Đảng bộ thị xã An Khê: 70 năm xây dựng và phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hôm nay ngày 14-3, thị xã An Khê ( Gia Lai) long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng bộ. 70 năm xây dựng và trưởng thành đầy hy sinh, gian khổ, Đảng bộ thị xã An Khê đã và đang viết nên những trang sử hào hùng, vẻ vang, từng bước đưa thị xã tiến gần hơn tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Truyền thống hào hùng

Thị xã An Khê nằm ở cửa ngõ phía Đông của tỉnh Gia Lai và cả khu vực Tây Nguyên, có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng về quốc phòng-an ninh, đồng thời là trung tâm của khu vực phía Đông tỉnh bao gồm các huyện: Đak Pơ, Kbang, Kông Chro và thị xã An Khê. Cuối thế kỷ XVIII, An Khê là căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, An Khê là chiến địa ác liệt, nóng bỏng, nơi từng diễn ra những cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch.

 

Trung tâm hành chính thị xã An Khê. Ảnh: N.M
Trung tâm hành chính thị xã An Khê. Ảnh: N.M

Đầu thế kỷ XX, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân các dân tộc An Khê với lòng yêu nước nồng nàn đã liên tiếp tổ chức các cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp. Sau khi cách mạng tháng 8 thành công, chi bộ Đảng Cộng sản tỉnh Gia Lai được thành lập. Gần 2 tháng sau, ngày 25-11-1945, chi bộ Đảng ở An Khê cũng đã được thành lập gồm 3 đồng chí: Đỗ Trạc, Ngô Thành và Hồ Thượng Hiền; trong đó, đồng chí Đỗ Trạc làm Bí thư chi bộ.

Kể từ khi có tổ chức Đảng lãnh đạo, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân An Khê ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tháng 7-1946, thực dân Pháp tái chiếm An Khê. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân An Khê đồng loạt đứng lên đánh giặc. Đến ngày 14-3-1948, trước xu thế phát triển đòi hỏi phải có một tổ chức Đảng lớn hơn, đủ sức trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Tỉnh ủy Gia Lai quyết định thành lập Đảng bộ huyện An Khê. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, mốc son đánh dấu sự phát triển vượt bậc của phong trào cách mạng ở An Khê. Trong giai đoạn 1945-1954, thực dân Pháp đã xây dựng ở vùng An Khê một hệ thống phòng thủ vững chắc với các đồn bốt dày đặc ở Tú Thủy, Ka Nak, An Trạch, Cửu An, Eo Gió, Thượng An, Hòn Cỏ, Đồn Chùa… Thực dân Pháp đã tàn phá làng mạc, đánh đập, tra tấn và giết bao người dân vô tội, gây nhiều đau thương, tang tóc cho nhân dân.

Dưới chế độ Mỹ-ngụy, nhân dân An Khê đã phải đối mặt với cuộc chiến tranh tàn khốc chưa từng có. Chỉ tính riêng từ tháng 7-1965 đến tháng 9-1969, địch đã tung vào An Khê Sư đoàn Không vận số 1 đóng tại Tân Tạo với 16.000 tên lính cùng 500 máy bay chiến đấu. Sau đó, địch đưa thêm Sư đoàn 4, Lữ đoàn 173, Tiểu đoàn “Mãnh hổ” Nam Triều Tiên, Sư đoàn 22, Sư đoàn 23 (ngụy), Liên đoàn Bảo An và 75 trung đội dân vệ với 3.311 tên... Với ngần ấy lực lượng, Mỹ-ngụy đã cày xới chiến trường An Khê một cách tàn bạo chưa từng có. Chúng còn lập ra nhiều tổ chức đảng phái phản động như: “Việt Nam quốc dân đảng”, “Cần lao nhân vị”, “Liên minh dân chủ” đi liền với chính sách gom dân, bắt lính, “bình định”, “tố cộng”… hòng đè bẹp ý chí và tinh thần chiến đấu của quân và dân An Khê; muốn biến An Khê nói riêng, Tây Nguyên nói chung thành bàn đạp để bao vây cả Đông Dương.

