Cục Thú y: Bệnh viêm da nổi cục chỉ gây bệnh trên trâu bò, đã có vaccine phòng bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hiện nay trên mạng xã hội đang xuất hiện hình ảnh những con trâu bò bị mắc bệnh nổi u cục khắp người, khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Trao đổi với Dân Việt, lãnh đạo Cục Thú y cho biết, thực chất đây là bệnh viêm da nổi cục và chỉ gây bệnh trên trâu bò, bệnh cũng đã có vaccine để phòng chống.

Trao đổi với DANVIET.VN, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) khẳng định, đến thời điểm hiện nay tổng số trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục là 17.544 con, chiếm chưa đến 0,2% tổng đàn trâu bò của cả nước. Trâu bò bị bệnh và nghi bị bệnh tuyệt đối không được vận chuyển, buôn bán, giết mổ và tiêu thụ.

Tính đến ngày 6/4, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra tại 781 xã của 149 huyện tại 25 tỉnh, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 17.544 con, chiếm chưa đến 0,2% tổng đàn trâu bò của cả nước. Tổng số gia súc buộc phải tiêu hủy hoặc bị chết (khoảng 5-7%) là 1.310 con.


 

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT):
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT): "Tuyệt đại đa số trâu bò trên lãnh thổ Việt Nam chưa mắc bệnh viêm da nổi cục, vẫn còn an toàn cho nên bà con và người tiêu dùng yên tâm sử dụng". Ảnh: Khương Lực.


"Như vậy, chúng ta khẳng định tuyệt đại đa số trâu bò trên lãnh thổ Việt Nam chưa mắc bệnh viêm da nổi cục, vẫn còn an toàn cho nên bà con và người tiêu dùng yên tâm" - ông Nguyễn Văn Long khẳng định.

Mặc dù lãnh đạo Bộ NNPTNT đã khuyến cáo người dân không nên hoang mang về bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò nhưng những hình ảnh trâu, bò nhiễm bệnh viêm da nổi cục trên mạng xã hội đang khiến nhiều người e ngại, thậm chí kiêng dè, không ăn thịt trâu, bò nữa. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Bệnh viêm da nổi cục là do vi rút Lumpy Skin gây ra. Bệnh viêm da nổi cục lần tiên được phát hiện và mô tả tại Zambia vào năm 1929, sau đó dịch bệnh đã lây lan và lưu hành ở hầu khắp các châu lục. Đến nay, bệnh viêm da nổi cục là dịch bệnh địa phương tại hầu hết các nước Châu Phi.

Khoảng tháng 8/2020, bệnh viêm da nổi cục xuất hiện tại Trung Quốc. Khi bệnh xuất hiện ở Trung Quốc, Cục Thú y đã có những cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp nhận biết và phòng chống dịch bệnh gửi các địa phương.

Bệnh viêm da nổi cục, ngay cái tên bệnh cũng nói lên đặc điểm về lâm sàng của bệnh này, chủ yếu trên da của trâu, bò xuất hiện các nốt u cục. Lúc đầu trâu, bò bị bệnh viêm da nổi cục thì chưa bị lở loét, nhưng để lâu ngày sẽ bị lở loét, cộng thêm nhiễm trùng thứ phát dẫn đến những hình ảnh trông rất đáng sợ.

Tuy nhiên, phải khẳng định chắc chắn rằng đến thời điểm hiện nay bệnh viêm da nổi cục do vi rút Lumpy Skin chỉ gây bệnh trên gia súc, đặc biệt trên trâu bò. Chưa có bất kỳ bằng chứng hay tài liệu nào cho rằng bệnh viêm da nổi cục lây sang người. Khẳng định như vậy để người dân và cộng đồng yên tâm.

Hơn nữa, về nguyên tắc, chúng ta đã nghiêm cấm, tuyết đối không cho phép vận chuyển, buôn bán, giết mổ và tiêu thụ gia súc bị bệnh và gia súc nghi bị bệnh - nằm trong các vùng, ổ dịch.

