Đêm nguyện cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Con bé cúi xuống cởi giày, nhón chân đi qua vũng nước mưa.

Đêm sâu hun hút. Ánh trăng lạnh lẽo rọi xuống hàng cây đen trũi ven đường đang thẫm lại sau mưa, vài giọt nước rơi xuống tóc, nó bước nhanh hơn. Thận trọng ôm khư khư chiếc túi đựng cặp lồng cháo trước ngực, bàn chân nó nhem nhép đất trộn lẫn nước mưa ban chiều. Sao không thận trọng cho được, chỉ cần nó trượt chân, chiếc túi rơi xuống, cháo sẽ đổ hết, đồng nghĩa với việc đêm nay ba nó sẽ đói. Con phố vắng hoe, từng người lướt qua nó, ai cũng vội vàng trở về để kịp đón Giáng sinh.

Con hẻm tối om dẫn vào căn gác trọ của ba nó kia rồi! Con bé đi lại nhiều lần nên thuộc lòng đến từng ngõ ngách, bờ tường, quen mặt cả những con chó dữ gầm gừ mỗi khi nó đi qua. Càng vào sâu, con đường đất càng trơn ướt. Cửa căn gác ba nó trọ chỉ khép hờ. Nó nhìn thấy một vệt sáng len qua khe. Ba còn thức. Nó thoăn thoắt băng qua cầu thang tối, đến trước phòng trọ, nó dừng lại hổn hển thở. "Cốc cốc…" - nó gõ cửa rồi đứng đợi, dù cánh cửa khép hờ, là phép lịch sự mà ba từng dạy nó.

Không phải đợi lâu. Bên trong tiếng dép loẹt quẹt đi ra. Ba nó xuất hiện trong bộ đồ nhàu nhĩ, râu ria tua tủa. Trước mặt ông là nó, vẫn dáng vẻ tần ngần tủi thân vô vàn ấy và chiếc túi khư khư ôm trước ngực.

"Dạ Cầm, sao giờ này lại đến?" - ba nó ngạc nhiên kéo nó vào nhà - "Ba đã dặn đừng đi lại vào ban đêm, nguy hiểm! Con không nhớ sao?".

Nó đứng yên, mắt ầng ậng nước. Chiều nay, lúc tan học, tình cờ nó gặp cô Tâm đồng nghiệp của ba ở cổng trường, cô đến đón con. Thấy nó, cô vẫy lại, bảo rằng ba ốm cả tuần nay phải nghỉ làm. Đi học về, nó vội vàng rẽ qua chợ mua miếng thịt bò; nó có một ít tiền ba cho luôn để dành trong cặp. Bà ngoại thấy nó lui cui bên bếp nấu cháo cho ba, bà quay đi nén tiếng thở dài.

"Thôi nín đi, ba có mắng con đâu!" - giọng ba nó buồn xo.

Chỉ chờ có vậy, nó lẹ làng mở cặp lồng: "Ba ăn đi!". Nó đưa ba chiếc thìa.

Mùi cháo bò nóng hổi thơm lừng khiến ba nó ngồi xuống ăn ngay. Ăn được vài thìa, ba đã ôm ngực ho sặc sụa. Nó nhè nhẹ vỗ lưng cho ba. Bàn tay bé nhỏ của nó có sức mạnh diệu kỳ. Ba dứt cơn ho, ăn một hơi hết bát cháo. Nó thỏ thẻ: "Mai đi học về con mang cháo cho ba nữa nha!".

"Đừng, đường xa, con đi nguy hiểm, để ba nhờ bà Tầm cạnh nhà mua giúp cháo đầu ngõ là được rồi".

"Nhưng ba phải nhớ ăn nhiều cho chóng khỏi".

"Ừ, ba nhớ".

Nhìn căn gác trọ bịt bùng như cái hộp không có cửa sổ, đèn vàng tù mù, nó ứa nước mắt, ngồi sát vào ba, thủ thỉ kể chuyện. Ba nó yên lặng dõi theo từng câu chuyện của nó, miên man. Chuông nhà thờ đổ dồn, ba sực nhớ: "Con về kẻo muộn, đêm lạnh lắm!". Nó đứng lên, ra đến cửa còn nghe ba dặn: "Con đi cẩn thận, đường phố đêm nay người ta đi lại đông lắm!".

