Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, người làm báo đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhân dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024, chiều 19-2, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai trang trọng tổ chức buổi gặp mặt đại diện trí thức, văn nghệ sĩ và đội ngũ người làm báo trên địa bàn tỉnh.

Chủ trì buổi gặp mặt có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy. Dự buổi gặp mặt có các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các sở, ban, ngành và hơn 200 đại biểu đại diện đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và người làm báo trên địa bàn tỉnh.

Những đóng góp quan trọng

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên khẳng định: Năm 2023, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức cả bên trong và bên ngoài, song với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 cơ bản đạt kết quả đề ra; một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội tăng so với năm 2022. Những kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, người làm báo tỉnh nhà và các cơ quan báo chí thường trú tại tỉnh.

Đội ngũ trí thức của tỉnh ngày càng phát triển nhanh về chất và lượng, có nhiều đóng góp quan trọng, thực sự là lực lượng tiên phong, đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, thích ứng nhanh với chuyển đổi số. Nhiều công trình, sản phẩm nghiên cứu của đội ngũ trí thức đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách của cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, tham gia giữ vững ổn định quốc phòng-an ninh, tích cực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, cùng hệ thống chính trị giải quyết được các yêu cầu cụ thể do cuộc sống đặt ra.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Đ.T

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Đ.T

Hoạt động văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, sôi động. Với đặc thù là lĩnh vực sáng tạo đặc biệt, tinh tế và mang tính “nhân văn nhất”, văn học nghệ thuật đã gắn bó chặt chẽ với văn hóa dân tộc, hun đúc, nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc trong mỗi người dân, bồi dưỡng cái thiện, cái đẹp, tình yêu thương, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho con người. Đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh ngày càng trưởng thành hơn về nghề nghiệp, ý thức chính trị và trách nhiệm trước Đảng, Nhân dân. Bằng các tác phẩm văn học nghệ thuật và công trình sưu tầm, nghiên cứu của mình, đội ngũ văn nghệ sĩ đã chuyển tải, lan tỏa, phát huy lòng yêu nước, tự hào dân tộc sâu sắc, đem sức lực và tài năng của mình đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương trên con đường xây dựng và phát triển.

Hoạt động của đội ngũ văn nghệ sĩ đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh Gia Lai đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Để minh chứng cho điều này, vừa qua, đoàn nghệ nhân người Jrai biểu diễn cồng chiêng tại Lễ hội âm thanh thế giới lần thứ 22 tổ chức tại Hàn Quốc.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cũng đánh giá cao đội ngũ nghệ nhân dân gian trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai. Điển hình như Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih (làng Jút 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đã mang văn hóa, âm nhạc của dân tộc Jrai ra thế giới. “Tôi đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan nên có cuộc gặp mặt đối với đội ngũ nghệ nhân dân gian trên địa bàn tỉnh nhằm ghi nhận những đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc trong tỉnh”-Bí thư Tỉnh ủy đề nghị.

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cũng cho rằng: Đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tại các cơ quan báo chí của tỉnh và các cơ quan, văn phòng, phóng viên thường trú các báo Trung ương, ngành, địa phương khác hoạt động trên địa bàn tỉnh đã luôn bám sát tôn chỉ, mục đích, phản ánh sâu sát hơi thở cuộc sống, đồng hành với hệ thống chính trị, đồng bào các dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Gia Lai. Tính Đảng, tính nhân dân, tính chiến đấu, tính trung thực của báo chí ngày càng được phát huy, thực sự trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng bộ, chính quyền tỉnh; tích cực tuyên truyền, khơi dậy khát vọng xây dựng, phát triển quê hương.

Báo chí đã thể hiện là cánh tay nối dài, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh nắm bắt kịp thời, sâu sát hơn tình hình, hoạt động ở các ngành, địa phương, đơn vị; nhìn nhận rõ hơn các hạn chế, khuyết điểm để lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời. Các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên cũng đã từng bước thay đổi tư duy, nhận thức về công tác truyền thông chính sách; thích ứng với chuyển đổi số trong báo chí.

Quang cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: Đức Thụy

Quang cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: Đức Thụy

“Để có được những kết quả trên, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và phóng viên, nhà báo trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để có những bài viết tốt, phóng sự, tác phẩm hay, những sáng kiến, sáng tạo có ý nghĩa thiết thực phục vụ cuộc sống, nhiệm vụ chính trị của địa phương”-Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đánh giá.

