Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động khám-chữa bệnh ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong khi nguồn lực của Nhà nước đầu tư còn hạn chế thì xã hội hóa là giải pháp để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của một số lĩnh vực, trong đó có ngành Y tế.



Đa dạng dịch vụ chăm sóc sức khỏe

Lâu nay, với những ca bệnh khó về chuyên khoa Mắt, bệnh nhân phải vào TP. Hồ Chí Minh hoặc các bệnh viện lân cận để khám-chữa bệnh. Ngoài tiền chữa trị, người bệnh còn phải “gánh” chi phí đi lại, ăn ở, rất tốn kém. Tháng 1-2018, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai (126 đường Wừu, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đi vào hoạt động và trở thành địa chỉ tin cậy, đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh chuyên khoa Mắt cho người dân trên địa bàn tỉnh, giúp bệnh nhân giảm chi phí, thời gian và công sức. Ông Nguyễn Văn Thanh (thôn 4, xã Gào, TP. Pleiku) chia sẻ: “Được Hội Người cao tuổi giới thiệu, tôi đến khám tại Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai. Tôi rất phấn khởi vì được tư vấn, chữa trị hiệu quả. Từ nay, người bệnh có thêm sự lựa chọn trong khám-chữa bệnh về mắt trên địa bàn tỉnh”.

Khám mắt cho người dân tại Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai. Ảnh: N.N
Khám mắt cho người dân tại Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai. Ảnh: N.N

Ông Nguyễn Nam Trung-Giám đốc Bệnh viện-cho biết: “Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị cho trên 11.000 trường hợp; phẫu thuật trên 2.200 ca (trong đó, phẫu thuật thay thủy tinh thể, giải phóng mù lòa khoảng 2.000 ca). Ngoài ra, qua chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi”, Bệnh viện đã khám sàng lọc miễn phí các bệnh về mắt cho 15.000 lượt người cao tuổi trên địa bàn tỉnh. Bệnh viện cũng thực hiện miễn giảm 100% chi phí khám-chữa bệnh, phẫu thuật thay thủy tinh thể cho đồng bào dân tộc thiểu số. Từ tháng 5-2018, đơn vị còn ký kết hợp đồng với Bảo hiểm Xã hội tỉnh thực hiện khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bệnh viện hiện có 15 giường bệnh, đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo bài bản, chuyên sâu, trong đó có 6 bác sĩ chuyên khoa Mắt”.

Không chỉ các bệnh viện tư nhân, chủ trương xã hội hóa cũng giúp các bệnh viện công có thêm điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị, kỹ thuật cao, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám-chữa bệnh. Bác sĩ Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh-cho rằng: Xã hội hóa y tế là nhu cầu tất yếu. Qua chủ trương xã hội hóa, Bệnh viện đã hợp tác và liên kết với các doanh nghiệp, cá nhân để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp trang-thiết bị và cung cấp các dịch vụ y tế phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Cụ thể đầu tư các trang-thiết bị tiên tiến như máy cộng hưởng từ MRI, lọc thận nhân tạo, X-quang kỹ thuật số, siêu âm màu 3D, 4D... Hiện, Bệnh viện đang chờ duyệt triển khai gói trang-thiết bị gồm: máy cộng hưởng từ MRI 1.5 Tesla; máy DSA phục vụ cho kỹ thuật can thiệp mạch vành; hệ thống siêu âm LOGIQ S8 với module Fibro Scan-máy có khả năng đánh giá định lượng gan nhiễm mỡ và độ xơ hóa của gan... Ngoài ra, Bệnh viện cũng đang triển khai xây dựng khu điều trị chất lượng cao liên kết với các trung tâm y khoa tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế (dự kiến đi vào hoạt động từ đầu năm 2019) với quy mô 300 giường bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh kỹ thuật cao tại chỗ cho người dân, giảm chi phí đi lại, góp phần giảm tải cho tuyến trung ương.

Khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội hóa y tế

Những năm qua, hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển. Nhiều bệnh viện tư nhân ứng dụng các kỹ thuật cao trong điều trị, cung cấp đa dạng dịch vụ. Ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Sở Y tế-thông tin: Toàn tỉnh có 661 cơ sở hành nghề y tư nhân, trong đó có 3 bệnh viện. Đặc biệt, Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai với quy mô 200 giường bệnh, được trang bị nhiều phương tiện, máy móc hiện đại cùng với sự hỗ trợ trực tiếp của các chuyên gia trình độ cao của Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh nên đã triển khai nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu vốn trước đây chỉ có thể thực hiện ở bệnh viện tuyến trung ương. Hai bệnh viện chuyên khoa Mắt với cơ sở hạ tầng khang trang, trang-thiết bị máy móc hiện đại, triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu đã đảm bảo khám và điều trị các bệnh về mắt như: đục thủy tinh thể, cận-viễn-loạn thị, mộng thịt, quặm, lé, sụp mi và nhiều bệnh lý phức tạp mà không phải chuyển tuyến.

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Đ.T
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Đ.T



Thời gian qua, Sở Y tế và Bảo hiểm Xã hội tỉnh luôn tạo điều kiện, khuyến khích các cơ sở tư nhân tham gia khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Hiện tại, 4 cơ sở đã được Bảo hiểm Xã hội tỉnh ký hợp đồng khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế gồm: Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai, Bệnh viện Mắt Cao Nguyên, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai và Phòng khám Đa khoa Bình An.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Tuấn, ngành Y tế tỉnh đang triển khai Đề án bác sĩ gia đình với mục tiêu là mở rộng mạng lưới khám-chữa bệnh y học gia đình trên quy mô toàn tỉnh nhằm góp phần chăm sóc và điều trị bệnh nhân một cách toàn diện, liên tục trên cơ sở phát hiện sớm bệnh tật ngay từ tuyến y tế cơ sở. Trong mạng lưới phòng khám bác sĩ gia đình có mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân, đặc biệt là phòng khám tại các khu vực trung tâm như: TP. Pleiku, thị xã An Khê và Ayun Pa. Nếu các phòng khám tư nhân tham gia hoạt động theo nguyên tắc phòng khám bác sĩ gia đình thì hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân sẽ cao hơn, góp phần giảm tải cho bệnh viện tốt hơn.



Ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Sở Y tế: “Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển dịch vụ y tế bằng nhiều hình thức, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành. Chủ trương của tỉnh là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các bệnh viện ngoài công lập đúng theo quy định của Nhà nước; khuyến khích phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập theo hướng chuyên sâu, bệnh viện chất lượng cao để người dân có cơ hội lựa chọn dịch vụ khám-chữa bệnh, góp phần giảm tải tại các cơ sở y tế công lập”.
 

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 11-12, tại Trung tâm Y tế Mang Yang (tỉnh Gia Lai), ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã trao quyết định của CDC về việc công nhận huyện Mang Yang đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024 cho đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện.

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

(GLO)- Ngày 11-12, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn triển khai vắc xin Rota cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh Gia Lai năm 2024- 2025 cho 28 cán bộ y tế phụ trách chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.