Đoàn kết, sáng tạo, xây dựng huyện Chư Prông phát triển toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 67 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng huyện nhà ngày càng giàu mạnh và không ngừng nâng cao đời sống người dân.

Những trang sử chói lọi

Ngày 15-9-1954, Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum (cũ) quyết định thành lập Ban cán sự Đảng khu 5 (huyện 5), tiền thân của Huyện ủy Chư Prông bây giờ. Ngay từ khi mới thành lập, Ban cán sự Đảng khu 5 đã tổ chức quán triệt, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như mở rộng những vùng chưa có cơ sở dọc trục đường 14, 19; khôi phục, củng cố cơ sở ở những vùng đã có nhưng còn yếu. Xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt, cốt cán ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tổ chức cho cán bộ xuống các làng bám dân; vận động, lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, hiệp thương tổng tuyển cử; chống càn quét, bắn phá, cướp bóc…

Thị trấn Chư Prông ngày càng khởi sắc. Ảnh: Đinh Văn Dũng
Thị trấn Chư Prông ngày càng khởi sắc. Ảnh: Đinh Văn Dũng


Trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, Đảng bộ huyện đã đề ra những chủ trương và biện pháp cụ thể để lãnh đạo Nhân dân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Đồng thời, củng cố, tăng cường vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Trong 2 cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ và ác liệt, trên chiến trường Chư Prông đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng như: Kpă Klơng, Kpuih Thu, Kpă Ó, Siu Blêh. Huyện Chư Prông cũng gắn với chiến công, địa danh nổi tiếng đi vào lịch sử như: đồn Plei Me, thung lũng Ia Drăng...

Với những chiến công vẻ vang, huyện Chư Prông là địa phương đầu tiên ở Tây Nguyên được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1978); 8 tập thể, 4 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 3 đơn vị lực lượng vũ trang được tặng huân chương chiến công các loại.

Kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực

Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, huyện Chư Prông đã đạt được những thành tựu đáng kể. Kinh tế của huyện tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2015-2020 tăng 9,74%/năm, tăng 2,58% so với nhiệm kỳ trước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 42,5 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đến năm 2020, tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp, thủy sản chiếm 50,27%, giảm 4,95% so với nhiệm kỳ trước; công nghiệp-xây dựng chiếm 22,01%, tăng 1,7% so với nhiệm kỳ trước; thương mại-dịch vụ chiếm 27,72%, tăng 3,25% so với nhiệm kỳ trước.

Thi công công trình điện gió tại xã Ia Phìn (huyện Chư Prông). Ảnh: Đinh Văn Dũng
Thi công công trình điện gió tại xã Ia Phìn (huyện Chư Prông). Ảnh: Đinh Văn Dũng



Đặc biệt, những năm gần đây, huyện Chư Prông xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng tái tạo là hai mũi đột phá để phát triển kinh tế. Theo đó, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, tập trung khắc phục khó khăn, khai thác tối đa tiềm năng, phát huy thế mạnh của từng lĩnh vực, từng địa bàn, quyết tâm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ năm 2021 và kế hoạch 5 năm (2021-2025). Hiện nay, trên địa bàn huyện có 83 dự án triển khai các thủ tục đầu tư với tổng vốn hơn 104 ngàn tỷ đồng. Trong đó, UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư 24 dự án với tổng vốn đăng ký trên 12 ngàn tỷ đồng, diện tích đất dự kiến sử dụng hơn 1 ngàn ha, trong số này có 5 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng-công nghiệp. Ngoài ra, 12 dự án đã được UBND tỉnh đồng ý cho chủ trương khảo sát, nghiên cứu với tổng vốn hơn 938 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao.

Đối với lĩnh vực đầu tư năng lượng tái tạo, trên địa bàn huyện đang triển khai 4 nhà máy điện gió có tổng công suất hơn 200 MW với tổng vốn đầu tư hơn 7.800 tỷ đồng; 40 dự án năng lượng mặt trời đi vào hoạt động. Trong lĩnh vực đầu tư chăn nuôi có gần 40 dự án chăn nuôi heo với quy mô trên 350 ngàn con. Đặc biệt, Tập đoàn THACO đầu tư dự án mở rộng chăn nuôi vào năm 2022 với diện tích gần 2 ngàn ha, quy mô 72 ngàn con bò thịt và sinh sản, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển.

Tập trung các mũi đột phá

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025). Đảng bộ, quân và đồng bào các dân tộc trong huyện nỗ lực thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra. Đồng thời, thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của huyện gồm: tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, nhất là giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở.

Mô hình trồng măng tây theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Chư Prông- Ảnh: Vĩnh Hoàng
Mô hình trồng măng tây theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Chư Prông. Ảnh: Vĩnh Hoàng



Trên cơ sở đó, Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế so sánh, thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động. Triển khai xây dựng cánh đồng lớn ở những nơi có điều kiện. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thành lập các mô hình nông hội, tổ hội trên địa bàn. Xây dựng vùng lúa nước chuyên canh, chất lượng cao; phấn đấu đến năm 2025, tổng sản lượng lương thực có hạt là 91.400 tấn; diện tích lúa nước 12.100 ha, bắp 5.200 ha. Thực hiện hiệu quả chủ trương tái canh và duy trì hợp lý diện tích cà phê; ổn định diện tích cao su, hồ tiêu; phát triển diện tích rau màu, cây ăn quả, cây dược liệu gắn với thị trường. Phấn đấu đến năm 2025 phát triển được 4.000 ha cây ăn quả, trên 1.000 ha cây dược liệu.

Tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh; phấn đấu huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2020-2025 là 22.500 tỷ đồng.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới, kiện toàn bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Tăng cường công tác quản lý, phát triển, sàng lọc đảng viên, bảo đảm chất lượng gắn với xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh. Phấn đấu hàng năm, tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 80%; 100% thôn, làng, tổ dân phố, trường học có tổ chức Đảng; 95% chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có cấp ủy; hàng năm, 90% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ, quân và đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

 

ĐINH VĂN DŨNG
Bí thư Huyện ủy

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng 16-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết, tặng quà nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và các gia đình có công trên địa bàn TP. Pleiku.

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Theo phương án đề xuất, Bộ Tài chính sẽ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính. Bộ Nội vụ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ. Bộ Xây dựng giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng...