(GLO)- Tiếp tục Chương trình kì họp thứ 7, chiều ngày 28-5, sau khi nghe trình bày Tờ trình và báo cáo thẩm tra của Luật lực lượng dự bị động viên và Luật xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam, các đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ đối với 2 dự án luật trên.
Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Luật lực lượng dự bị động viên, vì qua 20 năm thực hiện, Pháp lệnh về dự bị động viên đã đạt được một số thành tựu rất quan trọng, là cơ sở góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ưng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, do yêu cầu bảo vệ Tổ Quốc trong tình hình mới nên một số quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng dự bị động viên chưa được cụ thể hoá và một số nội dung của Pháp lệnh chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khác như: Luật Quốc phòng, Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật dân quân tự vệ…Nên quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đây là lần đầu Quốc hội họp, thảo luận về dự án Luật lực lượng dự bị động viên, vì vậy, nhiều nội dung trong dự thảo luật mà đại biểu còn băn khăn như: Lực quân nhân dự bị làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân, tổ chức kinh tế, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, trên thực tế rất khó huy động vì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức; cũng như cần quy định cụ thể về độ tuổi lực lượng dự bị động viên nhằm thuận tiện cho việc áp dụng và ước tính số lượng với lực lượng này... Đại biểu Đinh Duy Vượt-Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nêu ý kiến đề nghị ban soạn thảo luật xem xét, làm rõ một số nội dung như: tại Điểm a, Khoản 2, Điều 3 quy định “Sĩ quan dự bị gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện chuyển sang ngạch dự bị” tuy nhiên trong luật không quy định cụ thể tiêu chuẩn và điều kiện nào; cần xem xét lại việc quy định lực lượng dự bị động viên vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có trình độ chiến đấu cao và được quản lý chặt chẽ tại Khoản 2, Điều 4 có phù hợp với điều kiện thực tế và các chương trình huấn luyện có đảm bảo được các quy định trên không. Đại biểu còn băn khoăn đối với các nội dung: quy định UBND cấp xã là cơ quan tổ chức, thực hiện đăng ký quản lý phương tiện kỹ thuật có phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, hay lại tăng thêm thủ tục hành chính, tăng các giấy phép con, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của công dân; Quy định về khi trưng dụng phương tiện kỹ thuật có trùng với quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản không.
Ảnh: Vũ Định |
Cùng ý kiến với đại biểu Đinh Duy Vượt, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) lưu ý ban soạn thảo đối với nội dung về đăng ký, quản lý phương tiện kĩ thuật về tất cả các phương diện như: về giải thích từ ngữ “Phương tiện kĩ thuật” là rất rộng, chưa cụ thể, không thiết thực, không sát với các hoạt động của lực lượng dự bị động viên, đồng thời trong dự thảo luật có rất nhiều nội dung liên quan đến “Phương tiện kĩ thuật” như quy định tại Khoản 2, Điều 12 “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sỡ hữu phương tiện kĩ thuật, chủ sở hữu phương tiện kĩ thuật phải đăng ký lần đầu” hay các quy định về đăng ký lại hoặc xoá đăng ký tại Khoản 3, Điều 12, đối với các loại tài sản không được cấp giấy chứng nhận quyền sỡ hữu thì dự thảo luật chưa có quy định. Chính vì vậy, đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ Phương tiện kĩ thuật trong giải thích từ ngữ cũng như trong các quy định cụ thể.
Đặc biệt, đại biểu Đinh Duy Vượt, Nguyễn Thị Mai Phương và nhiều đại biểu khác trong tổ quan tâm và đề nghị xác định rõ nguồn kinh phí bảo đảm để thực hiện Luật này, vì nếu giao ngân sách địa phương để thực hiện luật là rất bất khả thi vì hiện nay đa số các địa phương đều phải nhận ngân sách trung ương bù mới đủ chi, mà luật quy định rất nhiều các điều khoản về chế độ cho lực lượng dự bị động viên cũng như gia đình lực lượng này. Các đại biểu đề xuất để quy định của Luật đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả, đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng dự bị động viên thì kinh phí thực hiện luật phải do Trung ương đảm nhiệm.
Về dự thảo Luật xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương nêu quan điểm đồng ý với phương án quy định cụ thể đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; cơ quan có thẩm quyền quyết định, cử, cho phép người thuộc diện cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ ra nước ngoài. Vì quy định cụ thể như trên đảm bảo tính công khai, minh bạch, hạn chế các văn bản hướng dẫn khi Luật ban hành và trên thực tế các nội dung trên đã được sử dụng ổn định trong thời gian dài. Đồng thời, đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định các trường hợp về thu hồi và huỷ giấy thông hành tại Mục 3, Điều 15,16; tại Điều 29, đại biểu đề xuất thêm phương án khác là “những trường hợp khác pháp luật đã quy định”; tại Khoản 3, Điều 31 cần làm rõ “căn cứ để huỷ bỏ tạm hoãn xuất cảnh” và quy định rõ thời hạn mà cơ quan có thẩm quyền huỷ bỏ tạm hoãn xuất cảnh ra thông báo gửi đến các cơ quan chức năng và người bị tạm hoãn biết.
Vũ Định