Đak Pơ đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vụ mùa 2023, huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đã hỗ trợ và hướng dẫn bà con nông dân đưa giống lúa BĐR27 vào gieo trồng thử nghiệm. Mục tiêu mà huyện hướng đến là bổ sung bộ giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Vụ mùa 2023, từ nguồn vốn hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa 440 triệu đồng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ cùng 5 xã Hà Tam, Ya Hội, Yang Bắc, Tân An và Phú An, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân An, Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ An Hòa, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hà Tam triển khai thực hiện chương trình “Hỗ trợ phát triển sản xuất giống lúa mới BĐR27” trên diện tích 215,3 ha của 996 hộ nông dân. Diện tích trồng lúa tại các cánh đồng đảm bảo nguồn nước tưới 2 vụ.

Tham gia chương trình, người dân được hỗ trợ giống lúa BĐR27 và tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất. Đến nay, người dân một số xã đang bắt đầu thu hoạch lúa, năng suất bình quân đạt 6,5-7 tạ/sào, cá biệt có hộ đạt 8 tạ/sào.

Ông Lý Nguyên Sùng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ya Hội-cho biết: Từ trước đến nay, người Mông ở làng Ghép chủ yếu canh tác lúa nước theo phương thức truyền thống nên năng suất không cao. Vụ mùa năm nay, được sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, 32 hộ trong làng gieo sạ 5 ha giống lúa BĐR27. Qua thu hoạch thực tế, với các hộ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thì năng suất lúa đạt 7,5 tạ/sào; các hộ ít đầu tư thì năng suất đạt 6-6,5 tạ/sào, cao hơn so với khi gieo sạ giống lúa cũ.

“Giống lúa mới BĐR27 rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Vụ Đông Xuân tới, chúng tôi vận động người dân cải tạo đất, đưa giống lúa này vào gieo trồng đại trà để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế”-ông Sùng thông tin thêm.

Cây lúa BĐR27 phát triển tốt trên cánh đồng xã Hà Tam. Ảnh: N.D

Cây lúa BĐR27 phát triển tốt trên cánh đồng xã Hà Tam. Ảnh: N.D

Còn ông Ngô Cự Lai (thôn 5, xã Hà Tam) thì chia sẻ: “Vụ mùa 2023, gia đình đăng ký gieo trồng 2 sào lúa giống BĐR27. Cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, trổ bông sớm, hạt đều và đẹp. Đặc biệt, giống lúa này ít bị sâu bệnh gây hại, chi phí phân bón đầu tư cũng thấp hơn so với các giống lúa truyền thống. Hiện tại, ruộng lúa đã chín vàng chuẩn bị thu hoạch, dự kiến năng suất bình quân đạt hơn 8 tạ/sào, cao hơn các giống lúa khác khoảng 1 tạ/sào”.

Theo bà Bùi Thị Chi-Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Tam: Ưu điểm của giống lúa BĐR27 là cây cứng, hạt nhiều hơn so với các giống lúa cũ. Nếu thời tiết thuận lợi, năng suất lúa bình quân trên địa bàn xã đạt 7,5-8 tạ/sào. Vì vậy, người dân rất phấn khởi.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ tiến hành Hội thảo đầu bờ giống lúa BĐR27. Ảnh: N.D

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ tiến hành Hội thảo đầu bờ giống lúa BĐR27. Ảnh: N.D

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Công Thư-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ-cho hay: Ngay năm đầu tiên đưa vào gieo trồng, giống lúa mới BĐR27 đã phù hợp với nhiều chân ruộng lúa 2 vụ của huyện, nhất là khả năng chống chịu hạn, kháng bệnh đạo ôn và rầy nâu khá tốt. Đây là điều kiện thuận lợi để bà con tiếp tục gieo trồng đại trà giống lúa này trong các vụ tới. Qua đối chứng, năng suất lúa BĐR27 tăng 20-30% so với giống lúa cũ. Đặc biệt, gạo có mùi thơm, cơm mềm, dẻo nhẹ và có vị đậm đà.

“Thời gian tới, Trung tâm sẽ đề xuất UBND huyện tiếp tục đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao hỗ trợ người dân gieo trồng thay thế những giống lúa cũ đã thoái hóa, hướng đến xây dựng vùng sản xuất tập trung một số loại lúa gạo đặc trưng của huyện. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ phối hợp với các xã, thị trấn tiếp tục nhân rộng những giống lúa có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương nhằm tăng hiệu quả kinh tế”-ông Thư thông tin.

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.