Cựu chiến binh Đak Đoa "đồng hành cùng cháu đến trường"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2021, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) triển khai mô hình “Đồng hành cùng cháu đến trường” nhằm chia sẻ khó khăn với những trẻ em kém may mắn.  

Ngồi tựa cửa nhìn màn mưa trắng xóa trước sân, bà Ayé (làng Đak Mong, xã Đak Krong) lặng lẽ thở dài. Thời tiết thay đổi khiến tay chân bà tê nhức, đi lại khó khăn. 4 con bò không có người chăn thả, lại phải nhờ người đi cắt cỏ, hái lá cho 4 con dê ăn. Bên trong nhà, Hrắp-đứa cháu ngoại của bà đang dở dang với bữa sáng muộn. Ở tuổi 12, Hrắp gầy gò, nhỏ thó và đen nhẻm. Ánh mắt Hrắp đượm buồn khi nghe hỏi về cha mẹ. Trả lời thay cháu, bà Ayé lên tiếng: “Mẹ Hrắp là con út của mình. Khi Hrắp được 3 tuổi thì mẹ nó mắc bệnh hiểm nghèo rồi chết. Vài tháng sau, bố đi lấy vợ ở nơi khác bỏ lại Hrắp cho mình nuôi”.
 

 Đại diện Hội CCB huyện Đak Đoa (bìa trái) thăm hỏi bà cháu em Hrắp, làng Đak Mong, xã Đak Krong. Ảnh: Anh Huy
Đại diện Hội CCB huyện Đak Đoa (bìa trái) thăm hỏi bà cháu em Hrắp, làng Đak Mong, xã Đak Krong. Ảnh: Anh Huy


Hơn 8 năm qua, 2 bà cháu nương tựa vào nhau vượt qua khó khăn. Với số tiền ít ỏi có được từ việc cho thuê 5 sào đất trống sau vườn, bà sửa sang lại nhà cửa, mua sắm thêm vật dụng sinh hoạt. Nhận được sự giúp đỡ về phương tiện sinh kế gồm 1 con bò giống và 2 con dê sinh sản từ cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức từ thiện, 2 bà cháu chịu khó chăm sóc để đàn gia súc sinh sản đều. Tuy nhiên, việc học của Hrắp ngày một sa sút do thiếu sự quan tâm từ những người thân. Để giúp đỡ 2 bà cháu vơi bớt phần nào khó khăn, đặc biệt là giúp Hrắp vươn lên trong học tập, năm 2021, Hội CCB xã Đak Krong đã triển khai mô hình “Đồng hành cùng cháu đến trường”.

Ông Nguyễn Xuân Ngát-Chủ tịch Hội CCB xã Đak Krong-cho biết: “Mỗi tháng, Hội hỗ trợ 200 ngàn đồng và 10 kg gạo. Vào đầu năm học, Hội đều mua quần áo, sách, vở, bút, cặp sách để cháu đến trường. Năm ngoái, Hội đã trích kinh phí hỗ trợ cho cháu 1 chiếc xe đạp”. Ngoài sử dụng kinh phí hoạt động thường xuyên, Hội còn vận động các Mạnh Thường Quân và kêu gọi sự hỗ trợ từ các thành viên Câu lạc bộ “CCB sản xuất kinh doanh giỏi” của xã. Hàng tuần, Hội đều trao đổi với Ban Giám hiệu nhà trường để nắm bắt tình hình học tập cũng như cuộc sống của 2 bà cháu và có hình thức giúp đỡ kịp thời. Đón nhận sự giúp đỡ từ Hội CCB xã, bà Ayé bộc bạch: “Gạo mình để ăn dần, còn tiền thì cất để mua bút, sách vở, giày dép cho cháu. Thỉnh thoảng, mình cũng dùng tiền đó mua mắm, cá khô. Giờ mình chỉ mong có sức khỏe để nuôi cháu khôn lớn”.