Nhiều ý kiến tâm huyết

Tại buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên mong muốn các đại biểu cùng nhau trao đổi thẳng thắn, chân tình, cởi mở, mang tính xây dựng trên các lĩnh vực, nhất là xung quanh những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động báo chí, văn học nghệ thuật, khoa học và công nghệ... Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp cho thời gian tới để lực lượng báo chí, văn nghệ sĩ, đội ngũ trí thức tiếp tục đồng hành, đóng góp nhiều hơn nữa với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực tham gia đóng góp ý kiến, vun đắp tình cảm, quan hệ thân thiện, xung kích đi đầu trong các lĩnh vực để cùng chung tay xây dựng quê hương Gia Lai ngày càng giàu đẹp.

Trên tinh thần đó, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí đã có nhiều ý kiến tâm huyết, mang tính xây dựng trên các lĩnh vực, đặc biệt là về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học, tác nghiệp báo chí và văn học nghệ thuật. Nhà báo Lương Văn Danh-Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai-cho biết: Trong năm 2023, Báo Gia Lai đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đảm bảo thông tin nhanh nhạy, kịp thời, đúng định hướng. Cùng với đó, Báo đã chú trọng đưa tin, bài lên các nền tảng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Gia Lai đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời, thực hiện nhiều chương trình livestream và giao lưu trực tuyến trên Báo Gia Lai điện tử, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội đã tạo được sự lan tỏa rất lớn trong xã hội.

Nhà báo Lương Văn Danh-Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai nêu ý kiến tại buổi gặp mặt. Ảnh: Đức Thụy

Nhà báo Lương Văn Danh-Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai nêu ý kiến tại buổi gặp mặt. Ảnh: Đức Thụy

Đặc biệt, năm 2023, Báo Gia Lai đã thực hiện quyết liệt công tác chuyển đổi số và bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Hiện Báo đã thực hiện tòa soạn không giấy, toàn bộ quy trình xử lý tin, bài đều qua tòa soạn điện tử; đồng thời, đa dạng các loại hình báo chí để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.

“Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng việc chuyển đổi số của Báo vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Nguyên nhân là do thiết bị, công nghệ lạc hậu, chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, nhận thức cũng như trình độ của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên còn hạn chế. Chính vì vậy, trong năm 2023, Báo Gia Lai đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trọng tâm của kế hoạch này là phấn đấu xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ vào năm 2025. Tòa soạn hội tụ là sự kết hợp của nhiều loại hình báo chí gồm: báo in, báo mạng, phát thanh, truyền hình. Trung tâm của mô hình này là một hệ thống phần mềm tòa soạn hội tụ để quản lý điều hành mọi hoạt động của tòa soạn. Để hiện thực hóa kế hoạch này, Báo Gia Lai mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan”-Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai đề nghị.

Còn Tiến sĩ Trần Cao Bảo-Phó Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai mong muốn cấp ủy và chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm đến đội ngũ nhân sĩ, trí thức và tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức hoạt động, phát huy năng lực, cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự phát triển chung của tỉnh. Đồng thời, cần có chính sách thu hút, đãi ngộ trí thức của tỉnh, nhất là trí thức có trình độ cao ngoài tỉnh về tỉnh công tác; tạo môi trường, điều kiện làm việc hấp dẫn, thu hút trí thức trẻ, nhất là sinh viên giỏi về cống hiến cho quê hương. Gia Lai là tỉnh nông nghiệp nên lãnh đạo tỉnh cũng cần xem xét việc thành lập một số trung tâm hoặc đơn vị liên quan đến giống cây trồng chất lượng cao phù hợp với thổ nhưỡng của tỉnh; khu nông-lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu bảo tồn nguồn gen quý của một số loại cây trồng và dược liệu bản địa; thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến...

Ghi nhận những ý kiến trách nhiệm và tâm huyết của đại biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long mong muốn đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, báo chí sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh nhà trong thời gian tới. Đồng thời khẳng định, tỉnh sẽ có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như có cơ chế phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, báo chí hoạt động trong thời gian đến.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cũng đề nghị: “Các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện tốt hơn nữa để đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo, phóng viên phát huy hết khả năng sáng tạo của mình; tiếp tục quan tâm lắng nghe ý kiến, đối thoại với trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo, phóng viên trong những vấn đề quan trọng, tạo sự cởi mở chân thành và củng cố hơn nữa niềm tin, sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương”.

Có thể bạn quan tâm

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

(GLO)- Sáng 11-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) bước vào ngày làm việc cuối cùng với phần chất vấn và trả lời chất vấn; đồng thời, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 40 nghị quyết quan trọng.