(GLO)- Ngày 16-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, tài nguyên và môi trường. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn với 63 điểm cầu kết nối trực tuyến.
Tham dự và trả lời chất vấn điểm cầu chính tại tòa Nhà Quốc hội còn có 4 Phó Chủ tịch Quốc hội cùng lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương, địa phương. Tại điểm cầu Gia Lai, dự phiên chất vấn có Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Siu Hương, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành.
Đây là hoạt động chất vấn đầu tiên được tổ chức tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Gia Lai cũng chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương giải pháp khắc phục tình trạng ùn ứ nông sản hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc ở các cửa khẩu phía Bắc.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai Siu Hương chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương. Ảnh: Thiên Di |
Giải pháp căn cơ cho giá xăng tăng, ùn ứ hàng hóa
Buổi sáng, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Bộ trưởng Bộ Công thương lần đầu tiên trả lời chất vấn. ĐBQH đặt ra nhiều câu hỏi khó về 3 nhóm vấn đề chính là: ùn ứ nông sản hàng hóa, xăng tăng giá, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trên thị trường nội địa.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (tỉnh Hưng Yên) bày tỏ những lo ngại Nhà máy Nghi Sơn tiết giảm công suất trong bối cảnh nguồn cung thế giới khó khăn, chiết khấu thấp nên nhiều cây xăng treo biển hết hàng. Đồng thời, việc giá xăng trong nước tăng cao nhất trong 8 năm qua, Bộ Công thương cần làm gì để hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước-doanh nghiệp-người dân. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên xác nhận việc Nhà máy Nghi Sơn giảm công suất đột ngột khiến một số cây xăng không đủ nguồn hàng phải treo biển nghỉ bán, nhưng không nhiều. Cụ thể, qua kiểm tra, trong 17.000 cây xăng của cả nước thì có 211 cửa hàng đưa ra nhiều lý do giải thích việc nghỉ bán. Thế nhưng, sau khi kiểm tra hoặc có nguồn cung từ nơi khác, các cửa hàng đã mở bán bình thường. “Việc điều hành đã bám sát theo thị trường thế giới, nhưng nhờ sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá với việc chi quỹ từ 500-1.500 ngàn đồng/lít trong mỗi lần điều hành đã giúp giảm biên độ tăng giá trong nước thấp hơn mức tăng của thế giới. Tuy nhiên, quỹ bình ổn chỉ còn hơn 600 tỷ đồng và nhiều doanh nghiệp âm quỹ. Do đó, chúng tôi đã tham mưu kiến nghị giảm thuế môi trường để góp phần giảm giá và được Chính phủ đồng ý, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội”-Bộ trưởng Bộ Công thương nói.
Tranh luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) không đồng tình quan điểm chỉ cây xăng găm hàng mà cả từ đầu mối. Trả lời đại biểu, ông Diên cho hay: “Bộ đang thanh tra 33 đầu mối lớn kinh doanh xăng dầu và đã có kết quả bước đầu, nhưng chưa có báo cáo cụ thể. Nhưng nếu đầu mối nào không thực hiện đúng nhiệm vụ, quy định, sẽ xử lý với hình thức cao nhất là đình chỉ kinh doanh, rút giấy phép”.
Đại biểu Quốc hội cũng giành nhiều câu hỏi về việc ùn ứ nông sản hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc tại các cửa khẩu phía Bắc trong thời gian qua, những giải pháp cụ thể giải quyết tận gốc vấn đề. Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Siu Hương đặt câu hỏi: “Thực trạng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc ùn ứ tại các cửa khẩu trong nước qua đợt dịch cho thấy sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng hàng hóa, tiêu dùng nội địa. Đây là vấn đề lưu thông nhưng xét trong toàn bộ quy trình sản xuất thì thị trường tiêu thụ nông sản chưa ổn định, cần hoàn thiện phương án sản xuất. Như vậy, với vai trò quản lý ngành, xin Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục trong thời gian tới”.
Giá xăng dầu tăng đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Ảnh: Đức Thụy |
Về nội dung này, theo Bộ trưởng, thời gian qua Bộ Công thương đã cùng với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc để giải quyết ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu. Song song triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Nhờ đó, tình trạng ùn tắc hàng hóa từng bước được tháo gỡ, lượng xe chờ xuất giảm đáng kể, nhất là ở thời điểm cận và sau Tết Nguyên đán 2022. Dù vậy, hàng hóa Việt Nam nhập sang vẫn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân.
Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, đại diện cho Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành-thông tin: Trước mắt, Chính phủ đã chỉ đạo sản xuất trong nước, tăng nhập khẩu để đảm bảo đủ lượng dự trữ xăng dầu trong 2-3 tháng. Chính phủ cũng quy hoạch phát triển thêm một nhà máy lọc dầu ở Vũng Tàu với sản lượng 10 triệu tấn/năm.
Cần chế tài mạnh trong đấu giá đất
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn các nhóm vấn đề quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị, ngăn chặn tình trạng lợi dụng trả giá trong các phiên đấu giá, kiểm soát việc xả thải của nhà máy và xử lý chất thải công nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Anh Chí (TP. Hà Nội) mở màn phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường với câu hỏi việc xử lý rác thải đối với người mắc Covid-19, rác thải đô thị. “Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp để xử lý có hiệu quả việc thu gom rác thải, nhất là rác có chứa chất nhầy Covid-19. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về quá trình hạn chế sử dụng rác thải chất dẻo, túi ni lông và giải pháp cụ thể”-đại biểu Nguyễn Anh Chí đề nghị. Theo ông Trần Hồng Hà thì: Chúng ta đã ban hành các luật, thông tư, chính sách, pháp lý về xử lý rác thải rắn. Bây giờ cơ bản các loại rác thải đã được tái chế. Năm 2022, chúng tôi sẽ tổng kết, đánh giá toàn bộ các trung tâm xử lý chất thải trong cả nước. Đối với rác thải Covid-19, ngay từ đầu, chúng tôi xác định đây là rác thải nguy hại, được quản lý theo quy định rác thải nguy hại. Vì thế, Bộ đã có những văn bản hướng dẫn người dân thu gom và có cơ sở xử lý loại rác thải y tế này trong cả nước.
Nghị trường chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường bắt đầu “nóng” khi nhiều ĐBQH bày tỏ quan ngại bởi những nội dung liên quan đến đấu giá, thổi giá đất đai gây ảnh hưởng tới an ninh tiền tệ, kinh tế Nhà nước và nhiều hệ lụy khác và việc quy hoạch đất đai ở các địa phương. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng thừa nhận không chỉ có thổi, dìm giá đất đai mà còn có “quân xanh, quân đỏ” gây bức xúc dư luận, làm biến dạng thị trường bất động sản. Do đó, cần có chế tài mạnh mẽ hơn để xử lý những nhà đấu giá có mục đích thổi giá đất trục lợi để họ không tham gia được và chế tài xử lý “quân xanh, quân đỏ”.
Phát biểu kết thúc ngày làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ-nhấn mạnh: Phiên chất vấn thể hiện được tinh thần dân chủ, xây dựng, sôi nổi giữa người điều hành, Bộ trưởng trả lời chất vấn và đại biểu đặt câu hỏi chất vấn. Các Bộ trưởng đã trả lời, giải trình đầy đủ băn khoăn, thắc mắc của đại biểu. Qua phiên chất vấn cho thấy tinh thần cầu thị, thẳng thắn trả lời những nội dung dân quan tâm, không né tránh của Bộ trưởng các nhành. Chủ tịch Quốc hội đề nghị đối với ngành Công thương cần có kịch bản rõ ràng bình ổn thị trường do giá xăng dầu lên cao, đảm bảo an ninh năng lượng; còn với ngành Tài nguyên và Môi trường cải cách hành chính, tăng cường kiểm tra Nhà nước về đất đai, nhất là quy hoạch đất đai và rà soát văn bản sửa đối liên quan đấu giá tài sản, không để xảy ra đấu giá trục lợi.
THIÊN DI