi mệt mỏi, bực dọc, chỉ cần ngồi ngắm cá, san hô chừng 5 phút là mọi cảm xúc tiêu cực đều tan biến.
Hồ cá nước mặn sinh động không khác gì một phần đáy đại dương thu nhỏ. Ảnh: Lam Nguyên
Hồ cá nước mặn sinh động không khác gì một phần đáy đại dương thu nhỏ. Ảnh: Lam Nguyên
Cũng đam mê “đưa biển về núi” là anh Phạm Xuân Công Luân (175/2 Duy Tân). Chơi cá cảnh nước ngọt được hơn 10 năm thì anh bắt đầu chuyển hướng sang bể cá nước mặn. Anh Luân đầu tư bể cá này vào đúng đợt dịch Covid-19 bùng phát. Việc phải bó gối suốt ngày ở nhà khiến anh muốn làm gì đó cho ngôi nhà thêm sinh khí, dù việc mua vật liệu thời điểm đó cũng rất khó khăn. Chiếc bể có chi phí khoảng 150 triệu đồng. Nói là chơi cá cảnh biển nhưng do mê san hô nên anh Luân chủ yếu đầu tư vào các loại san hô cứng vô cùng bắt mắt, độc đáo như: Montipora digitata, Monti caps, Acropora, Montipora…; cá thì chỉ điểm xuyết vài con cho sinh động. Số san hô này đều được nhập về từ các nước như Mỹ, Indonesia. Lý giải về việc mê san hô cứng, anh Luân cho biết: “Loài này đòi hỏi chất lượng môi trường nước khắt khe hơn, phải chăm chút kỹ lưỡng hơn. Nhưng chính độ khó lại càng khiến anh muốn được thử thách”.
Hiện anh Luân là thành viên nhóm Zalo “Anh em chơi cá biển” gồm 12 người. Họ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm hoặc đến thăm nhà, cùng “đàm đạo” về kỹ thuật chăm sóc san hô, duy trì bể cá. “Đây là phong trào khá hay nhưng còn ít người chơi. Tôi mong muốn cộng đồng những người chơi cá nước mặn ngày càng phát triển để có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm”-anh Luân chia sẻ.
LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Cho con tiếng nói quê hương

Cho con tiếng nói quê hương

(GLO)- “Chào cả nhà, con là Ben, năm nay con 13 tuổi rồi. Con sống ở Singapore. Con thích ăn cơm gà, chơi điện thoại, chơi bóng chuyền, thích đi Việt Nam…”-cậu bé Benjamin Tan Xin Jie có một clip thú vị như thế để giới thiệu bản thân theo yêu cầu của giáo viên dạy tiếng Việt.

Chư Tan Kra: Các anh đã hòa cùng mây trắng

Chư Tan Kra: Các anh đã hòa cùng mây trắng

Hơn 200 sinh viên từ Hà Nội vào đại ngàn Tây Nguyên. Chư Tan Kra – cao điểm với cái tên nhẹ như một điệu hát của núi rừng, nhưng từng là một trong những chiến trường ác liệt bậc nhất trong thời kỳ chống Mỹ. Và, những người lính ấy đã ngã xuống để giữ bình yên cho mỗi tên đất, tên làng. Các anh đã vĩnh viễn gửi xương máu của mình vào đất, nằm lại nơi đại ngàn đầy nắng gió. Các anh đã ngã xuống cho sự sống được sinh sôi, các anh đã viết nên những trang lịch sử hào hùng, là khúc tráng ca giữa mênh
'Làng giữ rừng' ở thủ đô

'Làng giữ rừng' ở thủ đô

Ở xã Cẩm Lĩnh, H.Ba Vì (TP.Hà Nội) có một 'ngôi làng' đặc biệt được ví là 'Làng giữ rừng', với 19 hộ gia đình là thanh niên xung phong năm xưa đã tình nguyện đi trồng rừng và ở lại giữ rừng cho đến hôm nay.
“Cõng” khách lên ngàn

“Cõng” khách lên ngàn

(GLO)- Hai chân liên tục bơi trên lớp bùn nhão nhoẹt, anh Tưởng Phi Luân-cán bộ kỹ thuật Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (xã Sơn Lang, huyện Kbang) cố giữ cho xe máy khỏi ngã khi vượt qua đoạn đường trơn trượt như đổ mỡ. Đến đoạn dốc cao gần như thẳng đứng, anh nhắc tôi ngồi sát về phía trước, ôm người anh thật chặt khi chiếc xe tăng ga vượt dốc.

Những người gác rừng nơi "cổng trời"

Những người gác rừng nơi "cổng trời"

(GLO)- Ngôi nhà của Tổ quản lý bảo vệ rừng số 1 thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chiêng (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) nằm lọt thỏm giữa những rặng núi ở cách làng Đê Kôn (xã Hà Ra) chừng 1,3 km. Tuy nhiên, sự cô lẻ không làm các nhân viên gác rừng thoái chí mà tiếp thêm động lực để họ kiên tâm giữ gìn những cánh rừng già. Không những vậy, qua đôi bàn tay tài hoa của các anh, cảnh quan nơi đây ngày càng thêm đẹp.

Nhà nổi ở Trường Sa

Nhà nổi ở Trường Sa

Nhiều ngư dân câu mực ở Quảng Ngãi, Quảng Nam kể lại, năm 1998 đã đi bạn trên tàu câu mực ở thành phố Đà Nẵng. Từ năm 2000 đến nay, nghề câu mực ở Đà Nẵng giảm dần nên ngư dân về quê đóng tàu và bắt đầu những chuyến đi dài ngày ròng rã và tàu cập vào hoặc đi qua hầu hết các đảo Sơn Ca, An Bang, Nam Yết, Trường Sa Lớn, Gạc Ma,…
Trà măng, đừng đánh mất!

Trà măng, đừng đánh mất!

Tác giả Lục Vũ từ thế kỷ 8 có miêu tả loại trà quý nhất là trà măng trong tác phẩm Trà Kinh. Trong số 34/63 tỉnh thành Việt Nam sở hữu cây trà, đến nay Lai Châu và Hà Giang phát hiện trà măng - một niềm tự hào của ngành trà Việt.
Trần Thị Bích Ngọc: Sâu đậm tình yêu văn hóa Bahnar

Trần Thị Bích Ngọc: Sâu đậm tình yêu văn hóa Bahnar

(GLO)- Chiều muộn, lại bận một số việc nhà nhưng thấy chị Trần Thị Bích Ngọc-công chức Văn hóa-Xã hội xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) ghé thăm, già Đinh Bi vui lắm. Già đã quá quen với cái dáng bé nhỏ thân thuộc của chị, với những lần đến nhà hỏi han, động viên. Vừa chăm chú đan gùi, già vừa gật đầu khi nghe lời nhắn nhủ: “Chú nhớ trong năm nay ráng truyền dạy thành công nghề đan lát cho 1 người trẻ trong làng chú nhé!”.
Dòng máu anh hùng: Con gái của sĩ quan công binh

Dòng máu anh hùng: Con gái của sĩ quan công binh

Trong số 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh ngày 14.3.1988 ở Gạc Ma - Trường Sa, có 26 bộ đội của Lữ đoàn 83 công binh hải quân và trong số ấy, có 2 sĩ quan khi hy sinh đã có vợ con ở quê nhà. Đó là thượng úy Nguyễn Minh Tâm (trợ lý thi công) và Trần Văn Phòng (đại đội phó).