 

 Ngay sau khi xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP. Sông Công (Thái Nguyên) đã tiến hành tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò. (Ảnh: V.V)
Ngay sau khi xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP. Sông Công (Thái Nguyên) đã tiến hành tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò. (Ảnh: V.V)



Vậy, Cục Thú y đã và đang triển khai công tác phòng chống dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò như thế nào để hạn chế đà lây lan?

- Ngay từ khi mới xuất hiện nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò xâm nhiễm vào Việt Nam thì Cục Thú y đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về việc nhận biết cũng như triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh này. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó lý do rất quan trọng là các véc tơ truyền bệnh, đặc biệt là ruồi, muỗi, ve, mòng là yếu tố làm lây lan rất nhanh, rất xa và rộng.

Khi xuất hiện ở cách biên giới tại Trung Quốc khoảng 200km, Việt Nam đã có cảnh báo. Mặc dù vậy sau khoảng 2 tháng xuất hiện ở Trung Quốc thì vào tháng 10/2020, dịch bệnh đã xuất hiện tại Lạng Sơn và Cao Bằng.

Từ thời điểm đó đến nay, trên phạm vi cả nước dịch bệnh xảy ra tại 781 xã của 149 huyện tại 25 tỉnh, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 17.544 con, chiếm chưa đến 0,2% tổng đàn trâu bò của cả nước. Tổng số gia súc buộc phải tiêu hủy hoặc bị chết (khoảng 5-7%) là 1.310 con.

Như vậy, chúng ta khẳng định tuyệt đại đa số trâu bò trên lãnh thổ Việt Nam chưa mắc bệnh viêm da nổi cục, vẫn còn an toàn cho nên bà con và người tiêu dùng yên tâm sử dụng.

 

Chúng ta khẳng định tuyệt đại đa số trâu bò trên lãnh thổ Việt Nam chưa mắc bệnh viêm da nổi cục, vẫn còn an toàn cho nên bà con và người tiêu dùng yên tâm sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT)

Hiện nay, các địa phương đã và đang triển khai tích cực các biện pháp phòng chống dịch như vệ sinh tiêu độc, khử trùng, nhất là việc tiêu diệt các véc tơ truyền bệnh, côn trùng, ruồi muỗi, ve, mòng. Đặc biệt hơn, rất may bệnh này hiện nay đã có vắc xin.

Đây là bệnh mới, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam trong khi đó vắc xin lại chưa có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Căn cứ theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ NNPTNT xem xét quyết định cho phép nhập khẩu trên 4 triệu liều vaccine.

Nếu các địa phương có kế hoạch tổ chức đăng ký và tổ chức triển khai tiêm phòng thì chắc chắn số lượng vắc xin này đảm bảo đủ tiêm phòng cho trên 50% tổng đàn trâu, bò tại Việt Nam và các doanh nghiệp sẽ tiếp tục nhập khẩu vắc xin trên nhu cầu thực tế của các địa phương.

Trong số hơn 4 triệu liều được Bộ NNPTNT cho phép nhập khẩu, đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp đã nhập khẩu, cung ứng và các địa phương đã sử dụng gần 700.000 liều, hiện nay 1 triệu liều đang trong quá trình đánh giá vô trùng và an toàn theo quy định của Luật Thú y trước khi đưa vào sử dụng trong 1-2 tuần tới.

Ông đánh giá gì về hiệu quả của vắc xin và công tác tiêm phòng trong thời gian tới sẽ được tiến hành như thế nào?

- Theo báo cáo của các địa phương và đi xuống thực tế triển khai việc giám sát, chỉ đạo, chúng tôi thấy những đàn gia súc nào đã được tiêm phòng vắc xin thì đến thời điểm này đều phát triển tốt và không bị bệnh viêm da nổi cục.

Tuy nhiên, các địa phương cần phải khẩn trương xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí và đăng ký với nhà nhập khẩu, nhà cung ứng vắc xin để người ta có cơ sở nhập khẩu về. Khi có vắc xin, nếu chúng ta tổ chức tiêm phòng tốt thì hy vọng sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh này.

Vừa qua, nhiều tỉnh như: Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Nghệ An – nơi đã và đang có dịch bệnh viêm da nổi cục trầm trọng, nhưng các địa phương này đã có kế hoạch và báo cáo cấp có thẩm quyền triển khai tiêm phòng bệnh này. Như tại Thanh Hóa, trên 120.000 liều vắc xin đã được các địa phương trong tỉnh triển khai tiêm phòng trong một thời gian rất ngắn.

Một điểm đáng chú ý, mặc dù đã có vắc xin nhưng do đặc điểm của dịch bệnh này cũng như chúng tôi theo dõi sau khi tiêm vắc xin khoảng 21-28 ngày thì hiệu quả bảo hộ đàn gia súc mới tăng cao được.

Đối với bệnh này và đặc điểm vi rút Lumpy Skin, khi đã được tiêm vắc xin sống nhược độc vào trong cơ thể, nó cần thời gian tối thiểu sau 3 tuần để có thể có miễn dịch bảo hộ cho đàn gia súc. Chính vì vậy, trong thời gian qua, một số địa phương mặc dù đã triển khai tiêm phòng, tuy nhiên nó cần thời gian để vắc xin phát huy hiệu quả.

Cùng với việc tiêm phòng vắc xin, theo ông, bà con chăn nuôi trâu bò và các địa phương cần phải tăng cường các biện pháp nào?

- Với bà con trong vùng dịch, tuyệt đối không thả rông trâu bò ra bãi chăn thả chung vì ở nơi đó mầm bệnh lây lan nhanh cộng với ruồi, muỗi, ve mòng nhiều.

Hiện nay, gia súc có giá trị rất lớn (50-70 triệu đồng), trong thời gian có dịch lại chưa tiêm phòng được vắc xin thì cần có biện pháp ngăn chặn, không để cho các loại véc tơ truyền bệnh xâm nhiễm. Người ta có thể làm lưới chống ruồi, muỗi để ngăn và cũng có rất nhiều loại thuốc hóa chất để tiêu diệt các loại ve, mòng, côn trùng, ruồi, muỗi.

Cùng với đó, bà con cần thường xuyên vệ sinh, sát trùng tiêu độc. Thực tế nói lý thuyết là như vậy, nhưng khi chúng tôi đi xuống thực tế điều kiện chuồng nuôi của bà con chưa đảm bảo vệ sinh dẫn đến ruồi, muỗi, ve mòng rất nhiều. Vì vậy, phải thường xuyên thực hiện vệ sinh và sát trùng, tiêu độc. Khi chuồng nuôi sạch, cộng với biện pháp tiêu diệt ruồi muỗi và ngăn chặn thì ruồi, muỗi... sẽ giảm thiểu rất nhiều.

Một việc nữa, đó là chính quyền địa phương phải khẩn trương xây dựng, đăng ký với các nhà phân nhập khẩu, phân phối vaccine để có kế hoạch nhập khẩu vắc xin. Vắc xin nhập khẩu về với số lượng lớn thì kinh phí rất lớn và cần có nhiều thời gian để làm thủ tục nhập khẩu, thậm chí có thể kéo dài vài ba tuần.

Khi có vaccine rồi, các địa phương cần phải tổ chức triển khai tiêm phòng đồng loạt và diện rộng. Theo các văn bản chỉ đạo của Bộ NNPTNT cũng như trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới và các nước thì cần phải tiêm phòng cho đàn gia súc ở trong bán kính 100km, xung quanh ổ dịch – đó là vùng chúng tôi đánh giá nguy cơ cao.

Tại sao lại đòi hỏi phải đến 100km? Bởi vì theo các cơ sở khoa học phân tích các véc tơ truyền bệnh nó có thể bay xa trong thời gian ngắn, thậm chí lên cả trăm ki lô mét. Chính vì vậy, nếu chúng ta không thực hiện tiêm phòng đồng bộ, đồng loạt như vậy thì mầm bệnh sẽ tiếp tục lây lan và nó sẽ tiếp tục xảy ra dịch bệnh ở những nơi chưa tiêm phòng vắc xin.

Hiện nay, trong trường hợp nào mình sẽ tiêu hủy những con trâu bò bị bệnh viêm da nổi cục?

- Theo quy định của Luật Thú y cũng như các văn bản hướng dẫn của Bộ NNPTNT, tại các địa phương, tại các xã, làng, thôn, bản, lần đầu tiên thấy xuất hiện gia súc bị bệnh này là thực hiện việc tiêu hủy luôn. Bệnh này chưa có thuốc phòng, vắc xin các địa phương cũng chưa tổ chức tiêm phòng được vì nhiều lý do. Nếu chúng ta cứ giữ lại gia súc bị bệnh như thế thì mầm bệnh tiếp tục thải loại ra và các véc tơ truyền bệnh lại tiếp tục làm cho dịch bệnh lây lan.

Những con gia súc bị triệu chứng bệnh tích rất điển hình, rõ ràng như thế và cơ hội không phục hồi được nữa thì bắt buộc phải tiêu hủy. Ở những nơi dịch bệnh đã xảy ra diện rộng để tổ chức tiêu hủy toàn bộ sẽ gặp rất nhiều khó khăn và nhiều yếu tố khác. Đến nay, cả nước mới có 17.544 con gia súc mắc bệnh, trong đó tổng số gia súc buộc phải tiêu hủy hoặc bị chết (khoảng 5-7%) là 1.310 con.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, ông có khuyến cáo, lưu ý gì để người dân có thể lựa chọn, sử dụng thịt trâu, bò an toàn?

- Như đã nói, phần lớn tuyệt đại đa số trâu bò vẫn an toàn, chưa bị bệnh viêm da nổi cục; do đó trước mắt người dân yên tâm sử dụng vì tỷ lệ an toàn còn chiếm tuyệt đại đa số.

Thứ hai, để ngăn chặn nguy cơ mua phải thịt gia súc bị bệnh không may ai đó vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thì chúng ta cần phải hỏi rõ gia súc đó nguồn gốc ở đâu. Hiện nay tất cả những nơi nào có dịch, xã nào có dịch chúng tôi đều công bố rất rõ ràng, các cơ quan chính quyền địa phương đã kiểm soát tốt việc này.

Thứ ba, mua thịt gia súc ở những cơ sở giết mổ, buôn bán đã được cơ quan thú y, cơ quan có thẩm quyền kiểm soát. Gia súc là vật nuôi có giá trị lớn, trước khi đưa vào giết mổ thường qua công tác kiểm dịch nếu vận chuyển từ tỉnh này sang tỉnh kia hoặc tại các cơ sở giết mổ đều có nhân viên thú y thực hiện việc kiểm soát. Chúng ta sẽ truy suất được nguồn gốc của gia súc đó như thế nào.

Khi mua, chúng ta để ý với gia súc bị bệnh thường trên da nó hình thành các u cục, thậm chí là loét. Với những thịt có da thì chúng ta có thể nhận biết được xem da đó có biểu hiện bất bình thường, bị bệnh hoặc lở loét không. Và một số người dân phản ánh với gia súc bị bệnh thịt thường có mùi tanh, không được thơm như thịt gia súc khỏe mạnh. Việc này bà con có thể lưu ý.


 

 Tổ chức tiêu độc khử trùng môt ổ dịch viêm da nổi cục trâu bò tại Quảng Bình.
Tổ chức tiêu độc khử trùng môt ổ dịch viêm da nổi cục trâu bò tại Quảng Bình.


Một vấn đề nhiều người quan tâm là làm sao chúng ta có thể thực thi nghiêm các quy định pháp luật về phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là ở những khu vực có dịch?

- Theo quy định, khi dịch bệnh xảy ra, chủ vật nuôi phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền và cơ quan chuyên môn. Trong trường hợp không thực hiện những quy định đó, dẫn tới dịch bệnh lây lan thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ lập biên bản xử lý vi phạm trong lĩnh vực thú y, nhất là trong việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc bị bệnh.

Mặc dù vậy, đối với bệnh này rất khó vì dịch bệnh lây lan do véc tơ truyền bệnh là ruồi muỗi, ve mòng... nên nhiều lúc cũng không hẳn do người dân vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc bệnh thì dịch bệnh lây lan. Từ con gia súc này bị bệnh nhưng không được xử lý một cách triệt để, dẫn đến mầm bệnh tiếp tục bài thải và các vét tơ truyền bệnh ra, dẫn đến dịch bệnh lây lay rất rộng là như vậy.

