Đại gia Việt "bung tiền" vào bất động sản giáo dục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với những cải cách chính sách như Nghị định 86 và Nghị định 135 của Chính phủ, lĩnh vực giáo dục Việt Nam đang rộng cửa chào đón nhà đầu tư nước ngoài. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, FDI trong lĩnh vực giáo dục đạt 64 triệu USD, tăng gấp đôi so với nửa đầu năm 2018. 
Mới đây, Công ty Savills Việt Nam trở thành đơn vị quản lý cơ sở vật chất của trường đại học Phenikaa có trụ sở tại phường Yên Nghĩa, Hà Đông. Theo thoả thuận, Savills Việt Nam sẽ cung cấp dịch vụ quản lý cơ sở vật chất và tiện ích bao gồm giảng đường, ký túc xá, sân bóng, nhà thi đấu đa năng, nhà ăn sinh viên/giảng đường. Đây là một trong những dự án bất động sản giáo dục đầu tiên trong danh mục quản lý của Savills Việt Nam.
Trước đó, thị trường cũng ghi nhận một số giao dịch M&A diễn ra trong lĩnh vực này. Cụ thể quỹ giáo dục Cognita đã mua Trường Quốc tế TP.HCM và Trường Tiểu học Saigon Pearl. Quỹ North Anglia đã mua Trường Quốc tế Anh Quốc. Quỹ đầu tư TPG của Mỹ đã sát nhập Trường Việt – Úc. Quỹ EQT đầu tư vào ILA - một chuỗi trung tâm tiếng Anh lớn tại Việt Nam.
Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam, nhận định: “Với 41% dân số thuộc “thế hệ vàng” (dưới 24 tuổi), số lượng người giàu và gia đình trung lưu ngày một tăng. Người Việt Nam sẽ sớm có khả năng chi trả nhiều hơn cho việc học tập của con cái theo một tiêu chuẩn giáo dục cao hơn. Dự kiến nguồn cầu cho giáo dục bậc cao tại Việt Nam sẽ duy trì ở mức cao”.
Theo ông Griffiths, thực tế hiện nay, không ít “đại gia” Việt nổi tiếng trên thị trường bất động sản đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực giáo dục với những tầm nhìn, sứ mệnh riêng biệt như Vingroup, Việt Hưng (Vihajico), Sunshine Group và FLC...
Cụ thể, hồi tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Vingroup đã chính thức công bố tham gia lĩnh vực Giáo dục đại học với thương hiệu Đại học VinUni (VinUni). Theo tuyên bố của tập đoàn này, Đại học VinUni sẽ phát triển các chuyên ngành giáo dục và đào tạo trong ba lĩnh vực trọng điểm: kinh doanh, công nghệ và khoa học sức khỏe.
 
 Phối cảnh thiết kế mặt trước khuôn viên Đại học VinUni tại Hà Nội. 
Vào cuối năm 2017, Sunshine Group cũng đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược với tổ chức giáo dục toàn cầu Maple Bear (trụ sở chính tại Canada) trong việc xây dựng và phát triển trường mầm non quốc tế tiêu chuẩn 5 sao Sunshine Maple Bear.
Hay mới đây nhất, Tập đoàn FLC cũng đã khởi công xây dựng Đại học FLC quy mô 50ha tại Quảng Ninh với định hướng đào tạo đa ngành, trong đó tập trung vào ba lĩnh vực mũi nhọn là du lịch, hàng không và công nghệ cao trong giai đoạn đầu. Dự kiến trường có quy mô đào tạo 600 sinh viên trong mùa tuyển sinh đầu tiên vào cuối năm 2020, và tăng lên 6.100 sinh viên vào năm 2024, 20.000 sinh viên vào năm 2035.
Ông Griffiths cho rằng, với những cải cách chính sách như Nghị định 86 và Nghị định 135 của Chính phủ, lĩnh vực giáo dục Việt Nam đang rộng cửa chào đón các nhà đầu tư nước ngoài. Riêng trong sáu tháng đầu năm 2019, FDI trong lĩnh vực giáo dục đạt 64 triệu đô la Mỹ, tăng gấp đôi so với nửa đầu năm 2018. 
Trước sự quan tâm của các “ông lớn” đối với bất động sản, cộng với sự phát triển của các cơ sở giáo dục như hiện nay khi có những trường quy mô từ vài hecta đến vài chục hecta, vấn đề đặt ra là cần phải chuyên nghiệp hoá công tác quản lý, vận hành.
 
Tiềm năng của bất động sản giáo dục đặt ra yêu cầu bức thiết phải chuyên nghiệp hoá công tác quản lý, vận hành.
Bà Vũ Kiều Hạnh, chuyên gia nghiên cứu bất động sản, cho biết trước đây quản lý cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục công lập, quốc tế và tư nhân… đều do các trường đại học tự làm. Nhưng tự quản lý thì cơ sở vật chất sẽ nhanh xuống cấp, hệ thống cơ sở vật chất nhiều rủi ro hơn.
Bởi lẽ, quản lý bất động sản giáo dục không khác với bất động sản nhà ở, thương mại, văn phòng… đều cần sự an toàn về phòng cháy chữa cháy, đảm bảo chất lượng của các toà nhà. Đặc biệt, bất động sản giáo dục có những đặc thù hơn, đó là quản lý cả căng tin, phòng thí nghiệm, giảng đường, ký túc xá, hệ thống nguồn điện… phải duy trì ổn định để phục vụ công tác giảng dạy của trường.
Tuy nhiên, đại diện Savills cho rằng, những quy định khắt khe tại Việt Nam cũng có thể là một thách thức cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này. Thuế suất cao, vốn đầu tư tối thiểu cho từng loại tổ chức và hợp tác giáo dục, yêu cầu về nhân lực và quy trình cấp phép phức tạp là những rào cản ban đầu cho bất kỳ nhà đầu tư nào muốn bỏ vốn vào bất động sản giáo dục.
Trần Kháng (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Quang cảnh hội nghị.

Pleiku phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng

(GLO)-Chiều 24-12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đoàn Hữu Dũng chủ trì hội nghị với các xã, phường triển khai Nghị quyết HĐND thành phố khóa XII, kỳ họp thứ 17 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó, thành phố phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng.