Cục Thú y nói gì về kịch bản ứng phó Covid-19 lan trên động vật?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nói về kịch bản ứng phó nguy cơ dịch Covid-19 có thể xảy ra trên động vật nuôi và động vật hoang dã, TS.Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, dù hiện tại chưa có bằng chứng khoa học Covid-19 xuất hiện trên động vật nhưng cần thiết phải xây dựng các kịch bản ứng phó trong mọi tình huống để tránh bị động.

 

Ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y.
Ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y.




Trong báo cáo của Bộ NNPTNT trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp kiểm soát dịch bệnh có kế hoạch ứng phó với nguy cơ xuất hiện Covid-19 trên động vật, bao gồm tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm phát hiện nCoV trên động vật nuôi và động vật hoang dã. Theo ông, liệu Covid-19 có nguy cơ xuất hiện trên động vật không?

- Về vấn đề này có hai ý. Thứ nhất, chủng virus corona thông thường có xuất hiện trên động vật nhưng không liên quan đến việc virus này lây bệnh cho con người.

Thứ hai, đối với virus corona mới - Covid-19, thời gian qua, chưa có bằng chứng khoa học nào nói Covid - 19 xuất phát từ động vật dù trước đó người ta có nghi ngờ dịch bắt nguồn từ một chợ hải sản ở Vũ Hán, nhưng bây giờ đã chứng minh là không phải.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu và cho thấy có mối quan hệ di truyền của virus corona phân lập được trên rắn, tê tê, dơi.

Dù bằng chứng khoa học chứng minh Covid - 19 lây lan trên động vật là chưa có nhưng với phương châm phòng bệnh là chính, chúng ta không thể chờ đến khi có bệnh trên động vật mới có động thái ứng phó thì chậm và muộn mất.

Giống như với dịch tả lợn châu Phi, ngay khi dịch có nguy cơ cần phải xây dựng ngay các các kịch bản ứng phó. Với Covid - 19 cũng vậy, chúng ta phải có kế hoạch để chủ động vì theo Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Thú y thế giới có đến trên 75% các bệnh mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật.

Có thể kế hoạch này không dùng đến trong tương lai nhưng cũng phải xây dựng, đặt ra các tình huống và giải pháp ứng phó phù hợp.

Dịch bệnh Covid - 19 đang có những diễn biến phức tạp trên người nên chúng ta cũng phải tính đến tình huống liệu dịch có xuất hiện, lây lan trên động vật nuôi hay không?

Hiện nay, việc xây dựng kịch bản Covid - 19 có thể xuất hiện trên động vật được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Hiện, Bộ NNPTNT đang xin Thủ tướng Chính phủ chủ trương xây dựng kế hoạch, sau đó sẽ tổ chức xây dựng kịch bản, lấy ý kiến từ các bộ ngành, địa phương. Tinh thần chung là phải đặt ra các tình huống nếu dịch Covid - 19 xuất hiện trên động vật thì phải làm gì, không xuất hiện thì làm gì.


 

 Virus corona mới (2019-nCoV) có thể đã lây truyền từ dơi sang người thông qua tê tê. Ảnh: Reuters
Virus corona mới (2019-nCoV) có thể đã lây truyền từ dơi sang người thông qua tê tê. Ảnh: Reuters



Trên góc độ một chuyên gia thú y, theo ông, virus corona mới (Covid - 19) có lây lan trên động vật không?

- Virus corona có nhiều dòng, nhiều chủng và đã ghi nhận xuất hiện trên động vật. Với Covid- 19 dù chưa có bằng chứng chứng minh xuất hiện trên động vật nhưng chắc chắn phải xuất phát từ đâu đó, và không loại trừ khả năng cũng có thể xuất hiện trên động vật?

Dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 và A/H5N1 cũng đang có dấu hiệu lây lan ra nhiều địa phương, vậy Cục Thú ý có giải pháp gì để khống chế các ổ dịch, thưa ông?

- Ngay sau khi những ổ dịch cúm gia cầm H5N6 đầu tiên xuất hiện từ đầu tháng 2/2020, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã ban hành hàng loạt văn bản yêu cầu các địa phương triển khai ngay các biện pháp phòng chống, cứ có ổ dịch là Bộ NNPTNT cử người xuống tận nơi giám sát, chỉ đạo.

Hiện, những ổ dịch cúm gia cầm mới xuất hiện chủ yếu trên những nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện an toàn sinh học kém.

Trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus phát triển, đàn gia cầm lại phát triển mạnh, để phòng chống dịch cúm gia cầm, người dân phải thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng vaccine, hiện nay, các doanh nghiệp đảm bảo cung cấp đủ vaccine có chất lượng.

Các ổ dịch bị phát hiện phải tiêu hủy ngay, không được chậm trễ, tuyệt đối không được vứt xác gia cầm chết ra ngoài môi trường vì virus này có thể lây lan sang người, rất nguy hiểm.

Một giải pháp rất quan trọng là các địa phương sớm kiện toàn lại hệ thống thú y cơ sở. Thực tế phòng chống dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm thời gian qua cho thấy, thiếu hệ thống chân rết thú y cơ sở khiến việc phát hiện dịch, kiểm soát dịch bệnh vô cùng khó khăn, ngay cả tỷ lệ tiêm phòng trên đàn gia cầm ở một số địa phương còn thấp cũng là do thiếu hệ thống thú y cơ sở.

Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp với việc xuất hiện nhiều chủng virus mới và cả những biến thể, rất cần lực lượng thú y cơ sở là những chốt chặn đầu tiên trong phát hiện, xử lý dịch, không để lây lan ra cộng đồng.

- Xin cảm ơn ông!

http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/cuc-thu-y-noi-gi-ve-kich-ban-ung-pho-covid-19-lan-tren-dong-vat-1062321.html

Theo Anh Thơ (thực hiện/Dân Việt)
 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.