Đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển mang lại những gì cho Huawei?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong 10 năm qua, Tập đoàn Viễn thông Huawei của Trung Quốc đã chi hơn 132,66 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Đây được coi như chiến lược phát triển quan trọng của Huawei, khi coi việc chi cho R&D là “đầu tư cho cả hiện tại và tương lai”, với mục tiêu liên tục đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm.
 
Ảnh minh họa: Reuters.
Ảnh minh họa: Reuters
“Đầu tư cho R&D là đầu tư cho cả hiện tại và tương lai”
Theo bảng xếp hạng 10 công ty đầu tư nhiều nhất vào nghiên cứu và phát triển (R&D) của Liên minh châu Âu (EU) năm 2021, Huawei được xếp vị trí thứ 2 trên toàn thế giới, chỉ đứng sau Alphabet của Mỹ (công ty mẹ của Google) về khoản kinh phí dành cho nghiên cứu và phát triển. Thậm chí, xét về độ “chịu chi” cho R&D, Huawei còn được xếp trên hàng loạt tên tuổi lớn khác như Microsoft, Samsung, Apple, Facebook và Toyota.
Theo báo cáo tài chính năm 2021, Huawei đã dành tới 22,4 tỷ USD (tương đương 22,4% tổng doanh thu) để chi cho R&D, mặc dù doanh thu giảm chỉ còn khoảng 100 tỷ USD. Các báo cáo tài chính của hãng này cũng cho thấy, từ năm 2012 đến 2021, khoản đầu tư vào R&D của Huawei luôn tăng trưởng liên tục. Tỷ lệ đầu tư cho R&D của hãng trên tổng doanh thu tăng từ 13,2% vào năm 2013 lên tới 22,4% vào năm 2021. Vị chi trong 10 năm qua, Huawei đã “tiêu” hơn 132,66 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển (R&D), một con số khổng lồ.
Lý giải cho việc đầu tư mạnh mẽ và R&D, giới chức lãnh đạo của Huawei cho biết việc đầu tư và nghiên cứu phát triển là chiến lược quan trọng giúp Huawei liên tục đổi mới công nghệ, bất chấp lợi nhuận giảm thì hãng vẫn ưu tiên đầu tư cho tương lai để phát triển bền vững.
Ông Jun Zhang, đại diện của Huawei khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APAC) cho biết mức đầu tư vào R&D năm 2021 của hãng là kỷ lục từ trước đến nay, thể hiện rõ mục tiêu duy trì và thúc đẩy đổi mới và sáng tạo trong chiến lược phát triển. Theo đó, Huawei chủ yếu tập trung vào ba lĩnh vực: tối ưu hóa kiến trúc hệ thống, cải thiện hiệu suất phần mềm và nghiên cứu khoa học cơ bản.
Ông Guo Ping, Chủ tịch luân phiên của Huawei tái khẳng định chiến lược tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào R&D trong thời gian tới và cho biết hãng đang duy trì tỷ lệ doanh thu trên tiền mặt ở mức tốt, với khoản tiền ròng hiện tại khoảng 241,2 tỷ USD (tính đến cuối năm 2021), đủ để bảo đảm cho các khoản đầu tư R&D định hướng trong tương lai. 
Theo ông Guo Ping, việc tiếp tục tăng mức đầu tư cho R&D giúp nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả kinh doanh của Huawei trong mọi tình huống, từ đó giúp hãng chủ động xây dựng chuỗi cung ứng ổn định hơn và tăng năng lực cạnh tranh.
 
Ảnh minh họa: Shutterstock
Ảnh minh họa: Shutterstock
Tìm kiếm những cơ hội mới
Mới 3 năm trước tại Thượng Hải, Huawei công bố sẽ tham gia vào thị trường điện toán đám mây và đưa ra chiến lược của mình với mục tiêu trở thành một trong 5 nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hàng đầu trên thế giới.
Năm 2021, Huawei Cloud đã gặt hái những thành công bước đầu khi trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hàng đầu của thị trường Trung Quốc – thị trường lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ).
Theo báo cáo thường niên năm 2021 của Huawei, tại Trung Quốc, Huawei đang phục vụ hơn 600 khách hàng (chính quyền) và giúp 35 thành phố nâng cấp cơ sở hạ tầng ICT bằng điện toán đám mây. Trong mảng tài chính, Huawei hiện cũng đang cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho 6 ngân hàng nhà nước và nhiều ngân hàng cổ phần hàng đầu tại Trung Quốc, cũng như cung cấp dịch vụ cho 70-80% các công ty bảo hiểm thuộc tốp 50 ISP tại Trung Quốc.
Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và khu vực Bắc Mỹ, dịch vụ điện toán đám mây của Huawei có tốc trưởng tăng trưởng rất nhanh với chiến lược “everything-as-a-services”.
Tuy nhiên, ông Guo Ping, Chủ tịch luân phiên của Huawei cho rằng để đạt được các mục tiêu đề ra đòi hỏi Huawei cần phải tiếp tục đầu tư, phát triển các hoạt động điện toán đám mây và thu hẹp khoảng cách với đối thủ cạnh tranh.
Cho rằng đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu và phát triển cũng mang lại những phát kiến đột phá trong khoa học công nghệ, ông Guo Ping dẫn chứng cho biết trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản, Huawei đã đưa ra được công nghệ micro giúp nâng cao hiệu quả thu tín hiệu và giảm tiêu thụ năng lượng hiệu quả 30%.
Về lĩnh vực kiến trúc hệ thống, Huawei đang sử dụng sự hài hòa giữa mạng không dây và mạng quang, kết hợp tín hiệu không dây và tín hiệu quang để giải quyết các vấn đề băng thông lớn và nghẽn mạng trong tương lai.
Hay như trong lĩnh vực ICT, Huawei đang tích cực nghiên cứu phát triển những giải pháp nhằm tối ưu hóa các tiềm năng để khai thác hiệu quả nhất tài nguyên phần cứng, đồng thời nâng cao hiệu suất của quá trình phát triển công nghệ AI thông qua năng lực cải thiện công nghệ phần mềm.
Với hơn 100 ngàn kĩ sư hiện có cùng với khoản đầu tư khổng lồ vào nghiên cứu và phát triển hằng năm Huawei, ông Guo Ping tin tường rằng hãng sẽ đạt được những kết quả khả quan trong nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như tăng năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.
Theo TRỊNH DŨNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm