Đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến: Chủ động hỗ trợ học sinh vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), từ ngày 4 đến 13-5, học sinh lớp 12 đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2022 bằng hình thức trực tuyến. Mặc dù được đánh giá là phù hợp với tình hình hiện tại, song hình thức này cũng đem đến nỗi lo nhất định cho các trường vùng khó.

Đổi mới phù hợp

Đây là năm đầu tiên việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT được thực hiện trực tuyến thay vì bằng phiếu nộp trực tiếp tại đơn vị đăng ký dự thi. Mỗi thí sinh được cấp 1 mã số tài khoản để đăng ký. Riêng thí sinh tự do vẫn đăng ký dự thi trực tiếp tại đơn vị đăng ký dự thi do Sở GD-ĐT quy định như năm 2021. Trước đó, từ ngày 28-4 đến 3-5, 63 đơn vị đăng ký dự thi trên toàn tỉnh đã tiến hành cấp tài khoản, phổ biến và tổ chức cho học sinh lớp 12 đăng ký dự thi thử trên Hệ thống quản lý thi, giúp các em đỡ bỡ ngỡ, lúng túng khi đăng ký dự thi chính thức. Kết quả, có 7.619 thí sinh trong tổng số khoảng 13.440 học sinh đang học lớp 12 đã thử đăng ký dự thi.

Học sinh Trường THPT Pleiku đăng ký dự thi tốt nghiệp năm 2022 bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: Mộc Trà
Học sinh Trường THPT Pleiku đăng ký dự thi tốt nghiệp năm 2022 bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: Mộc Trà


Sau khi Bộ GD-ĐT mở hệ thống quản lý thi, em Lê Thị Mỹ Lài (lớp 12C1, Trường THPT Pleiku) đã đăng nhập vào trang web để đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. “Vì đã có 1 tuần đăng ký thử dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của thầy cô nên em chỉ mất vài phút là hoàn thành phiếu đăng ký của mình với 16 mục chính. Để không bị sai sót, em đã kiểm tra kỹ thông tin trước khi bấm nút hoàn thành”-Lài chia sẻ.

Theo ông Phạm Thanh Hà-Trưởng phòng Quản lý chất lượng và Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT), việc đăng ký dự thi trực tuyến giúp thí sinh có thể chủ động đăng ký ở bất cứ đâu, miễn là có thiết bị máy tính bảng, máy vi tính, điện thoại thông minh… kết nối mạng internet. Hơn nữa, khi đăng ký trực tuyến, các thông tin cơ bản về thí sinh được liên kết, trích xuất từ cơ sở dữ liệu ngành và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên độ chính xác cao, giảm bớt việc nhập dữ liệu cho thí sinh. Nếu có những sai sót hay thay đổi lựa chọn, thí sinh có thể chủ động sửa đổi với số lần không hạn chế trong khoảng thời gian cho phép đăng ký. “Quy định mới này cũng giúp giảm áp lực và khối lượng công việc của cán bộ, giáo viên ở các đơn vị đăng ký dự thi vì không còn phải thu hồ sơ, nhập thông tin đăng ký dự thi của thí sinh lên Hệ thống quản lý thi của Bộ GD-ĐT. Hơn nữa, tất cả đơn vị đăng ký dự thi đều có phòng máy vi tính kết nối internet và đội ngũ cán bộ, giáo viên có năng lực để hỗ trợ thí sinh đăng ký trực tuyến nên khá thuận lợi”-ông Hà cho hay.

Để đảm bảo quá trình đăng ký dự thi trực tuyến của thí sinh diễn ra thông suốt, đúng tiến độ và quy định, Sở GD-ĐT đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện. Trong đó, hội nghị tập huấn về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 lần thứ nhất được tổ chức ngày 27-4 đã tập trung phổ biến quy chế, hướng dẫn việc tổ chức kỳ thi và thảo luận, làm rõ những yêu cầu, thắc mắc đối với công tác tổ chức kỳ thi, nhất là khâu tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi. Đồng thời, tập huấn cho cán bộ, giáo viên của 63 đơn vị đăng ký dự thi về Hệ thống quản lý thi của Bộ GD-ĐT.

Chủ động “gỡ khó”

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, nhiều trường vùng khó trong tỉnh cũng canh cánh nỗi lo khi triển khai cho học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Bởi lẽ, hầu hết học sinh nghèo, người dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện về thiết bị, đường truyền internet… đều phải dựa vào sự hỗ trợ của trường, trong khi cơ sở vật chất của các trường thì rất hạn chế. Mặt khác, khi tự đăng ký trực tuyến, nhiều em còn lúng túng trong việc xác định đối tượng, diện được hưởng ưu tiên, khuyến khích… dễ dẫn đến sai sót; các trường cũng khó kiểm tra, rà soát lỗi trong hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh.