Nó khẽ dạ. Chiếc bóng nhỏ bé khuất sau con hẻm, ba nó còn đứng trông theo.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

* * *

Nó nhớ rất rõ, nó từng có một gia đình. Căn nhà của nó nằm cuối thành phố. Đó là một căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng và gọn gàng. Mẹ nó là một người đàn bà đẹp. Trong mắt ba nó ngày đó dường như chỉ có mẹ và nó. Giáng sinh năm nó tròn 6 tuổi, ba mẹ đưa nó dạo phố. Đường sá đông nghịt. Ngang qua ngôi nhà thờ cách nhà nó không xa, ba dừng lại cho nó xem hang đá, bên trong tượng Chúa hài đồng nằm ngủ trong máng cỏ. Nó nhìn dòng người đi qua, họ kính cẩn chắp tay lầm rầm cầu nguyện. Mẹ nó bảo rằng: "Họ cầu nguyện cho mọi điều tốt đẹp"… Năm sau, mẹ nó lặng lẽ ra đi, thật đột ngột, chỉ để lại cho ba một tờ giấy với chữ ký vội vàng. Mẹ gửi nó về bà ngoại.

Từng dòng người lướt qua. Những chiếc áo khoác sặc sỡ, những chiếc khăn choàng ấm áp. Nó chợt thấy lạnh, đôi vai gầy co ro trong chiếc áo len mỏng không đủ chống chọi với đêm đông lạnh giá này. Nó bước nhanh hơn. Ngang qua nhà thờ nơi gia đình nó từng đến năm xưa, nó dừng lại. Người đông nườm nượp, chẳng ai để ý đến con bé gầy gò co ro trong chiếc áo len cũ mèm. Hơn bảy năm, kể từ đêm Giáng sinh năm đó… Tần ngần hồi lâu, nó quyết định bước vào bên trong. Âm thanh réo rắt của tiếng đàn hòa với tiếng hát du dương từ thánh đường vọng ra. Nó len vào, ngây người đứng nhìn các bạn trạc tuổi nó đang hát thánh ca. Trong chiếc áo đầm trắng dài chấm gót và đôi cánh gắn sau lưng, trông các bạn như những thiên thần. Tiếng hát vừa dứt, nó sực tỉnh quay đi trong tiếng kinh cầu nguyện từ cung thánh vọng xuống. Lủi thủi ra về, bên tai nó chợt văng vẳng tiếng mẹ năm xưa - "Họ cầu nguyện cho mọi điều tốt đẹp". Nó vội vàng quay vào, đến bên hang đá quỳ xuống chắp tay. Nó quỳ rất lâu, mặc gió đông từng cơn len lỏi vào da thịt, buốt lạnh. Từng người đi qua nó nhưng chẳng ai mảy may để ý một con bé đang quỳ xuống cầu xin điều gì đó với đôi môi thâm tím vì buốt lạnh.

Đêm đó, nó thao thức nhìn ra khung cửa sổ tò vò ngắm những vì sao nhấp nháy, thầm hy vọng lời nguyện cầu sẽ thành sự thật. Nó chìm vào giấc mộng ngọt ngào, bình yên sau nhiều tháng trời. Trong giấc mơ, nó thấy gia đình nó lại sum vầy trong căn nhà xưa cũ hanh hao, bên hàng rào gỗ mục dây leo quấn quanh và bầy chim sẻ cũ vẫn ríu ran trên mái. Căn nhà nó vẫn mang theo trong ký ức từ thuở mới lẫm chẫm biết đi. Bỗng từ đâu một đàn tuần lộc xuất hiện đưa mẹ về, lúc quay đi, một con còn cúi xuống tặng nó một bó hoa hồng. Nó ngồi bên ba, ngắm những bông tuyết mịn như phấn rắc xuống tóc mẹ. Mẹ đưa tay đón những bông tuyết, cười vang. Nó giật mình choàng tỉnh. Hóa ra là một giấc mơ. Nó nhìn chiếc gối chỏng chơ bần thần tiếc rẻ, phải chi giấc mơ dài thêm chút nữa để ba mẹ nó kịp ôm nhau như ngày nào. Chưa bao giờ nó thèm được thấy lại hình ảnh đó như hôm nay. Người chợt nóng bừng. Nó lên cơn sốt. Giữa những cơn ho rút người, nó vẫn chập chờn mơ, giấc mơ không đầu không cuối nhưng đầy ắp hình bóng mẹ.

Nó thức giấc nhìn quanh, cơn chiêm bao vẫn chưa dứt. Nó ngơ ngẩn nhưng không khóc dù đôi mắt ướt nhòe. Nó ngồi trên bậu cửa nghe ngoài kia mùi ngâu loang nồng con ngõ. Bà ngoại đi từ bao giờ. Nó ăn vội vàng chén xôi khúc bà để lại trên bàn. Cơn sốt đêm qua vẫn khiến đầu nó hâm hấp. Có tiếng hót trong veo rộn rã trên ngọn cây như đánh thức những tán lá non sau một cơn ngủ dài. Nó ngước lên, nhận ra một chú chim xanh biếc nghiêng đầu hót véo von bên giàn nguyên tiêu đang rực lên như những chao đèn.

