Đổi thay ở vùng kinh tế mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, năm 1996, 38 hộ dân từ tỉnh Hải Dương đã tiên phong vào xã Yang Trung (huyện Kông Chro) để xây dựng kinh tế mới. Sau những năm tháng lao động gian khổ, đến nay, nhiều gia đình đã trở nên khá giả, xem đây là quê hương thứ 2 của mình.

Theo lời giới thiệu của ông Đinh Văn Ơnh-Bí thư Đảng ủy xã Yang Trung, chúng tôi tìm về thôn 9 và 10, một trong những điểm kinh tế mới đầu tiên của huyện Kông Chro. Năm 1996, 38 hộ dân từ tỉnh Hải Dương theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước đã rời quê hương vào vùng đất Yang Trung lập nghiệp theo chương trình kinh tế mới. Lúc bấy giờ, Yang Trung là vùng đất còn rất nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc Bahnar chiếm tỷ lệ lớn với phương thức sản xuất truyền thống phát, đốt, chọc, tỉa cây lúa rẫy, mì và bắp; giao thông đi lại khó khăn, dân cư còn thưa thớt, điện thắp sáng không có.

 

Nhãn lồng trong một trang trại tại xã Yang Trung. Ảnh: N.D
Nhãn lồng trong một trang trại tại xã Yang Trung. Ảnh: N.D

Vào vùng đất mới, tận dụng nguồn đất đai sản xuất rộng lớn, phù hợp với các loại cây ngắn ngày, nhiều hộ tập trung sản xuất quay vòng, xen canh gối vụ các loại cây trồng để phục vụ cuộc sống hàng ngày. Đất không phụ lòng người, sau nhiều năm lao động vất vả trên vùng đất Yang Trung, 38 hộ dân kinh tế mới ngày nào giờ đây đã có cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển vượt bậc. Điều đáng mừng là từ một điểm kinh tế mới đến nay đã trở thành 2 thôn 9 và10 với hơn 300 hộ gia đình cùng 1.000 nhân khẩu. Ngoài sản xuất các loại cây ngắn ngày, người dân nơi đây còn xây dựng những mô hình trồng cây ăn quả lâu năm như nhãn, mãng cầu, xoài, thanh long…

Là một trong những hộ đầu tiên vào vùng đất mới Yang Trung lập nghiệp, ông Nguyễn Trác Tân (thôn 9) cho hay: Lúc mới vào đây, khu vực này chủ yếu là đường đất đi lại rất khó khăn, chưa có điện thắp sáng, nhà cửa dân cư nằm rải rác chứ không được như bây giờ. Ngoài 2 sào đất được cấp, gia đình ông đã thuê thêm đất của người dân để tăng gia sản xuất nhiều loại cây trồng phục vụ cuộc sống hàng ngày. Nhiều hộ lúc đầu cũng trồng đậu, đỗ các loại nhưng đến nay đã xây dựng các mô hình phát triển kinh tế bền vững. Riêng gia đình ông hiện có 5 ha đất, trong đó 2,7 ha trồng xoài thu hoạch từ vài năm nay, ngoài ra còn trồng xen canh cây nhãn, mãng cầu xiêm. Hơn 2 ha còn lại, gia đình ông trồng mía. Với diện tích sản xuất này, mỗi năm gia đình ông lãi khoảng 150 triệu đồng sau khi trừ các chi phí đầu tư sản xuất. Không chỉ gia đình ông mà nhiều hộ trong thôn 9 mỗi năm cũng thu nhập vài trăm triệu đồng như hộ bà Phạm Thị Phương, ông Nguyễn Văn Lợ…

Ông Nguyễn Duy Tùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro, cho biết: Theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, nhiều hộ dân ở tỉnh Hải Dương đã vào lập nghiệp tại huyện theo chương trình di dân kinh tế mới từ năm 1995 đến năm 2000. Người dân đi kinh tế mới hiện làm ăn và sinh sống tại 9 thôn, làng ở các xã như: Chơ Glong, Đak Kơ Ning, Yang Trung, Đak Pơ Pho và An Trung… Đời sống của họ đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Hầu hết đều phấn khởi với cuộc sống hiện tại. Thành quả này là sự nỗ lực của họ trong lao động sản xuất và được Nhà nước động viên khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm… Đặc biệt, nhiều hộ còn hỗ trợ đồng bào Bahnar tại chỗ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; xây dựng mối quan hệ đoàn kết giao lưu văn hóa để cùng nhau phát triển kinh tế-xã hội. Người địa phương cũng được hưởng lợi rất nhiều, từ chỗ sản xuất độc canh theo phương thức truyền thống, đến nay đã tiếp cận và biết cách chọn cây con giống phù hợp, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần làm đổi thay diện mạo những vùng đất khó trên địa bàn huyện.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm