Đi qua mùa đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời tiết mùa đông thường hay trở chứng. Mới ló nắng, ấm được mấy hôm đã trở lạnh tê tái. Gió buốt như kim châm, nhoi nhói da thịt. Có hôm mặt trời không chịu dậy, hoặc dậy thật muộn rồi đi ngủ cũng sớm hơn. 

Gió bấc hun hút kèm theo mưa, sũng ướt không gian. Người đi chợ, lên rẫy đều trùm kín từ đầu đến chân. Trâu bò bị nhốt suốt ngày, đói quá, cứ thúc sừng vào gióng chuồng. Con đường chạy ngang làng đầy bùn, sương phủ dày đặc, trong khoảng cách sải tay cũng không thể nhận mặt được nhau.

Minh họa: HIỂN TRÍ

Minh họa: HIỂN TRÍ

Ông Lễnh nằm yên được một lúc lại trở mình. Hết xoay qua trái lại nằm sấp, hết gác tay lên trán lại nằm ngửa, thở dài thườn thượt. Ông đang suy nghĩ, trăn trở về điều gì đấy, quan trọng lắm thì phải. Bà Sính biết tính chồng, những lúc như thế này, cứ để yên cho ông ấy trằn trọc, thở than chứ hỏi han thế nào cũng cằn nhằn, khó chịu.

Bà Sính nhẹ nhàng gạt tấm chăn bông sang một bên, cố tình đắp thêm cho chồng rồi ngồi dậy. Bà xỏ dép, lò dò đi xuống bếp. Cơn lạnh ùa tới khiến bà khựng lại trong giây lát. Con mèo nằm trong xó nhà nghe động meo lên một tiếng rồi uốn tấm thân mềm oặt đi theo bà chủ.

Bà Sính lụi hụi nhóm bếp, ngọn lửa bắt đầu bén củi khô, nổ lách tách rồi liếm quanh ấm nước, chập chờn, lay động trước từng trận gió lùa. Bà Sính lật đật che chắn bằng tấm bìa cứng, vẫn không ngăn được gió, bởi vách ngăn bằng gỗ có nhiều khe hở nên cứ thông thốc, gió lạnh trườn vào nhà cùng bóng đêm. Choàng vội chiếc khăn lên đầu, bà Sính ôm con mèo vào lòng, vỗ về. Năm nay lạnh, lại sương muối, mùa màng có nguy cơ mất trắng rồi! Bà Sính lắc đầu, nhìn ra ngoài trời. Một không gian mờ mịt. Lắng tai có thể nghe rõ tiếng sương rơi lộp độp trên mái nhà, trên khóm chuối trồng nép bên hiên.

Tiếng con trống cồ cất lên, liền theo sau là loạt le te của bầy gà nhốt sau chái bếp. Tiếng trâu giậm chân, húc mõm trong chuồng. Tiếng kéo nước từ nhà hàng xóm. Bà Sính chậm chạp đi ra sân. Trời còn mờ đất, sương buông loãng trước mặt, bám đầy tóc, đầy áo.

Có bóng người thấp thoáng đầu ngõ. Ai đến nhà mình giờ này nhỉ? Bà Sính ngạc nhiên hết sức. Là Miên, đứa con gái đang học đại học dưới thành phố.

- Sao con lại về giờ này? Có chuyện gì hả con?

Miên chưa kịp nói gì đã òa lên khóc, rồi chạy vào nhà.

Bà Sính lật đật chạy theo, nhưng Miên đã đóng chặt cửa buồng. Bà chưa hiểu chuyện gì, bất lực quay ra thì thấy chồng đã đứng trước mặt. Ông Lễnh không nói gì, chỉ lắc đầu, đầy thương cảm.

Lúc này, bà Sính đã lờ mờ hiểu ra nguồn cơn. Bà nhìn chồng như muốn xác thực lần nữa điều mình linh cảm mấy hôm nay.

- Tui hết cách rồi bà à, nghĩ tội cho con bé. Mà tui cũng đã bảo con nói với trường năm sau có tiền thì đi học lại.

Bà Sính nghe mà buồn mà giận hết sức. Bà buồn cho hoàn cảnh nghèo khó của gia đình, bà giận mình vì nay đau mai ốm, không thể làm lụng gì được. Nhà thì chỉ có mỗi mụn con mà lo không nổi. Bà Miên ngồi thụp xuống vì đột nhiên bà cảm giác hoa mắt, choáng váng mặt mày.

Buổi chiều vùng cao xuống thật nhanh, cái lạnh từ trên đỉnh núi, bên kia suối, dưới thung sâu ùa đến. Như con thú hoang, gió lùng sục khắp nơi, gầm rú ghê rợn. Cỏ cây run rẩy, ngã rạp, từng đoàn người thu lu trong những bộ quần áo chống rét, lầm lũi đi trong màn sương đục mờ.

Ông Lễnh vừa ra khỏi cổng nhà ông Chất, người giàu có nhất vùng. Ông nghĩ nhiều rồi, không thể để ước mơ của con gái đứt đoạn được. Đời ông đã không học được cái chữ, theo chân người làng bỏ quê, đi xa lập nghiệp. Nhà ông Chất nhiều ruộng, nhiều rẫy, đến mùa thu hoạch lúa bắp chất đầy nhà, tràn cả ra hiên. Ba đứa con trai của gia đình ấy thì khỏe mạnh, lực lưỡng, lại học hành giỏi dang. Nghĩ mà thương cho mình, chuyện sinh đẻ của vợ đã muộn lại hiếm con, chỉ mỗi đứa con gái xinh xắn, ngoan hiền khi ông đã qua tuổi năm mươi. Nay ông bước vào hàng thất thập, cái Miên mới vào đại học, mà nhà lại không lo nổi tiền.

Ông Lễnh ngậm ngùi, bước đi như người vô hồn. Ông buồn một mà xấu hổ đến mười. Ông Chất đã không cho vay tiền thì thôi lại cạnh khóe, bỉ bôi. Cái tình anh em đồng hương xa xứ, bảo bọc lấy nhau từ nay không còn nữa. Cũng vì giàu nghèo ngăn cách, cũng vì tiền bạc sai khiến. Ông ghét ông Chất, ghét cái thói trịch thượng. Ông hận nhất là khi ông Chất ném cái nhìn khinh bỉ vào mặt ông, bảo ông nghèo là do ông nát rượu.

Một nhóm đàn ông ghé vào quán nhỏ ven đường khi ông Lễnh vừa ngang qua. Họ gọi tên ông. Ông dừng lại, lưỡng lự, nửa muốn bỏ đi nửa muốn bước vào. Mùi thức ăn từ căn bếp sau vách ngăn tạm bợ bắt đầu tỏa ra, xộc vào mũi ông, cả mùi rượu nữa cứ váng vất, gọi mời.

- Ông vào làm chén cho ấm đi nào!

Ông Lễnh cứ đứng im, lời ông Chất còn vang đâu đấy... Trong lúc này ông thật sự khó xử, cái bụng đói đang sôi lên, mùi rượu tỏa làm ông ngây ngất. Rượu ở xứ lạnh này như một liều thuốc cho cánh đàn ông giải khuây. Họ uống rượu như ăn cơm bữa, uống không nhiều, nhưng mỗi khi say chỉ ngật ngưỡng ra về và vật vờ ngủ, chứ chưa làm phiền ai, chưa làm hại ai bao giờ.

- Bác Lễnh ơi, cái Miên nghỉ học để lấy chồng à?

Có ai đấy vừa cất tiếng, giọng đã có hơi men. Ông Lễnh nhíu mày nhìn về phía người nói. Đấy là Thịnh, gã trai chuyên thu mua nông sản và buôn trâu bò. Nó hay dạo quanh làng trên chiếc xe phân khối lớn. Bóp còi, rú ga và khói bay mù mịt. Thịnh có dáng người cao to, bụi bặm. Con gái lắm đứa mê nó. Nhưng nghe đâu Thịnh đã có vợ con. Dạo trước, nó hay qua nhà ông, bày rượu thịt, gọi ông là bố vợ. Ông trừng mắt, mày xàm xí nữa tao đuổi cổ đấy. Thịnh ngoác miệng cười rồi phóng xe đi.

Ông Lễnh cảm giác ruột gan cồn cào. Tiếng cụng ly, tiếng mời nhau khiến ông ực khan một cái... Tiếng khóc của con gái từ trong căn buồng tối vọng ra, tức tưởi. Cái nhìn đầy khinh bỉ của ông Chất. Tiếng kêu thất thanh của vợ ông khi khuân hàng bị trượt chân ngã... Ông Lễnh lắc đầu, cúi gằm mặt đi.

*

* *

Bữa cơm được dọn ra ngay cửa bếp, chỉ mấy món dân dã, ít ỏi. Miên mời bố mẹ rồi từ tốn và cơm, không dám nhìn lên. Bà Sính đau như đứt từng đoạn ruột. Không lẽ mơ ước trở thành cô giáo của con gái xa vời đến vậy sao. Nhớ mấy lần mẹ con ôm nhau thủ thỉ suốt đêm. Con gái mẹ sẽ thành cô giáo, khoác lên người bộ áo dài, đứng trên bục giảng, ở dưới học sinh ngước nhìn, đón nhận những kiến thức mới mẻ cô giáo truyền cho. Bà Sính vui sướng chờ đợi ngày đấy. Bà tự hào nhìn theo dáng con gái trên đoạn đường lên dốc để đến trường. Con gái sẽ trưởng thành, được yêu thương. Vậy mà...

- Tuần sau con phải đến trường đấy!

Ông Lễnh dứt khoát nhưng mắt vẫn không ngước nhìn vợ con. Bà Sính nhìn con gái thăm dò. Miên ngạc nhiên, ngước cặp mắt còn đỏ hoe nhìn bố mẹ.

- Con phải trở thành cô giáo!

Người cha thương con khẳng định thêm lần nữa. Bà Sính khấp khởi trong lòng, nghĩ chồng mình đã tìm được ai đó để vay tiền.

Hay vay của thằng Thịnh? Bà Sính ngơ ngác nhìn chồng dò xét. Ông Lễnh biết vợ đang nghi ngờ mình, và con gái cũng muốn cha nói nhanh điều gì đã xảy ra, ai giúp đỡ gia đình mình nên từ tốn:

- Các anh ở đồn biên phòng sắp triển khai một dự án mới, mời vợ chồng mình tham gia. Biết hoàn cảnh nhà mình, trước mắt các anh đưa cho mình một số tiền để trang trải việc học cho con.

Cả bà Sính và Miên không hiểu gì cả. Cứ nhìn ông Lễnh, rồi nhìn nhau. Ông Lễnh rút trong túi ra xấp tiền, đẩy vào phía con gái:

- Con cất đi, mai mốt đi học lại!

*

* *

Thường ông Lễnh đi nằm khi vừa xong chương trình dự báo thời tiết. Bà Sính ngồi bên bếp lửa, lấy cuộn chỉ ra đan nốt chiếc áo len. Đêm nay trăng sáng. Ánh trăng tuôn chảy khắp không gian tĩnh lặng. Trăng tràn vào nhà, trăng nằm lên cỏ, trượt dài dưới thung sâu, trăng buông lơi trên những cành hồng lúc lỉu quả khô. Trăng khiến bầu trời cao hơn và bao la hơn trong ngày đông lạnh.

Miên mở của buồng xuống ngồi bên mẹ. Bà Sính âu yếm nhìn con gái. Tuổi hai mươi của con gái nhiều mộng ước. Tuổi hai mươi của con gái đã biết làm dáng làm duyên, đã có nhiều chàng trai ngấp nghé, buông lời tán tỉnh. Nhưng con gái bảo còn lo học đã, chưa vội yêu đương. Nói thế thôi chứ làm sao bà yên tâm cho được khi nhiều lần thấy Miên ngồi thẫn thờ bên bậc cửa hay đi tha thẩn qua mấy triền đồi. Hỏi thì con gái lấp liếm, mẹ yên tâm, con ra trường đem bằng tốt nghiệp, kèm theo chàng rể cho bố mẹ luôn.

Một chiều cuối năm tiết trời se lạnh, liu riu từng cơn bấc. Nắng cũng vừa chùng chình phơi vàng trên triền núi xa. Bà Sính lúi húi trong bếp, nấu cơm cho chồng con và nghĩ ngợi xa xôi. Rồi mai này, con gái sẽ trở thành cô giáo, về lại núi đồi với lũ trẻ non cao. Tà áo dài bay trong sương sớm đường đến lớp, có vẻ đẹp nào thơ mộng hơn hình bóng ấy…

Có thể bạn quan tâm

Ra Bắc, vào Nam

Ra Bắc, vào Nam

(GLO)- Hơn nửa đời người, tôi loay hoay đi về giữa 2 miền Nam-Bắc. Miền Bắc là quê hương, là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Còn miền Nam là nơi tôi học tập và trưởng thành.

Ảnh minh họa: Phùng Tuấn Ngọc

Mùi Tết

(GLO)- Có một ngày, tôi bỗng ngồi nhớ nhung mùi Tết, để rồi tự hỏi mùi của Tết là gì? Phải chăng đó là mùi của nồi bánh chưng đang sôi lục bục ở góc sân đêm 29 Tết hay là mùi thơm nồng của dưa hành dưa kiệu mới ngấu?

“Mùa đi cùng tháng năm”

“Mùa đi cùng tháng năm”

(GLO)- Rồi thời gian cũng sớm vẫy mùa xuân trở lại. Tôi đoán thế khi đang đứng ở hành lang một dãy phòng học nhìn ra buổi sáng mà mọi vật như còn bỡ ngỡ với “cơn nắng se ngang trời đông”. Như thể ngày hôm qua và cả hôm kia nữa, chưa hề gió lạnh.

Hoa rù rì bên dòng Pô Cô

Hoa rù rì bên dòng Pô Cô

(GLO)- Dòng Pô Cô huyền thoại uốn lượn qua miền biên giới Ia Grai trước khi chảy qua Campuchia hợp lưu với sông Mê Kông. Mỗi độ cuối đông đầu xuân, ven bờ sông và trên cồn bãi xuất hiện một loài hoa rất đẹp, người Jrai gọi là bra tang hay còn gọi là hoa rù rì.

Công nhân Công ty 74 vận hành máy băm trộn cỏ làm thức ăn cho bò. Ảnh: T.S

Tình ca du mục miền Ia Kla

“Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời/Cỏ cây hoa lá hương thơm tỏa ngát đồng”. Giai điệu ca khúc lãng mạn của những năm tuổi trẻ cứ nhẹ nhàng lẩn quất trong tâm trí khi tôi đến thăm trại bò siêu thịt của Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) trên địa bàn xã Ia Kla, huyện Đức Cơ.

Đèo An Khê. Ảnh: Phan Nguyên

Bâng khuâng chiều An Khê

(GLO)- Tôi trở lại An Khê vào một chiều mưa. Cơn mưa không ồn ào mà rơi êm vào ký ức, đánh thức một miền nhớ xa xôi, thuở nơi đây còn là một thị trấn nhỏ bình lặng nằm ven quốc lộ 19.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Mùa về trên lưng áo mẹ

(GLO)- Từ khi còn nhỏ, tôi đã có thói quen dậy sớm. Mỗi khi tiếng mấy con gà ở chái bếp cất lên, tiếng đòn gánh dựng ở góc nhà sơ ý va vào liếp cửa, tôi lại nghe tiếng ho cố nén của mẹ. Lại thấy thương mẹ nhiều hơn.

Ảnh minh họa: Phạm Quý

Mùa lá rụng

(GLO)- Phố nhỏ của tôi đã vào mùa cây trút lá. Lang thang dọc con đường quen, tôi nhận ra bên hè phố, từng đám lá khô buông dày. Muôn vàn chiếc lá nương theo gió sà xuống những ô gạch cũ, la đà trên mái ngói hiên bàng bạc gam màu trầm. Tôi ngồi trong một góc phố, miên man nghĩ về triền xanh hoa cỏ.

Minh họa: H.T

Ký ức chợ quê

(GLO)- Khi tiếng gà gáy vang lên trên mái nhà, mẹ tôi vội trở dậy chuẩn bị ra chợ. Không chỉ riêng mẹ tôi, việc đi chợ lúc sáng sớm đã trở thành nếp quen của nhiều người dân quê.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Biến đám cháy thành pháo hoa”

(GLO)- Đó là cách nói rất hình ảnh về khả năng chấp nhận thực tại không như ý và biến nó thành một phiên bản khác của sự tỏa sáng. Không chỉ là nghị lực vượt khó, đây còn là câu chuyện đẫm chất nhân sinh.

Ảnh minh họa: Minh Lê

Mây giăng mắt núi

(GLO)- Qua ngày lập đông, còn bao nhiêu heo may gió cũng mang về theo mùa hun hút. Trên đầu dốc, cây bằng lăng núi lá đã chuyển thành màu đỏ sậm như những nốt son ấm áp giữa bao la xanh. Và mây ở đây, bốn mùa cứ lờn vờn khắp các triền đồi.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Vườn bắp của ba

(GLO)- Nhiều năm ở phố nhưng tôi đã quen với đất đồng, quen với sự bình yên làng mạc. Bởi vậy, hễ có dịp là tôi tranh thủ về quê, chẳng nhất thiết là phải cuối tuần.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Bài học đầu tiên

(GLO)- Buổi sáng hôm ấy, mẹ nắm tay đưa tôi đến trường lần đầu tiên. Ngôi trường làng nhỏ bé, nằm giữa những tán cây xanh rợp bóng mát. Không gian thoang thoảng mùi thơm của những đóa hoa bên đường.