* * *

Con bé nghe thấy tiếng tụi con trai cười hô hố sau lưng. Từ ngày tổ ấm gia đình không còn nữa, nó trở nên ít nói đến nỗi bạn bè trong lớp gọi nó là hến câm. Đến trường nó thui thủi một mình, không chơi cùng ai, nó tự trò chuyện trong chính cái thế giới câm lặng của mình. Về nhà, nó ru rú trong căn phòng bà ngoại dành riêng cho nó trên gác mái, đó là thế giới của nó; ở đó nó thực sự sống cuộc đời của mình.

Buổi chiều. Từ trường về, nó rẽ sang con phố phía sau ga, nơi cuối đường có căn nhà cũ, giờ đã là của người ta. Hơn bảy năm nhưng nó vẫn không quên đường đi. Vừa đặt chân vào con ngõ, tim nó bỗng xốn xang. Ngôi nhà vẫn thế, nhỏ nhoi và ngậm ngùi giữa những mù sương. Giàn hoa tỏi trên cánh cổng đượm một màu tím ngát buồn thương. Nó bám vào hàng rào thưa nhón chân nhìn vào, căn nhà rộng, u nhã và lạnh lẽo, bầy sẻ nhỏ đang dạo chơi trong sân, cây cối um tùm che khuất, nắng không xiên nổi qua tán lá. Ngày đó, nó hãy còn bé lắm, cứ mùa hè về, nó đứng xem các anh chị trong phố trèo lên cây bàng tìm quả chín rồi chia nhau ăn, nó cũng được chia phần. Mùa mưa, nó bắt chước tụi trẻ con đứng dưới mái hiên giơ tay hứng nước rồi hắt vào nhau mà cười. Khoảng sân này, mái hiên này nó da diết nhớ thương, nay cũng bạc đi vì mong đợi. Đúng hai năm sau ngày mẹ nó bỏ đi, ba vẫn giữ nguyên mọi thứ trong căn nhà, kể cả bức chân dung trên tường của mẹ. Mái tóc dài như rong, ánh mắt mẹ sâu thẳm đến rợn người… Một buổi chiều, mẹ trở lại, giục ba bán đi căn nhà… Đêm ấy ba ngồi bên hiên nhà đốt thuốc đến sáng.

"Bống Bồng ơi!".

Ba thường gọi nó như thế mỗi chiều trở về trên chiếc xe máy cũ, chiếc xe cũng gầy như ba. Chiều nay, nó ngỡ như tiếng ba đang gọi nó đâu đây.

Nó lầm lũi quay về, chân lê từng bước nặng nhọc qua con phố cũ. Lang thang, lạc trước căn nhà của mình, nó thấy như mình đang run rẩy từ giã tuổi thơ để bước vào đoạn đời thiếu nữ. Ở đó, nó đơn độc và buồn bã trong căn phòng yên lặng chỉ có tiếng tích tắc đều đều của chiếc đồng hồ treo tường.

Đêm. Nó hòa vào dòng người trên phố, đôi chân không dưng lại đưa nó về phía giáo đường. Nó bước qua cánh cổng, đến bên hang đá. Mưa lất phất rơi. Và lạnh. Chưa mùa Giáng sinh nào nó cảm nhận nỗi lạnh lẽo đậm sâu đến thế. Bên trong thánh đường, tiếng hát cùng tiếng đàn réo rắt vẫn vút cao. Không ai nhìn thấy một con bé gầy gò đứng co ro chắp tay nguyện cầu…

"Bống Bồng ơi!" - giọng nói trầm trầm quen thuộc vang lên sau lưng nó.

Giật mình quay lại. Đôi mắt nó mở to kinh ngạc đầy bỡ ngỡ trẻ thơ. Như một mũi tên, nó lao về phía người đàn ông đang đứng dưới mưa. Những giọt nước ầng ậng trong đôi mắt nó chỉ chờ chực được tuôn ra. Nức nở. Tủi hờn. Trong khóe mắt người đàn ông cũng vừa rơi ra một giọt nước. Con gái ông. Một đứa trẻ cô đơn. Ông không còn gì cho nó ngoài những lời nguyện cầu. Cầu cho một ngày không xa, gia đình nhỏ của ông sẽ lại sum vầy.

Ông cùng con chầm chậm trở về, bàn tay bé bỏng nằm gọn lỏn trong tay ông, đầy tin cậy. Đêm lạnh căm. Đôi mắt nó như hai vì sao ngước lên nhìn ông thầm thì: "Rồi mẹ sẽ trở về với ba con mình, phải không?!".