Hiện nay, quy định rất đầy đủ, quan trọng chính là việc tổ chức triển khai thực hiện ở dưới các cơ sở. Một trong yếu tố rất quan trọng để triển khai thực hiện được là hệ thống thú y các cấp, nhất là cấp trung ương phải đảm bảo duy trì theo đúng quy định của Luật Thú y, Nghị định 42 của Chính phủ.

Dưới địa phương cần phải khẩn trương thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận 54, Ban Bí thư tại Chỉ thị 34, Quốc hội đã có 2 nghị quyết: Nghị quyết 100 trước đây và bây giờ là Nghị quyết 134. Chính phủ đã có Nghị quyết số 42 và nhiều chỉ thị, đặc biệt nhất là ngày 22/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 414 phê duyệt đề án tăng cường năng lực thú y các cấp, trong đó có nội dung liên quan đến việc kiện toàn hệ thống thú y các cấp.

Vì bệnh viêm da nổi cục là bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam, nhiều địa phương chưa có kế hoạch và chưa bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó có kinh phí mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng khẩn cấp vắc xin để chống dịch lây lan diện rộng. Do đó, các địa phương cần khẩn trương lên kế hoạch, đăng ký mua vắc xin và triển khai tổ chức vào cuộc quyết liệt để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả.

Bởi vì, nếu không thực hiện việc này, thì kể cả quy định rất rõ ràng, chỉ đạo rất đầy đủ, nhưng cái chính việc tổ chức, triển khai tại thực địa gặp rất nhiều khó khăn. Theo quy định của Luật Thú y đã phân công trách nhiệm tổ chức triển khai chống dịch, phòng dịch là thuộc trách nhiệm của chính quyền các cấp, đặc biệt từ cấp thôn, bản, nhất là cấp xã, huyện đã phân công quy định trách nhiệm rất rõ ràng.

Các địa phương, các cơ quan, chính quyền các cấp phải vào cuộc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, chứ phó mặc riêng cho ngành thú y trong khi ngành thú y dưới cấp huyện nhiều nơi không còn nữa, dưới cấp xã cũng không có dẫn đến việc triển khai các quy định cũng như chỉ đạo của Trung ương, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.

Xin cảm ơn ông!


Trong số hơn 4 triệu liều được Bộ NNPTNT cho phép nhập khẩu, đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp như Amavet đã nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, cung ứng và các địa phương đã sử dụng gần 700.000 liều, hiện nay 1 triệu liều đang trong quá trình đánh giá vô trùng và an toàn theo quy định của Luật Thú y trước khi đưa vào sử dụng trong 1-2 tuần tới.

Hiện vaccine Lumpyvac phòng bệnh viêm da nổi cục trên gia súc do Công ty Cổ phần Kinh doanh Thuốc thú y Amavet đã được nhập khẩu vừa về Việt Nam.

Lumpyvac do Công ty Vetal Animal Health Product S.A, Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, được sử dụng để bảo vệ gia súc chống lại bệnh viêm da nổi cục (da sần, LSD) và giảm tỉ lệ tử vong và tổn thương do bệnh gây ra.

Ngay sau khi phát hiện bệnh viêm da nổi cục tại Việt Nam tháng 10/2020, Bộ NN-PTNT đã giao Cục Thú y chỉ đạo các phòng chức năng, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương I cùng các cơ quan liên quan đang khẩn trương tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu khẩn cấp vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục, tiến hành tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng và hướng dẫn sử dụng vacxin sớm nhất theo quy định của Luật Thú y.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) từ tháng 7/2019 cho đến nay tại khu vực Châu Á, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò đã xuất hiện tại các quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Bangladesh, Sri Lanka, Ấn Độ, Bhutan, Nepal, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc) và Việt Nam. Báo cáo của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc ước tính thiệt hại hiện nay do bệnh viêm da nổi cục cho các nước khu vực Châu Á đã lên đến 1,45 tỷ USD.


https://danviet.vn/cuc-thu-y-benh-viem-da-noi-cuc-chi-gay-benh-tren-trau-bo-da-co-vaccine-phong-benh-20210406115054218.htm


Theo KHƯƠNG LỰC (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.