Đời thợ xa nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gọi là thợ khi phải thành thạo một nghề, có kỹ năng, kinh nghiệm nhất định. Những người thợ gắn bó với các công trình quy mô, đặc thù, thời gian kéo dài, thường có tay nghề cao, được tôn trọng nể vì. Nhưng cuộc đời nay đây mai đó của họ ẩn khuất không ít tâm trạng, tâm tư mà chẳng mấy ai hiểu hết.



Nhất nghệ tinh

Anh Bốn năm nay chừng 50 tuổi, quê Bình Định, theo tốp thợ lên thi công công trình chùa Bửu Quang (TP. Pleiku), phần trang trí. Hạng mục chính là tòa chánh điện quy mô, rộng đến cả ngàn mét vuông, sau khi tháp chuông, phòng khách, phòng sách, phòng phương trượng… đã hoàn tất. Tốp thợ của anh Bốn hiện đảm trách trang trí phần tường tòa chánh điện.

Mỗi ngày ngang qua, chú ý lắm mới thấy tiến độ “chạy” đến đâu. Đó là những dòng chữ hình vuông màu đỏ trên nền tường vàng nổi bật xuất hiện ngày một nhiều mảng tường phía Nam. Quan sát từ xa, người thợ bé nhỏ đứng trên giàn giáo tua tủa, cheo leo, chăm chú khắc từng con chữ, tô từng lớp sơn. Có dịp cà phê quán cóc trước chùa, anh Bốn tâm sự: “Làm việc trên cao, mùa này gió lớn rất nguy hiểm. Người thường không dám trèo lên đâu. Chúng tôi quen rồi, chỉ chú tâm làm thật tốt, thật hoàn hảo, thời gian không quan trọng”.

 Anh Quốc mải mê đục phác thảo. Ảnh: T.S
Anh Châu bên tượng gỗ Phật Di Lặc. Ảnh: T.S



Để tinh thông một nghề có tính chuyên biệt, đòi hỏi người thợ trải qua quá trình học tập, rèn luyện nghiêm khắc. Anh Bốn có gần 40 năm theo nghề nhưng “chưa là gì so với nhiều người”-anh nói. “Cỡ như tôi cũng chỉ là làm theo mẫu, chứ sáng tạo, vận dụng còn hạn chế lắm”. Có thể thế thật, vì có lần tôi chứng kiến nhóm thợ của anh đắp phù điêu một khung trang trí theo mẫu. Đầu tiên, thợ tráng một lớp nền (đất sét pha cát theo một tỷ lệ), rồi lấy mẫu phác thảo trên giấy in xuống lớp đất nền làm khuôn. Sau đó, dùng vữa tráng một lớp theo mẫu. Tiếp tục cắt sắt làm nhiều đoạn làm thành lớp khung ở giữa phù điêu cho chắc chắn. Cuối cùng đắp lên một lớp vữa nữa, trước khi cắt gọt, chỉnh sửa hoàn thiện tác phẩm. Chờ chừng 1 tuần, nhóm thợ anh Bốn mới bắc giàn đưa phù điêu vào vị trí chuẩn bị sẵn và trám hồ cố định.

Nhu cầu tâm linh kéo theo sự phát triển điêu khắc mỹ thuật truyền thống, đặc biệt là điêu khắc nghệ thuật đề tài tôn giáo. Đã có hẳn một nghề điêu khắc tượng Phật duy trì cho đến ngày nay. Tôi chợt liên tưởng đến anh Quốc-người từng học việc tại một cơ sở điêu khắc mỹ nghệ. Xa quê theo người quen lên đây học nghề, những ngày đầu của Quốc chỉ là cân đo đong đếm nguyên liệu hay bê bưng trà nước vặt vãnh cho chủ cơ sở có tên là Châu. Ông chủ Châu cũng là người ngoại đạo, do có năng khiếu, đam mê và chịu khó học hỏi mà tiến bộ trưởng thành. Anh Quốc buổi đầu chỉ có thể tập tò tạo tác sản phẩm đơn giản. Dần dà, anh làm quen với quy trình làm ra một tác phẩm tượng Phật: chọn mẫu, chọn gỗ nguyên liệu, phá gỗ tạo dáng, phác thảo chi tiết, đục chi tiết và điểm nhãn, hoàn thiện tác phẩm. Vất vả nhất là những lần cố định mẫu có hình khối lớn, nặng nề. Và trong một lần như thế, do không có thiết bị hỗ trợ, anh Quốc bị gốc cây to đè gãy một chân.

