(GLO)- Ngày 7-12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 75 Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Gia Lai (10/12/1945-10/12/2020), nhằm ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh, của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà trong suốt 75 năm qua. Báo Gia Lai điện tử đăng toàn văn Diễn văn của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai tại buổi Tọa đàm.
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh ôn lại truyền thống Đảng bộ tỉnh tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Phương Linh |
Kính thưa các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ,
Thưa toàn thể các đồng chí tham dự Tọa đàm,
Trong không khí hân hoan, phấn khởi về thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cùng với cả nước ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các ngày lễ lớn của đất nước; hôm nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 75 Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Gia Lai (10/12/1945-10/12/2020), nhằm ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh, của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà trong suốt 75 năm qua.
Thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy qua các thời kỳ, các đồng chí đại diện các chi bộ và bí thư chi bộ tiêu biểu trong toàn Đảng bộ tỉnh cùng toàn thể các đồng chí đại biểu đến dự Tọa đàm; xin gửi đến các đồng chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Thưa các đồng chí,
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Việt Nam đã có một chính đảng mang bản chất cách mạng và khoa học, lãnh đạo nhân dân giành quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngay từ những năm 1930, 1940 của thế kỷ XX, những đảng viên, chiến sỹ cách mạng lên hoạt động tại Gia Lai, xây dựng phát triển phong trào cách mạng trong đồn điền và một số địa phương. Tháng 4 năm 1945, Đoàn thanh niên Gia Lai được thành lập, do các đồng chí Trần Ngọc Vỹ, Nguyễn Đường, Dương Thành Đạt, Phan Bá, Trương Khôi tổ chức từ những thanh niên, viên chức tiến bộ ở tỉnh lỵ. Tháng 5 năm 1945, Đoàn thanh niên Chấn hưng An Khê ra đời do nhóm trí thức tiến bộ, gồm các đồng chí Đỗ Trạc, Trần Thông, Trần Sanh, Lý Bính đứng ra tập hợp lực lượng thanh niên thị trấn và các vùng nông thôn, bí mật liên lạc với cơ sở Đảng và Mặt trận Việt Minh để hoạt động. Tháng 6 năm 1945, Đoàn thanh niên Cheo Reo hình thành, gồm những thanh niên người dân tộc thiểu số các làng xung quanh thị trấn, những thầy giáo, viên chức tiến bộ, do các đồng chí Nay Phin, Rơchơm Briu đứng đầu. Những hoạt động tiến bộ của các tổ chức đoàn thanh niên trong thời kỳ Tiền khởi nghĩa là lực lượng nòng cốt, lãnh đạo nhân dân tham gia khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở thị xã Pleiku, An Khê, Cheo Reo và các vùng trong tỉnh vào tháng 8 năm 1945.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Gia Lai ra đời và đi vào hoạt động. Để có sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sau thời gian theo dõi, thử thách, tiến hành các thủ tục kết nạp thêm đảng viên, ngày 1-10-1945, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Gia Lai được thành lập tại Trường tiểu học Việt-Pháp, thị xã Pleiku; gồm 9 đảng viên do đồng chí Nguyễn Đường làm Bí thư Chi bộ; mỗi đảng viên trong Chi bộ lấy một chữ trong khẩu hiệu: “Xin-Thề-Hy-Sinh-Tất-Cả-Vì-Đảng-Ta” làm bí danh hoạt động. Chi bộ đó làm nhiệm vụ như Ban vận động thành lập Đảng bộ tỉnh Gia Lai. Ngày 25-11-1945, Chi bộ Đảng ở An Khê được thành lập gồm 3 đảng viên, do đồng chí Đỗ Trạc làm Bí thư. Từ tháng 11 đến tháng 12 năm 1945, các chi bộ cộng sản Biển Hồ, Bàu Cạn và một chi bộ trong lực lượng vũ trang của tỉnh (chi bộ trong Chi đội Tây Sơn) lần lượt ra đời, nâng tổng số đảng viên trong toàn tỉnh lên 24 đồng chí.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy Trung Kỳ tiếp tục tăng cường cho Gia Lai thêm nhiều cán bộ, đảng viên như các đồng chí Nguyễn Thị Sâm, Trần Học Giới, Nguyễn Văn Thưởng, Trần Nông, Phạm Kiêm, Phan Bình...; một số cán bộ miền Bắc, Liên khu 4, sau khi dự lớp bồi dưỡng cán bộ Việt Minh Trung Bộ tổ chức tại Huế, cuối năm 1945 cũng được tăng cường vào Gia Lai công tác. Nhờ vậy, lực lượng cán bộ, đảng viên ở Gia Lai được bổ sung thêm.
