(GLO)- Trong bối cảnh tình hình trên, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII tiến hành từ ngày 26-6 đến ngày 2-7-1979.
Đại hội đã hoàn toàn nhất trí bản báo cáo tình hình và nhiệm vụ của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa VI. Đại hội đã nhận định rằng, trong 2 năm qua, trên cả nước cũng như ở tỉnh ta đã có những biến đổi quan trọng. 30 năm chiến tranh đã để lại cho đất nước những hậu quả hết sức nặng nề, chúng ta vừa phải ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phải nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngay từ sau ngày giải phóng, chúng ta phải đối phó trực tiếp với chiến tranh biên giới do bọn Pol Pot Ieng Sary theo lệnh bành trướng Bắc Kinh gây ra, chúng ta vừa phải chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh nội địa, vừa góp phần làm nghĩa vụ quốc tế với các bạn Lào và Campuchia, góp phần cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng đánh bại kẻ thù xâm lược đất nước chúng ta.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai-Kon Tum lần thứ VII (từ ngày 26-6 đến ngày 2-7-1979). |
Từ sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI đến nay, các mặt hoạt động chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa trong tỉnh có nhiều chuyển biến tốt. Chiến đấu bảo vệ biên giới thắng lợi; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nói chung được giữ vững. Kết quả đó vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt công tác phát triển, vừa làm tốt nhiệm vụ quốc tế.
Đã hoàn thành xóa bỏ bóc lột phong kiến ở nông thôn, phát triển phong trào làm ăn tập thể, gần 90% nông dân đã làm ăn tập thể dưới các hình thức (có 60% nông dân trong 933 tập đoàn sản xuất và 41 hợp tác xã nông nghiệp). Đến cuối năm 1978, bước đầu hình thành 2.500 tổ đổi công với 8 vạn lao động tham gia. Xóa bỏ bóc lột tư bản chủ nghĩa, căn bản hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư doanh; đã xây dựng được một số quốc doanh trong các ngành kinh tế. Quan hệ sản xuất mới, lực lượng sản xuất mới đã hình thành và được củng cố từng bước.
Đại hội đã xác định các nhiệm vụ chủ yếu hai năm 1979-1980: “Kiên quyết tập trung mọi lực lượng, phát động quần chúng, tổ chức truy quét sạch bọn FULRO, tàn quân và các lực lượng phản động khác; xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, khẩn trương tăng cường phòng thủ sẵn sàng chiến đấu, đẩy mạnh quốc phòng toàn dân, kết hợp xây dựng kinh tế với quốc phòng, tiến hành xây dựng huyện thành pháo đài quân sự làm cơ sở từng bước xây dựng đơn vị chiến lược tỉnh; tích cực xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh mọi mặt, sẵn sàng cùng cả nước đánh thắng bọn phản động Trung Quốc xâm lược, làm tròn nhiệm vụ của tỉnh hậu phương trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Ra sức xây dựng và phát triển toàn diện các ngành kinh tế: nông-lâm-công nghiệp theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện, trọng tâm là sản xuất lương thực, thực phẩm. Đẩy mạnh thâm canh tăng vụ đi đôi với mở rộng diện tích. Phấn đấu đến năm 1980 đạt 32 vạn tấn lương thực (quy thóc), trong đó có khoảng 50% màu; đạt 3.000 tấn thịt hơi năm 1979 và 4.000 tấn thịt hơi năm 1980; bình quân đầu người đạt 450 đến 500 kg lương thực. Trồng 5.000 ha các cây cà phê, cao su, chè; trồng 5.000 ha rừng, khai thác gỗ năm 1979: 70.000 m3, năm 1980 đạt từ 100.000 đến 150.000 m3 gỗ tròn; giá trị sản lượng công nghiệp, thủ công nghiệp đạt 40 triệu đồng; tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản năm 1979 là 67,5 triệu đồng, năm 1980 là 69 triệu đồng; giá trị hàng xuất khẩu đạt 40 triệu đồng...; tiếp nhận 30.000 lao động kinh tế mới, xây dựng 60% các điểm dịch vụ và kinh tế mới có cuộc sống tiến bộ; ổn định và từng bước cải thiện đời sống vật chất của nhân dân, đẩy mạnh sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; kiện toàn củng cố chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở; tăng cường giáo dục tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản, tinh thần đoàn kết hữu nghị với nhân dân Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em; tăng cường công tác xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Đặc biệt chăm lo củng cố phát triển đội ngũ của Đảng, đến năm 1980 hầu hết tất cả các cơ sở đều có chi bộ trong sạch vững mạnh, công tác phát triển đảng viên phải đạt 2 yêu cầu về chất lượng và số lượng. Cần xúc tiến việc quy hoạch cán bộ các cấp, các ngành, đào tạo cán bộ kế tiếp, cán bộ chủ chốt...”.
Với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa VII gồm 45 ủy viên (có 4 ủy viên dự khuyết). Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Sỹ (Ksor Krơn) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Võ Trung Thành (Năm Vinh) làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Nguồn: ĐẢNG BỘ TỈNH GIA LAI-TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI (1945-2020)