Không biết rủi hay may nhưng sau tai nạn ấy, chủ xưởng chỉ bày tận tình giúp anh tiến bộ mau chóng. Được xem là người sáng dạ nhưng phải nhiều năm sau nữa, Quốc mới tự mình hoàn thiện những sản phẩm đơn giản của bộ Tam đa, Di lặc, bình hoa cách điệu. Siêng năng, ham học hỏi, giờ đây, Quốc đã thành thạo để tạo ra những tác phẩm đa dạng đề tài, độ tinh xảo cao, đặc biệt là rất có hồn, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Tùy kích thước, khối lượng, giá trị nguyên liệu và sự sáng tạo độc đáo mà sản phẩm có giá khác nhau. Nhiều sản phẩm gỗ lũa quý của ông Châu và Quốc có giá đến nhiều trăm triệu đồng.

Đi lúc con mới sinh, về con vào lớp 9!

Trụ trì chùa Minh Thành (TP. Pleiku), khi đưa Thượng tọa Thích Nhật Từ-Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Phật giáo Việt Nam-đến thăm chùa, đã tiết lộ điều đó. “Có anh thợ ngoài Bắc Ninh vào làm khi con mới sinh, đến khi về con đã vào lớp 9! Con thấy cha mà như thấy... người lạ!”-sư trụ trì kể.

Anh Châu bên tượng gỗ Phật Di Lặc. Ảnh: T.S
Anh Quốc mải mê đục phác thảo. Ảnh: T.S



Cháu Tiến gần nhà tôi gọi sư trụ trì là “ông cậu” do có quan hệ họ hàng, theo công trình này từ ngày khởi công tái thiết. Cứ sáng đi, trưa về, chiều đi, tối về. “Biết chừng nào mới xong hả chú? Chỉ làm thôi, không quản tháng ngày”-một lần Tiến nói.

Minh Thành là ngôi chùa nổi tiếng không chỉ ở Tây Nguyên với kiến trúc khác lạ, đẹp mắt và quy mô hoành tráng với chánh điện, tháp chuông, hồ liên trì, 500 tượng La Hán làm bằng gỗ quý, bảo tháp 9 tầng cao 72 m thờ Xá lợi, 4 tượng thiên thủ thiên nhãn cao 8 m và vô số độc đáo, hấp dẫn khác. Tính đến nay, quá trình tái thiết ngôi chùa này đã gần vài chục năm có lẻ. Sư trụ trì cho biết, chùa đang ráo riết thi công để kịp khánh thành vào cuối năm 2020. “Phấn đấu như vậy nhưng tôi sợ đến lúc đó công trình cũng chưa xong. Tất cả phụ thuộc ở kinh phí, sau mới đến nhân lực”-Đại đức Thích Giác Mãn-trụ trì chùa Minh Thành-cho biết.

Thầy trụ trì chùa này từng có 7 năm theo học thạc sĩ mỹ thuật, kiến trúc Phật giáo tại Đài Loan. Tái thiết chùa, sư trụ trì luôn trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn theo đúng quy hoạch, thiết kế. Đội ngũ thợ thầy tạo tác, điêu khắc các pho tượng, trang trí đầu hồi, đỉnh tháp, hoa văn họa tiết trang trí tinh xảo hiếm thấy.

Chứng kiến cảnh họ tỉ mỉ, miệt mài, không một biểu hiện mệt mỏi mà đầy say mê trên trần chánh điện cao gần 20 m mới thấy trình độ tay nghề và niềm yêu nghề nơi họ mãnh liệt đến nhường nào. Trong Nam, ngoài Bắc, những tay nghề chạm khắc, trang trí giỏi nhất đều được tập hợp về đây. Thời điểm cao nhất có cả hàng trăm thợ điêu khắc chạm trổ. Gần như “nội bất xuất”, họ ở luôn trong chùa, ăn uống đã có người phục vụ.

Vì nghề mà xa quê, xa gia đình nên người thợ không khỏi những phút chạnh lòng. Anh Bốn, Quốc nhiều đêm không ngủ vì nhớ cha nhớ mẹ, vợ con. Nhiều đêm cánh thợ chùa Minh Thành rơi nước mắt vì nhớ nhà. Tiếng chuông, tiếng mõ làm cho tâm tịnh nhưng đâu ít lần khiến họ não lòng. Đã theo nghề thì chấp nhận, họ ý thức điều đó nhưng cũng đau đáu ngày về, ngày đến một công trình khác.

Những dòng này tôi viết khi Tiến thông báo một nhóm thợ chùa Minh Thành vừa được “ông cậu” giới thiệu vào làm một ngôi chùa ở Bình Dương.

 

 THẤT SƠN


 

Có thể bạn quan tâm

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.