 Trường THPT Pleime (huyện Chư Prông) bố trí máy tính có kết nối mạng internet và cử cán bộ, giáo viên hỗ trợ học sinh đăng ký dự thi tại trường. Ảnh: Mộc Trà
Trường THPT Pleime (huyện Chư Prông) bố trí máy tính có kết nối mạng internet và cử cán bộ, giáo viên hỗ trợ học sinh đăng ký dự thi tại trường. Ảnh: Mộc Trà


Trường THCS và THPT Kpă Klơng (xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) có 61 học sinh lớp 12 sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Tuy nhiên, trong đợt thử nghiệm đăng ký dự thi trực tuyến vừa qua, toàn trường chỉ có 32 em tham gia. Nguyên nhân là do phần lớn học sinh dân tộc thiểu số còn nhiều bỡ ngỡ hoặc không có thiết bị và mạng internet để thao tác. Thêm vào đó, vì nằm ở địa bàn vùng khó nên ngay cả đường truyền cáp quang tại trường đôi lúc cũng thiếu sự ổn định và thông suốt. Điều này khiến Ban Giám hiệu nhà trường không khỏi lo lắng. Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Sơn thông tin: “Cùng với việc hướng dẫn cụ thể, chi tiết, nhấn mạnh những điểm cần lưu ý cho học sinh khi tự đăng ký dự thi tại nhà, chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng phòng máy có kết nối mạng và cắt cử giáo viên hỗ trợ cho những em không có điều kiện có thể thực hiện việc đăng ký dự thi tại trường. Quan điểm của nhà trường là “chậm mà chắc”, không quá nóng vội dẫn đến xảy ra sai sót, miễn sao hoàn thành việc đăng ký đúng theo thời gian quy định”.
 


Theo thống kê của Phòng Quản lý chất lượng và Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT), tính đến 16 giờ ngày 8-5, toàn tỉnh có 12.444 thí sinh chính thức đăng ký dự thi trực tuyến trên tổng số 13.440 học sinh đang học lớp 12 (đạt tỷ lệ 92,6%).

Tương tự, những ngày này, 124 học sinh lớp 12 Trường THPT Pleime (huyện Chư Prông) cũng đang khẩn trương hoàn thành việc đăng ký dự thi tốt nghiệp trực tuyến dưới sự hỗ trợ tối đa từ phía nhà trường. Em Trần Quang Trưởng (lớp 12B2) bày tỏ: “Lúc nghe thông tin năm nay phải tự đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến, em khá hoang mang vì bản thân không có điều kiện về phương tiện, thiết bị. Tuy nhiên, sau khi được thầy-cô giáo hướng dẫn và nhà trường hỗ trợ máy vi tính để thực hiện việc đăng ký, em đã nhanh chóng hoàn thành. Việc quan trọng bây giờ của em là tập trung ôn thi thật tốt”.

Thầy Nguyễn Thế Hùng-Hiệu trưởng Trường THPT Pleime-cho biết: Học sinh lớp 12 của trường chủ yếu đến từ 5 xã khó khăn gồm: Ia Ga, Ia Piơr, Ia Lâu, Ia Mơr và Ia Pia; trong đó, học sinh dân tộc thiểu số chiếm 52%. Dự lường những khó khăn gặp phải về đường truyền, thiết bị, kỹ năng công nghệ thông tin hạn chế… nên chúng tôi đã chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết và khuyến khích học sinh đăng ký dự thi trực tuyến tại trường. Theo đó, nhà trường đã bố trí 6 máy vi tính có kết nối mạng internet, đồng thời phân công 3 giáo viên chia nhau hướng dẫn, kiểm tra thông tin trước khi học sinh bấm nút hoàn thành đăng ký dự thi. Việc đăng ký được tổ chức theo từng nhóm nhỏ vào trái buổi học chính khóa, tránh tập trung đông người để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19.

Không riêng trường THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên có học viên lớp 12 cũng gặp khó tương tự. Theo ông Lê Văn Nghĩa-Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đức Cơ, gần 100% học viên lớp 12 là người dân tộc thiểu số đến từ các xã trên địa bàn huyện và một số địa phương trong tỉnh như: Kông Chro, Kbang, Ayun Pa, Krông Pa… Không chỉ thiếu máy móc, thiết bị mà khả năng công nghệ thông tin của học viên cũng rất hạn chế. Vì thế, giáo viên dùng máy tính cá nhân của mình để hỗ trợ học viên mượn đăng ký dự thi. Năm nay, Trung tâm chỉ có 1 lớp 12 với 57 học viên nên tiến độ triển khai khá nhanh.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị đăng ký dự thi, nhất là vấn đề đường truyền internet, ngày 27-4, Sở GD-ĐT đã có công văn gửi Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị phối hợp chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ internet đảm bảo đường truyền thông suốt tại các đơn vị để tổ chức cho học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 dưới hình thức trực tuyến. Trên cơ sở đó, ngày 29-4, Sở Thông tin và Truyền thông có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh về nội dung trên. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống hạ tầng trong tỉnh vẫn đảm bảo, không xảy ra tình trạng “sập” hệ thống khi thí sinh đăng ký dự thi.

 

 MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.