Không thể làm ngơ trước hoàn cảnh của cháu Sơm (làng Bong Hiot), cách đây 3 tháng, Hội CCB xã Hải Yang đã nhận “Đồng hành cùng cháu đến trường”. Bé Sơm mồ côi mẹ khi mới vài tháng tuổi. Không lâu sau khi mẹ chết, bố Sơm cũng rời làng, lập gia đình mới và chưa một lần quay lại thăm con. 8 năm qua, Sơm chưa một lần cảm nhận hơi ấm tình cha. Dù bà ngoại hết mực yêu thương song có lẽ vì thiếu hơi ấm của cha mẹ nên Sơm khá nhút nhát. Nắm bắt hoàn cảnh của gia đình, Hội CCB xã Hải Yang đã nhận đồng hành, giúp đỡ. Theo Chủ tịch Hội CCB xã Trần Văn Lợi: “Trước mắt, Hội sẽ giúp trong thời gian 5 năm, hình thức giúp là 10 kg gạo cùng với dầu ăn, nước mắm, bột ngọt... Số tiền dao động 250-270 ngàn đồng/tháng. Ngoài ra, gần đến ngày khai giảng năm học mới, Hội sẽ mua quần áo, sách vở, cặp sách để cháu đến trường. Hội cũng đang tính toán đến việc mua cho cháu 1 chiếc xe đạp”.

Trao đổi với P.V về mô hình “Đồng hành cùng cháu đến trường”, ông Nguyễn Văn Nga-Chủ tịch Hội CCB huyện Đak Đoa-nhấn mạnh: Năm 2021, Hội triển khai mô hình điểm ở xã Đak Krong và đến nay đã có thêm 2 xã Hải Yang và Tân Bình. Đối tượng mà Hội nhận giúp đỡ là con em hội viên và các cháu mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tùy vào tình hình cụ thể, mỗi tổ chức Hội sẽ có hình thức giúp đỡ phù hợp: tiền mặt (ít nhất là 200 ngàn đồng/tháng) hoặc giúp về vật chất (xe đạp, đồ dùng sách vở học tập...). “Chỉ tiêu của Hội trong thời gian tới là phấn đấu mỗi tổ chức Hội sẽ nhận giúp đỡ 1-2 cháu. Các tổ chức Hội phối hợp chặt chẽ với Chi bộ, nhà trường cùng đồng hành để nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình”-ông Nga cho biết thêm.

 

 ANH HUY

 

Có thể bạn quan tâm

Quy định mới về dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục

Quy định mới về dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục

(GLO)- Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 96/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15-7-2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số (DTTS) trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

APC Gia Lai: Cùng học sinh kiến tạo ước mơ

APC Gia Lai: Cùng học sinh kiến tạo ước mơ

(GLO)- Trường Quốc tế châu Á Thái Bình Dương Gia Lai (APC Gia Lai) tổ chức cho học sinh tìm hiểu giáo dục Nhật Bản tại các trường đại học hàng đầu, qua đó giúp các em có định hướng tốt cho việc học và nghề nghiệp trong tương lai.

8.700 dự án khởi nghiệp đến từ học sinh phổ thông

8.700 dự án khởi nghiệp đến từ học sinh phổ thông

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông Đỗ Đức Quế, trong giai đoạn 2020 – 2024, cả nước ghi nhận khoảng 8.700 dự án khởi nghiệp đến từ học sinh phổ thông – một con số thể hiện sự chuyển biến rõ rệt trong tư duy và hành động của học sinh.

Pleiku: Thêm 2 trung tâm ngoại ngữ giải thể

Pleiku: Thêm 2 trung tâm ngoại ngữ giải thể

(GLO)- Ngày 17-4, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai Lê Duy Định ký ban hành Quyết định số 290/QĐ-SGDĐT về việc giải thể Trung tâm ngoại ngữ The Star (có địa điểm hoạt động tại số 74 Nguyễn Tất Thành, phường Hoa Lư, TP. Pleiku), thuộc Công ty TNHH The Star English Center.