Tác giả Vũ Ngọc Giao

Tác giả Vũ Ngọc Giao

- Tác giả Vũ Ngọc Giao tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Giao.

- Sinh ngày 20-7-1972.

- Quê quán: Bình Sơn - Quảng Ngãi.

- Hiện sống và làm việc tại TP Đà Nẵng.

- Đã xuất bản: "Búp bê Matryoshka" (tản văn - truyện ngắn), NXB Hội Nhà văn, 2019; "Dòng chảy" (hồi ký, chấp bút), NXB Hội Nhà văn, 2022; "Người đàn bà và chiếc dương cầm" (tập truyện ngắn), NXB Dân Trí, 2023; "Miền trăng tối" (tiểu thuyết), NXB Dân Trí, 2023.

Có thể bạn quan tâm

Phố khuya

Phố khuya

(GLO)- Thỉnh thoảng có việc ra ngoài, trở về nhà khi trời đã ngả dần về khuya, tôi thường chạy xe thật chậm. Dường như những lúc đó, luôn có một lý do níu tôi chậm lại để quan sát một đời sống khác, khi phố đã vào đêm.
Phố hoa

Phố hoa

(GLO)- Pleiku những ngày chớm hạ đủ sắc hoa rực rỡ, từ hoa dầu, hoa giấy đến bằng lăng, muồng hoàng yến, điệp vàng, phượng tím...
Hoàng hôn đâu phải để lụi tàn

Hoàng hôn đâu phải để lụi tàn

(GLO)- Đôi khi, lòng hay tự hỏi: hoàng hôn dành cho ai, cho người trẻ hay tuổi già? Có phải, hoàng hôn ẩn dụ cho những gì đang gói ghém đi về miền xa cuối? Nó bầu bạn với cô đơn và gợi nhắc cái lụi tàn.
Rau dớn

Rau dớn

(GLO)- Khi đi ngang qua hàng rau trong chợ, tôi đã dừng chân thật lâu trước những bó rau dớn xanh mướt, non mởn của bà con Jrai đem bán. Lâu lắm rồi, tôi mới thấy món rau dân dã này. Bao kỷ niệm chợt ùa về trong tôi. Không trả giá, tôi nhanh chóng mua ngay vài bó mang về.

Mùa gặt

Mùa gặt

(GLO)- Nhắc đến Gia Lai, nhiều người sẽ nghĩ đến những dãy núi cao trùng điệp, những cánh rừng bạt ngàn xanh ngát, những rẫy cà phê, cao su ngút ngàn trên đất đỏ bazan trù phú.
Những cái nắm tay

Những cái nắm tay

(GLO)- “Gặp nhau tay bắt mặt mừng” từ lâu đã thành câu cửa miệng khi nói về giao tiếp và ứng xử trong giao tiếp. Điều này thể hiện sự bặt thiệp của đôi bên.
Bát nước chè xanh

Bát nước chè xanh

(GLO)- Hồi trước, cư dân ở đồng bằng Bắc Bộ thường uống nước lá vối. Đây là thứ lá rất dễ trồng ở vườn nhà, nước vàng xanh có mùi tinh dầu thơm thoang thoảng.
Khúc giao mùa

Khúc giao mùa

(GLO)- Mấy hôm nay, phố núi Pleiku có dấu hiệu chuyển mùa đổi tiết. Bầu trời không xanh trong miên man như những tháng đầu mùa khô, dù mỗi buổi mai, nắng vẫn ửng vàng trên những vòm cây xanh sẫm.
Cô bán rau

Cô bán rau

Huệ bán rau ở phố này cũng đã hơn hai năm. Ấy vậy mà chẳng ai hỏi tên Huệ là gì. Nếu cần mua rau, người ta chỉ ới một câu trống không: "Này, rau"... là cô đã quay ngay lại rồi.
Trà my quyến rũ

Trà my quyến rũ

(GLO)- Năm ấy, người bạn là kỹ sư nông nghiệp đem đến nhà tặng tôi một cây trà my nhỏ xinh, được trồng trong chậu đất. Trân quý tình bạn, tôi đem cây trồng ở mảnh đất nhỏ trước hiên nhà.
Đợi mùa măng le

Đợi mùa măng le

(GLO)- Khi mới sáng sớm mà trời dày đặc sương và ngày nắng nóng lên đến cực điểm là Tây Nguyên chuẩn bị bước sang mùa mưa, mùa của xanh lúa, xanh nương, mùa thu hoạch của bao nhiêu sản vật dưới tán rừng...