Trước yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo thống nhất và tập trung trong toàn tỉnh, ngày 10-12-1945, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Gia Lai được thành lập, lấy tên là Đảng bộ Tây Sơn. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lâm thời gồm 5 đồng chí, đồng chí Phan Thêm-Phái viên Xứ ủy Trung Kỳ làm Bí thư; các đồng chí Nguyễn Đường, Nguyễn Xuân, Trần Ren, Phạm Thuần làm Ủy viên Ban Chấp hành. Đây là Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Gia Lai, có nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách mạng cho cả hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên, cũng như việc thành lập Đảng bộ tỉnh Gia Lai cuối năm 1945 là bước ngoặt, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong lịch sử phong trào cách mạng của tỉnh. Sự ra đời của Đảng bộ đã phát huy mạnh mẽ tinh thần cách mạng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đảm nhiệm vai trò và sứ mệnh lịch sử, là đội tiên phong lãnh đạo quân và nhân dân trong tỉnh xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, cùng nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp (1945-1954) và đế quốc Mỹ xâm lược (1954 - 1975).
Chặng đường lịch sử đấu tranh từ 1945 đến 1975 đã trải qua biết bao cam go, khó khăn, thử thách; với nhiều chiến công và có cả đau thương mất mát, nhưng mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh nhà. Nhiều người con của các dân tộc Gia Lai đã giác ngộ, chiến đấu dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, đã trở thành anh hùng lực lượng vũ trang, như: Anh hùng Wừu, Anh hùng Núp, A Sanh, Kpă Klơng, Rơ Chăm Ớt… Nhiều chiến công hiển hách của quân và dân các dân tộc Gia Lai đã đi vào lịch sử, như: Chiến thắng Đak Pơ, Chiến thắng Plei Me, Chiến thắng đường 7 - Sông Bờ... góp phần giải phóng tỉnh Gia Lai vào ngày 17-3-1975 và giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào ngày 30-4-1975.
Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc kéo dài suốt 30 năm ấy, Gia Lai có 7.473 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh; hơn 200 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và nhiều tập thể, cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hàng vạn người là thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng. Đó là những bông hoa bất tử trong thời đại Hồ Chí Minh và sẽ mãi mãi trường tồn trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
Sau ngày giải phóng, đất nước thống nhất, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh đồng sức, đồng lòng, phấn đấu vượt qua gian khổ hy sinh, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, ổn định đời sống nhân dân, trấn áp kịp thời bọn phản động FULRO và các tổ chức, đảng phái phản động khác, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; đồng thời, tham gia làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả với nước bạn Campuchia.
Trong gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, vừa làm, vừa học, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tích cực chủ động hợp tác và kêu gọi đầu tư để từng bước xây dựng quê hương Gia Lai ngày càng phát triển.
Chúng ta còn nhớ, sau ngày giải phóng đất nước năm 1975, tỉnh ta có hơn 50 vạn người phải cứu đói, 95% dân số mù chữ, cơ sở vật chất, kỹ thuật thấp kém. Đến nay, đã chấm dứt hoàn toàn nạn đói kinh niên; tổng thu ngân sách từ sau giải phóng đến năm 1991 chỉ có 40 tỷ đồng, năm 2001 có 256 tỷ đồng. Đến năm 2020, dự kiến tổng thu ngân sách ước đạt 4.628 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân hằng năm đạt 7,83%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 51,9 triệu đồng, tăng gần 1,5 lần so với năm 2015; cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm; hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc; chất lượng giáo dục, khám chữa bệnh nâng lên; thực hiện các chính sách xã hội, xoá đói giảm nghèo đạt được nhiều thành tựu quan trọng; tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% (năm 2015) giảm còn 4,5% vào cuối năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 40,1%, giảm còn dưới 6,25%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng được cải thiện đáng kể.