Nhận thức rõ vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình, dưới sự lãnh đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, Đảng bộ An Khê đã phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, tổ chức và lãnh đạo thành công lối đánh du kích, xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang tại chỗ gắn với xây dựng căn cứ cách mạng vững chắc. Những Xóm Ké, Ya Hội, Stơr… đã hình thành nên một hệ thống liên hoàn, vững chắc giữa hậu phương-tiền tuyến. Nhiều lần kẻ địch càn quét, oanh kích nhưng không phá vỡ nổi. Ngày 23-3-1975, sau nhiều năm chiến đấu hy sinh, gian khổ, An Khê được giải phóng. Để có ngày toàn thắng, nhân dân An Khê đã huy động hàng vạn ngày công đào đá, phá đường, liên lạc, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Nhiều gia đình đã vận động con em tham gia kháng chiến, tình nguyện nuôi quân, không ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy trước nanh vuốt kẻ thù. Hàng ngàn người con An Khê và những chiến sĩ cách mạng kiên trung đã anh dũng nằm lại trên mảnh đất này để giành lại hòa bình, tự do cho quê hương, đất nước ngày hôm nay.

Kế thừa và phát triển

 

Một góc thị xã An Khê. Ảnh: Ngọc Minh
Một góc thị xã An Khê. Ảnh: Ngọc Minh

Chiến tranh chấm dứt, trên mảnh đất hoang tàn, đổ nát bởi bom đạn kẻ thù, quân và dân An Khê lại bắt tay vào cuộc chiến mới: cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu, chống giặc dốt. Năm 1976, huyện An Khê chú trọng giãn dân ở trung tâm thị trấn ra các xã vùng ven để phát triển sản xuất. Đồng thời, tổ chức đón 4.000 dân ở đồng bằng lên, từ thị xã Pleiku xuống định cư xây dựng kinh tế ở Hà Tam. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện động viên bà con đẩy mạnh khai hoang phục hóa, phát triển sản xuất, đảm bảo lương thực, thực phẩm. Những cánh đồng Đê Bar, Ka Nak, Yang Trung… ngày một mở rộng. Bên cạnh đó, Đảng bộ huyện còn chú trọng việc giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân. Tháng 10-1976, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện An Khê lần thứ VI được tổ chức tại làng Đê Bar (nay thuộc huyện Kbang).

Đây là kỳ đại hội đầu tiên của Đảng bộ từ sau ngày giải phóng. Đại hội đã đề ra chủ trương phải tập trung cải tạo quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh khai hoang, củng cố hệ thống giao thông, thủy lợi; phát triển y tế, văn hóa, giáo dục… Nhờ chủ trương đúng đắn và kịp thời, chỉ sau gần 3 năm, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn liên tục được mở rộng, tổng sản lượng lương thực tăng nhanh, đời sống người dân được cải thiện rõ nét.

Năm 1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện An Khê lần thứ IX được tổ chức theo tinh thần đổi mới của Đảng. Dưới ánh sáng đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, An Khê đã từng bước chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền hàng hóa nhiều thành phần trên cơ sở phát huy, khơi dậy tiềm năng sẵn có tại địa phương. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã được huyện An Khê tiếp thu và triển khai có hiệu quả. Đảng bộ huyện xác định cơ cấu kinh tế nông nghiệp-công nghiệp-thương mại và dịch vụ, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi… Đến năm 2000, với sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và nhân dân trong huyện, kinh tế trên địa bàn tăng trưởng bình quân trên 10%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao. Tháng 6-2005, thị xã An Khê vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên địa bàn thị xã An Khê đạt 14,81%/năm.

