Đổi mới sáng tạo phải bắt đầu từ nhận thức và tư duy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phát biểu tại diễn đàn CEO 2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: Doanh nghiệp muốn đổi mới sáng tạo cần phải biết thử nghiệm và tiếp nhận cái mới, dám chấp nhận sai lầm để sai nhanh hơn với chi phí rẻ hơn.
Xin giới thiệu nội dung tóm lược bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại diễn đàn CEO 2019, do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại Hà Nội hôm 5/4 vừa qua.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn CEO 2019. Ảnh:TBKT. Dám chấp nhận cái mới để sai nhanh hơn, với chi phí rẻ hơn
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn CEO 2019. Ảnh:TBKT. 
Dám chấp nhận cái mới để sai nhanh hơn, với chi phí rẻ hơn
Đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong doanh nghiệp có thể hiểu theo nghĩa sử dụng công nghệ, chủ yếu là công nghệ số, để tự động hoá, thông minh hoá toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ quản trị tới sản xuất, bán hàng... Với cách tiếp cận này thì từ khoá quan trọng nhất là: Thông minh hơn và tiếp tục thông minh hơn trong mọi hoạt động. Công cụ quan trọng nhất cho quá trình này chính là công nghệ, nhất là công nghệ số, công nghệ 4.0.
Trước đây, các doanh nghiệp tìm mọi cách để tránh sai lầm thì ngày nay cần phải sai nhanh hơn với chi phí rẻ hơn. Trước đây là học trước làm sau, thì nay là làm trước học sau, vì cái mới thì chưa có nên không thể học mà chỉ có thể thử. Trước đây là có việc trước rồi tìm người sau, thì nay sẽ là tìm người phù hợp trước rồi mới nghĩ đến làm gì, vì việc là mới nên cần những người giống nhau ở chỗ đam mê khám phá. Trước đây sức mạnh của doanh nghiệp là đông người, thì nay sức mạnh là ít người để phản ứng nhanh và chuyển động nhanh. Với cách tiếp cận này thì quan trọng nhất đối với các CEO là tìm cách tiếp cận mới trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mình.
Một công ty thành công, đứng ở vị trí số 1 thì lại thường sụp đổ khi xuất hiện những công nghệ mới đột phá. ĐMST thường tạo ra cơ hội cho các công ty mới với công nghệ mới mang tính đột phá. Các công ty lớn và thành công thường có những khuyết tật chết người, và tạo ra cơ hội cho các công ty mới, các công ty nhỏ vươn lên trở thành số 1 của các thị trường mới để quay về lật đổ tại các thị trường truyền thống hiện tại.
ĐMST đòi hỏi sự thay đổi, nhưng chính các cơ chế, quy trình, hệ giá trị mà thông qua đó công ty tạo ra giá trị và thành công lại là kẻ thù của sự thay đổi. Năng lực của một tổ chức bao gồm 3 yếu tố: Tài nguyên, Quy trình và Hệ giá trị. Cả 3 yếu tố này khi công ty ở qui mô lớn và thành công thì đều mang tính duy trì. Do vậy, chính các năng lực của một tổ chức cũng là thứ ấn định những khuyết tật của nó.
Vì vậy, nhiệm vụ của các CEO là phải giải quyết mâu thuẫn này khi có yêu cầu về ĐMST. Các CEO có 3 lựa chọn sau: Thứ nhất, thâu tóm một công ty có qui trình và hệ giá trị tương đồng với nhiệm vụ mới. Thứ hai, cố gắng thay đổi các qui trình và hệ giá trị của tổ chức hiện tại. Thứ ba, tạo ra một bộ phận độc lập rồi phát triển các qui trình mới và hệ giá trị mới để đáp ứng được các yêu cầu mới. Với cách nhìn này thì các công ty lớn đang thành công quả là có một thách thức rất lớn khi nói về ĐMST.
ĐMST dưới góc nhìn kinh tế số sẽ như thế nào?
Kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số như là yếu tố sản xuất chính; sử dụng mạng Internet, mạng thông tin làm không gian hoạt động; và sử dụng ICT, tức là viễn thông và CNTT, để tăng năng suất lao động, và để tối ưu nền kinh tế. Nếu nói đơn giản thì kinh tế số là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số. Kinh tế số là một quá trình tiến hoá lâu dài. Là quá trình chuyển đổi số trên bình diện quốc gia. Ở những mức độ khác nhau, mọi lĩnh vực, mọi doanh nghiệp, mọi cá nhân đều có thể sử dụng công nghệ số để làm tốt hơn công việc của mình, thậm chí đột phá để thay đổi về chất công việc của mình.
Cách nhanh nhất để đẩy nhanh nền kinh tế số là sử dụng công nghệ số để thay đổi cách chúng ta đang sản xuất, đang làm việc. Dùng camera để giảm người bảo vệ, đó chính là kinh tế số. Tự động tưới cây khi đất khô, đó cũng chính là kinh tế số. Dùng văn bản điện tử thay giấy tờ cũng là số hoá nền kinh tế.
Ai sẽ làm việc này? Đó chính là các doanh nghiệp công nghệ số. Bởi vậy phải khởi nghiệp công nghệ số, phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Dùng công nghệ số để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ này sẽ đi ra toàn cầu.
Kinh tế số và cuộc cách mạng về chính sách
Công nghệ số sẽ sinh ra những mô hình kinh doanh mới, thách thức mới hoặc thay thế mô hình kinh doanh cũ. Ví dụ, Uber đang thách thức taxi, Fintech thách thức ngân hàng truyền thống, Mobibe Money thanh toán mua hàng hoá giá trị nhỏ sẽ giải quyết bài toán thanh toán không dùng tiền mặt đến 100% người dân, nhưng lại thách thức ngân hàng. Vấn đề của chính phủ là có dám chấp nhận các mô hình kinh doanh mới này hay không. Nếu dám chấp nhận nhưng lại là người sau cùng chấp nhận thì cũng không có giá trị nhiều.
Bởi vậy mà nhiều người nói, số hoá nền kinh tế là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Đầu tiên phải là chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, chấp nhận các công nghệ mới làm thay đổi căn bản các ngành, thường là sự sáng tạo mang tính phá huỷ cái cũ.
Chúng ta chấp nhận cái mới thì công nghệ mới của thế giới sẽ về, người tài trên toàn cầu sẽ về, và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện, và cái nôi Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm công nghệ số xuất khẩu được. Nhưng phải là sự chấp nhận sớm, sớm hơn người khác. Đi sau người khác, đi cùng người khác thì sẽ không có cơ hội thay đổi thứ hạng Việt Nam. Khi chấp nhận cái mới, chúng ta có thể mất một số thứ. Nhưng chúng ta không có quá nhiều thứ để mất, và đó là cơ hội của chúng ta.
Như vậy, dưới góc nhìn kinh tế số, hay chuyển đổi số thì ĐMST có nghĩa là: Doanh nghiệp thì tập trung vào chuyển đổi số để trở thành doanh nghiệp số, còn chính phủ thì tập trung vào xây dựng thể chế để chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, các công nghệ mới đột phá.
Những thách thức của đổi mới sáng tạo luôn là rất lớn. Nhưng cơ hội của những nước đang phát triển như chúng ta lại là lớn hơn. Đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng và trở thành nước phát triển vào năm 2045. Mỗi doanh nghiệp có cách tiếp cận riêng của mình về ĐMST để phát triển doanh nghiệp mình, tái tạo chính mình và đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước.
H.P. (lược thuật/VIE)

Có thể bạn quan tâm