Thưa các đồng chí,
Trong suốt quá trình 75 năm xây dựng, đoàn kết và phát triển, Đảng bộ tỉnh Gia Lai thường xuyên chăm lo xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy dân chủ và thực hiện tốt đoàn kết trong Đảng, quan tâm chỉ đạo xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc; chú trọng rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Số lượng đảng viên và tổ chức đảng tăng nhanh, từ Chi bộ đầu tiên với 9 đảng viên; đến nay, toàn Đảng bộ có 21 đảng bộ trực thuộc, với 956 tổ chức cơ sở đảng, 3.310 chi bộ trực thuộc, với 61.171 đảng viên. Chất lượng tổ chức cơ sở đảng có nhiều chuyển biến, ngày càng phát huy vai trò là hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội; trình độ các mặt của đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng được nâng cao. Công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo điều kiện để thanh niên cống hiến, trưởng thành, phát huy vai trò xung kích trên mọi mặt của đời sống xã hội.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện thường xuyên. Công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường. Các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn; hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có chuyển biến tích cực, khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh không ngừng được củng cố, phát huy. Đồng thời, luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hai nhiệm vụ chiến lược “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, không ngừng củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, nhất là “thế trận lòng dân”, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, từng bước chính quy, hiện đại, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu “Diễn biến hoà bình”, “bạo loạn, lật đổ” và các hoạt động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, thực hiện đoàn kết quốc tế, Đảng bộ tỉnh đã chủ động tiến hành các hoạt động đối ngoại với bạn bè trong nước và quốc tế, nhất là mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với tỉnh Ratanakiri (Campuchia) và Atapư (Lào) để cùng xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ, biên giới của Tổ quốc. Công tác đối ngoại nhân dân được đẩy mạnh, thông qua các hoạt động kết nghĩa, giao lưu văn hóa giữa Mặt trận và các tổ chức đoàn thể của tỉnh ta với tỉnh Ratanakiri (Campuchia). Công tác thông tin đối ngoại được triển khai dưới nhiều hình thức, thông qua nhiều kênh và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, xúc tiến kêu gọi đầu tư bước đầu có hiệu quả. Đã thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trên nhiều lĩnh vực giữa Gia Lai với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác trong khu vực; giữa Gia Lai với tỉnh Ratanakiri (Campuchia) và tỉnh Atapư (Lào) trong tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Quang cảnh buổi Tọa đàm kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh và Tuyên dương Chi bộ, Bí thư Chi bộ tiêu biểu giai đoạn 2015-2020. Ảnh: Phương Linh |
Kính thưa các đồng chí đại biểu,
Trải qua chặng đường 75 năm lịch sử vẻ vang của Ðảng bộ, chúng ta có quyền tự hào về những thắng lợi vĩ đại mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã giành được trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Chúng ta có quyền tự hào về Ðảng bộ tỉnh Gia Lai luôn trung thành vô hạn với Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, sáng suốt trong vai trò lãnh đạo của mình. Chúng ta tự hào về nhân dân các dân tộc Gia Lai anh hùng, bất khuất trong chiến đấu, cần cù và sáng tạo trong xây dựng quê hương, một lòng, một dạ đi theo con đường cách mạng của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Với niềm tự hào sâu sắc ấy, tại buổi Tọa đàm kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh, chúng ta thành kính tưởng nhớ đến công ơn to lớn của Bác Hồ vĩ đại-Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta; những vinh quang mà Đảng ta đạt được gắn liền với tên tuổi của Người. Chúng ta tưởng nhớ và tri ân sâu sắc đến các thế hệ chiến sĩ cộng sản kiên cường, những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, của nhân dân và nguyện trọn đời noi gương lớp lớp người con ưu tú, mẫu mực của nhân dân đã xả thân chiến đấu hy sinh quên mình. Chúng ta vô cùng biết ơn sự hy sinh thầm lặng, nhưng vô cùng to lớn của quý mẹ Việt Nam Anh hùng; sự hy sinh anh dũng của lớp lớp thế hệ đồng chí, đồng bào cả nước đã sống, chiến đấu, lao động, xây dựng quê hương Gia Lai giàu truyền thống cách mạng, để góp phần tô thắm thêm lá cờ đỏ vinh quang của Đảng, của Tổ quốc.
Thưa các đồng chí,
Năm nay, chúng ta kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Gia Lai vào thời điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng: Là năm Đảng ta kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đặc biệt, tỉnh ta vừa tổ chức thành công tốt đẹp đại hội đại biểu đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tình hình quốc tế và trong nước thời gian đến sẽ có những chuyển biến nhanh, tạo ra nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh phải nỗ lực rất cao, quyết tâm rất lớn, hành động quyết liệt hơn nữa, để phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
Tự hào, phấn khởi, kỷ niệm 75 Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh, chúng ta trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ, tạo điều kiện của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố bạn và tri ân sâu sắc công lao to lớn của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Gia Lai đã không quản ngại gian khổ, hy sinh cống hiến trí tuệ, tâm huyết, công sức, máu xương, phát huy tính sáng tạo, tinh thần chủ động tự lực, tự cường để xây dựng tỉnh Gia Lai có được như ngày hôm nay.
Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai hôm nay nguyện tiếp tục phát huy truyền cách mạng, bản lĩnh, trí tuệ; đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, phương thức lãnh đạo; chủ động, sáng tạo hơn nữa, để khơi dậy mọi tiềm năng, lợi thế và nguồn lực, tăng cường liên kết, hợp tác, quyết tâm phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
Thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hãy tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, nỗ lực phấn đấu xây dựng tỉnh Gia Lai ngày càng giàu đẹp, văn minh, giàu bản sắc, cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Xin trân trọng cảm ơn!