Tháng 8-2015, Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã An Khê lần thứ XVI được tổ chức. Đại hội đánh giá cao việc thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ trong nhiệm kỳ trước với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm đạt 13,5%, tổng sản phẩm xã hội bình quân đầu người tăng 1,8 lần so với năm 2010, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư xây dựng… Đại hội đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025 nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, đổi mới toàn diện phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng An Khê trở thành vùng kinh tế động lực phía Đông của tỉnh với một số chỉ tiêu cơ bản như: Đến năm 2020, tổng sản phẩm xã hội đạt 7.010 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/năm, tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 12,5%. Đến năm 2018, thị xã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới…

Là một trong những Đảng bộ ra đời sớm nhất ở tỉnh Gia Lai, Đảng bộ An Khê đã được rèn luyện và thử thách. Qua bao thăng trầm, Đảng bộ đã không ngừng trưởng thành và phát triển về mọi mặt. Suốt chặng đường 70 năm kể từ khi thành lập, Đảng bộ An Khê đã qua 16 kỳ đại hội; đã lần lượt tách ra thành Đảng bộ huyện Kbang (1984), Đảng bộ huyện Kông Chro (1988), Đảng bộ huyện Đak Pơ và Đảng bộ thị xã An Khê (2003). Những người chiến sĩ cộng sản của Đảng bộ luôn giữ vững phẩm chất cách mạng, một lòng một dạ vì Đảng, vì cách mạng, vì nhân dân, phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua bao gian nan, thử thách để đánh đuổi thực dân, đế quốc và thống nhất đất nước, xây dựng An Khê thành một địa phương vững mạnh về mọi mặt.

 

Qua gần 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI, đến nay, kinh tế-xã hội thị xã An Khê đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Đến cuối năm 2017, tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) đạt 5.558,76 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 1.206 tỷ đồng, kết cấu hạ tầng phát triển nhanh, mạng lưới giao thông, điện, bưu chính-viễn thông, nước sạch, trường học, trạm y tế… được đầu tư xây dựng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được quan tâm giải quyết thỏa đáng; thị xã có 3/5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Những thắng lợi trong thời kỳ đổi mới, nhất là từ khi thành lập thị xã (tháng 12-2003) đến nay mới chỉ là bước đầu và còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, điều kiện của địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần thẳng thắn chỉ ra rằng, thị xã vẫn còn rất nhiều hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục chỉ đạo trong thời gian đến. Trước mắt, Đảng bộ và nhân dân thị xã An Khê phải tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và thị xã. Tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khai thác tối đa mọi tiềm năng, thế mạnh và nắm bắt các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xóa đói giảm nghèo…, xứng đáng là vùng kinh tế động lực khu vực phía Đông tỉnh.

Nguyễn Thị Thanh Lịch
Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy An Khê

Có thể bạn quan tâm

Hướng dẫn 24 của Bộ Nội vụ, gợi ý sắp xếp tổ cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

Hướng dẫn 24 của Bộ Nội vụ, gợi ý sắp xếp tổ cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

(GLO)- Ngày 18-12, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thay mặt Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ ký ban hành Công văn số 24/CV-BCDDTKNQ18 về Định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Pleiku khóa XII

Khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Pleiku khóa XII

(GLO)- Sáng 19-12, tại Hội trường 19-5, HĐND TP. Pleiku khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) đã khai mạc kỳ họp thứ 17 để đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Già làng Nay Hen (bìa trái, buôn Jứ, xã Ia Broắi) hướng dẫn người dân chuẩn bị cây giống thuốc lá. Ảnh: L.N

Ia Pa phát huy vai trò người uy tín

(GLO)- Những năm qua, đội ngũ người có uy tín ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền thực hiện chính sách dân tộc và giữ gìn khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, là tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống.

Hội Cựu chiến binh xã Ia Kdăm vận động người dân chung tay thực hiện mô hình “Đường cờ Tổ quốc”. Ảnh: V.C

Ia Pa nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”

(GLO)- Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã cụ thể hóa phong trào bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Ayun Pa. Ảnh: Q.T

Ayun Pa cần chuẩn bị tốt điều kiện tổ chức đại hội Đảng các cấp

(GLO)-Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương tại Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Ayun Pa và buổi làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy về công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2025-2030 diễn ra ngày 12-12.