Đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thời hạn để xử lý nợ thuế theo Nghị quyết 94 vẫn còn khá nhiều nhưng ngành Thuế đã nhanh chóng vào cuộc để xử lý khoanh, xoá nợ. Tổng cục Thuế cho biết, việc quyết liệt từ sớm một mặt giảm áp lực với quản lý thuế, mặt khác góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Việc nhanh chóng vào cuộc để xử lý khoanh, xoá nợ phần nào giảm áp lực với quản lý thuế, mặt khác góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh Hải Nguyễn.
Việc nhanh chóng vào cuộc để xử lý khoanh, xoá nợ phần nào giảm áp lực với quản lý thuế, mặt khác góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh Hải Nguyễn.
Đã xử lý nợ thuế gần 26 nghìn tỉ đồng
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tính từ đầu năm đến ngày 25.2, cơ quan Thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xoá nợ tiền chậm nộp không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo Nghị quyết 94/2019/QH14 là 1.803 tỉ đồng. Trong đó, xử lý khoanh nợ là 1.386 tỉ đồng; xử lý xoá nợ tiền chậm nộp là 417 tỉ đồng.
Luỹ kế kết quả thực hiện xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội đến cuối tháng 2.2021 đạt 25.958 tỉ đồng, bằng 58,8% so với số nợ không còn khả năng thu hồi tại thời điểm cuối năm 2019. Trong đó, số tiền xử lý khoanh nợ là 24 nghìn tỉ đồng; số tiền xử lý xoá nợ tiền chậm nộp là 1.958 tỉ đồng.
Dù thời hạn để thực hiện xử lý nợ thuế kéo dài tới 3 năm tính từ thời điểm 1.7.2020 nhưng không vì thế mà ngành Thuế chậm trễ đối với công tác quan trọng này. Thực tế cho thấy, suốt thời gian qua, các cục thuế trên cả nước đã liên tục thực hiện khoanh nợ, xoá nợ cho các đối tượng thuộc quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14 và thực hiện công khai thông tin trên cổng thông tin của từng đơn vị. Có thể kể đến như tại Cục Thuế Phú Thọ, Cục Thuế Bắc Ninh.
Theo phản ánh tại một số cục thuế, các trường hợp đề nghị được khoanh nợ, xóa nợ gồm: Người nộp thuế đã chết, người bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành thủ tục giải thể.
Hay như người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc đã bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định; người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế.
Có tình trạng nợ thuế vài trăm đồng lẻ
Thông tin từ các Cục thuế cho hay, số lượng người nộp thuế thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị quyết 94 chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng số hồ sơ đề nghị xử lý nợ. Theo đó, hầu hết các đối tượng này đều không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc để kiểm tra, xác minh thông tin người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.
Một thực tế khác, tuy tại mỗi cục thuế có số lượng đề nghị khá nhiều nhưng có những người nộp thuế chỉ còn nợ vài nghìn đồng, thậm chí vài trăm đồng lẻ… nhưng do còn nợ nên vẫn phải theo dõi, quản lý trên hệ thống quản lý của cơ quan thuế. Nếu không được khoanh nợ thì tiếp tục phát sinh tiền chậm nộp dẫn đến số tiền nợ thuế ngày càng tăng.
Thực tế, việc xử lý nợ thuế có ý nghĩa rất lớn đối với nhiều doanh nghiệp. Đơn cử như trường hợp của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng và Khai khoáng Việt Bắc (TP. Thái Nguyên).
Công ty này thuộc diện giải thể theo Đề án Đổi mới sắp xếp lại doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng đã được Chính phủ phê duyệt năm 2015. Đến tháng 5.2017, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký ban hành quyết định giải thể Công ty.
Kể từ đó, Việt Bắc đã dừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do vướng mắc về tài chính, đặc biệt là khoản tiền phạt do chậm nộp thuế nên chưa thể giải thể. Do vậy, việc doanh nghiệp này được xử lý nợ thuế sẽ giúp sớm giải quyết khó khăn vướng mắc.
CAO NGUYÊN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.