Dự hội nghị có tiến sĩ Viên Chinh Chiến-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Bà Majda Hordern-Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Úc; tiến sĩ Vũ Minh Hương-Chuyên gia về tiêm chủng, tiến sĩ Lại Đức Trường-Chuyên gia NCDs của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam. Về phía tỉnh Gia Lai có bác sĩ CKII Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế; đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và 32 trạm y tế xã triển khai dự án.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Như Nguyện |
32 xã, thị trấn tại Gia Lai triển khai thí điểm mô hình
Mô hình lồng ghép tiêm chủng mở rộng và quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại tỉnh Gia Lai do WHO hỗ trợ (nguồn từ Chính phủ Úc), Bộ Y tế quản lý, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên thực hiện. Sở Y tế Gia Lai và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị phối hợp. Mô hình nằm trong khuôn khổ thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật y tế giữa Việt Nam và WHO, tài khóa 2022-2023. Mô hình được triển khai thực hiện tại 2 tỉnh Đak Lak và Gia Lai.
Tiến sĩ Viên Chinh Chiến-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết: Mục đích của mô hình là nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và phát hiện, quản lý, điều trị tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ĐTĐ) nhằm hạn chế tàn tật tử vong sớm, góp phần chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ cộng đồng. Trong đó, các mục tiêu cụ thể: Nâng cao tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch; tăng cường công tác sàng lọc và quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm; mở rộng hoạt động quản lý, điều trị và thống kê báo cáo bệnh không lây nhiễm kết hợp với đánh giá tính khả thi, tính hiệu quả, tính chấp nhận của mô hình lồng ghép để xem xét mở rộng lồng ghép tiêm chủng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu khác trên địa bàn tỉnh.
Tiến sĩ Viên Chinh Chiến-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Như Nguyện |
Từ tháng 6 đến tháng 10-2023, được sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, WHO, tỉnh Gia Lai đã triển khai thí điểm mô hình lồng ghép giữa tiêm chủng mở rộng và quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại 32 xã, thị trấn thuộc 5 huyện Ia Pa, Chư Pưh, Đức Cơ, Mang Yang và Chư Prông. Bác sĩ Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai thông tin: Mô hình triển khai đã đạt nhiều hiệu quả, bước đầu mang lại nhiều lợi ích cho người dân và góp phần tích cực trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua triển khai mô hình, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng mở rộng và số người được sàng lọc bệnh không lây nhiễm tăng cao so với trước. Cụ thể, từ tháng 6 đến tháng 10-2023, có hơn 4.500 trẻ được tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng; qua sàng lọc 11.159 người có 2.800 người nghi ngờ THA, 2.587 người nghi ngờ ĐTĐ.
Nhiều hiệu quả thiết thực
Theo tiến sĩ Viên Chinh Chiến-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, so với trước khi triển khai mô hình, số người được sàng lọc THA tại Gia Lai tăng gấp 3 lần, số phát hiện tăng gấp 5 lần; số người được sàng lọc ĐTĐ tăng gấp 13 lần và số phát hiện tăng gấp 14 lần. Mô hình đã có nhiều hiệu quả thiết thực: Giúp phát hiện sàng lọc sớm các đối tượng mắc bệnh trong cộng đồng để tư vấn kịp thời cho người dân đi khám và chẩn đoán bệnh sớm; tăng cường sự gắn kết của người dân và cán bộ y tế, chủ động đưa dịch vụ y tế đến người dân, góp phần cải thiện nhận thức và hành vi của người dân trong phòng-chống bệnh tật. Người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe cùng một lúc, tiết kiệm được thời gian, tránh phải đi lại nhiều lần…
So với trước khi triển khai mô hình, số người được sàng lọc THA tại Gia Lai tăng gấp 3 lần, số phát hiện tăng gấp 5 lần; số người được sàng lọc ĐTĐ tăng gấp 13 lần và số phát hiện tăng gấp 14 lần. Ảnh: Như Nguyện |
Xã Đak Yă (huyện Mang Yang) là 1 trong 32 xã triển khai mô hình. Bác sĩ Lê Thị Kim Tứ-Trưởng trạm Y tế xã chia sẻ: Đây là mô hình kết hợp rất hay, cơ hội để lồng ghép các hoạt động chăm sóc sức khỏe và giúp nâng cao tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên, tỷ lệ phát hiện các bệnh không lây nhiễm cho người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, trạm y tế xã sẽ thuận lợi trong quản lý, điều trị cho người dân và giúp người dân được tiếp cận sớm với các dịch vụ y tế cũng như có ý thức hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, việc triển khai thí điểm mô hình bước đầu còn gặp nhiều khó khăn vì địa bàn xa, nhân lực thiếu, nguồn vắc xin cung cấp đôi lúc chưa đủ, thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp thường chỉ có một nhóm thuốc, các ban, ngành, đoàn thể trong xã tham gia còn hạn chế, phụ huynh đưa con đến tiêm chủng đa số còn trẻ tuổi chưa quan tâm nhiều đến các bệnh không lây nhiễm.
Để mô hình triển khai hiệu quả hơn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị cần tăng cường các hoạt động truyền thông để phụ huynh đưa trẻ đến điểm tiêm chủng ngoài trạm và cung cấp một số thông tin cơ bản về bệnh không lây nhiễm để người dân biết cách phòng ngừa; hỗ trợ thêm kinh phí đi lại cho những người tham gia tiêm chủng ngoài trạm và khám phát hiện các bệnh không lây nhiễm; cần có sự tham gia của nhiều ban, ngành, đoàn thể tại địa phương; không để thiếu nguồn vaccine. Bên cạnh đó, cần tăng cường nhóm thuốc điều trị THA ít nhất phải có hai nhóm thuốc tại trạm y tế; tăng cường các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế và y tế thôn bản.
Hội nghị đánh giá giữa kỳ mô hình lồng ghép tiêm chủng mở rộng và quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại Gia Lai lần này nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để mô hình hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian đến. Ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế đề xuất: Gia Lai là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, việc được hỗ trợ triển khai thí điểm mô hình lồng ghép tiêm chủng mở rộng và quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm là một sáng kiến hữu ích, có ý nghĩa thiết thực góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, Gia Lai cam kết sẽ phối hợp tốt trên mọi lĩnh vực để mô hình triển khai đạt nhiều hiệu quả và mong muốn WHO tiếp tục quan tâm hỗ trợ về công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại các địa bàn khó khăn của Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng.