Công ty Vĩnh Hiệp cam kết thu mua cà phê theo đúng hợp đồng ký kết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước thông tin Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đang bị tạm dừng các giao dịch tài chính, nhà đất do có liên quan đến vụ án của Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Trần Thị Lan Anh-Phó Giám đốc Công ty-khẳng định: Công ty không hề liên quan đến vụ án và cam kết thu mua cà phê cho các hộ dân, hợp tác xã; giao hàng cho các đối tác trong và ngoài nước đúng hạn theo hợp đồng đã ký kết.

Ngày 13-10-2022, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an có Công văn số 103/CV-CSKT-P10 đề nghị cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố phối hợp tạm dừng biến động đối với tài sản, gồm: bất động sản, cổ phần, vốn góp, cổ phiếu… thuộc sở hữu của các bị can, cá nhân, công ty liên quan trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan để phục vụ yêu cầu điều tra. Kèm theo đó là danh sách 762 doanh nghiệp trong cả nước có liên quan, trong đó có Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (địa chỉ trụ sở tại 404 Lê Duẩn, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku).

 Hoạt động kinh doanh tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp vẫn diễn ra bình thường trong sáng 17-11. Ảnh: Lê Anh
Hoạt động kinh doanh tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp vẫn diễn ra bình thường trong sáng 17-11. Ảnh: Lê Anh



Sau khi có thông tin trên, ngày 24-10-2022, ông Thái Như Hiệp là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã có đơn xin cứu xét gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) trình bày việc Công ty có ký kết một số hợp đồng vay vốn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), tài sản bảo đảm là bất động sản, tiền gửi, hàng hóa tồn kho luân chuyển và không liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát. Đồng thời, ông Hiệp cho biết, việc tạm dừng giao dịch đối với tài sản thế chấp tại ngân hàng theo yêu cầu của Cơ quan Điều tra đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty. Vì vậy, ông Hiệp đề nghị xem xét, sớm hủy bỏ yêu cầu tạm dừng giao dịch tại ngân hàng để không thiệt hại cho doanh nghiệp.

Ngày 31-10-2022, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có Công văn số 5747/PC-VKSTC-V3 gửi Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đề nghị rà soát đối với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Theo đó, nếu không liên quan đến hành vi của các bị can trong vụ án thì tháo gỡ, hủy bỏ yêu cầu tạm dừng giao dịch để Công ty TNHH Vĩnh Hiệp thực hiện các giao dịch hợp pháp với ngân hàng, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp.

Trước thông tin trên, hàng ngàn hộ nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp là đối tác kinh doanh của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp tỏ ra lo lắng vì thời điểm này đang bước vào niên vụ thu hoạch cà phê 2022-2023. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, ngày 17-11, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Lan Anh-Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Bà Lan Anh cho biết: “Tôi khẳng định Công ty không hề liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát mà chỉ là khách hàng tại SCB. Hiện Công ty vay vốn tín dụng của SCB hơn 71,1 tỷ đồng nhưng tiền gửi của Công ty tại ngân hàng này là hơn 82 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện các giao dịch tại SCB đang bị tạm dừng mà Công ty chưa rõ nguyên nhân. Việc vay vốn chỉ là một trong những hoạt động bình thường trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, tất cả các hoạt động khác của Công ty Vĩnh Hiệp vẫn diễn ra ổn định. Hoạt động vay vốn tại các tổ chức tín dụng khác để phục vụ cho sản xuất kinh doanh của Công ty diễn ra bình thường và không có biến động”. Đồng thời, bà Lan Anh khẳng định: Công ty Vĩnh Hiệp đủ năng lực hoạt động và cam kết thu mua cà phê cho các hộ dân, hợp tác xã; giao hàng cho các đối tác trong và ngoài nước đúng hạn theo hợp đồng đã ký kết trong niên vụ cà phê 2022-2023. Công ty cũng đang chờ kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an. Do đó, Công ty mong muốn khách hàng tìm hiểu rõ thông tin để tránh những hiểu nhầm đáng tiếc.

Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp có vốn điều lệ 350 tỷ đồng, do 2 thành viên góp vốn, trong đó, ông Thái Như Hiệp đóng góp 332,5 tỷ đồng (tương ứng 95%) và bà Trần Thị Lan Anh góp 17,5 tỷ đồng (tương ứng 5%). Công ty đang ký hợp đồng liên kết sản xuất cà phê sạch với hơn 10.000 hộ dân và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đây là đơn vị xuất khẩu cà phê lớn nhất của tỉnh. Trong niên vụ 2021-2022, Công ty xuất khẩu hơn 134 ngàn tấn cà phê đến hơn 60 nước trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu gần 300 triệu USD, là doanh nghiệp lớn thứ 2 của cả nước về xuất khẩu cà phê. Trong 9 tháng năm 2022, Công ty xuất khẩu hơn 100 ngàn tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu hơn 210 triệu USD.

 

LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu gạo đạt 2,34 tỷ USD. Ảnh: Nguồn internet

Xuất khẩu gạo đạt 2,34 tỷ USD

(GLO)- Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong tháng 5-2025, Việt Nam đã xuất khẩu 1,1 triệu tấn gạo, trị giá hơn 573 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo, trị giá 2,34 tỷ USD.

Thu nhập hơn 450 triệu đồng từ trồng dứa

Thu nhập hơn 450 triệu đồng từ trồng dứa

(GLO)- Chị Phan Thị Bích Bình-Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Ia Nhin (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) là người tiên phong đưa cây dứa mật về trồng ở vùng đất Ia Nhin mang lại thu nhập cao và tạo việc làm cho lao động địa phương.

Đòn bẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đòn bẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(GLO)- Sau hơn 4 năm triển khai (2021-2025), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã góp phần giảm nghèo bền vững và tạo động lực để các địa phương phát triển. Chương trình là đòn bẩy cho sự phát triển vùng đồng bào DTTS.

Trồng rau má mang lại thu nhập ổn định

Trồng rau má mang lại thu nhập ổn định

(GLO)- Bắt đầu với một vài bụi rau má, bà Nguyễn Thị Ánh (thôn Tân Tụ, xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đã mở rộng quy mô trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình cũng như tạo việc làm cho lao động địa phương.

Cộng đồng chung tay bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Cộng đồng chung tay bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, những năm gần đây, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã triển khai giao khoán quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) cho cộng đồng dân cư sinh sống ở vùng đệm; qua đó, tạo sinh kế, giúp người dân cải thiện thu nhập và bảo vệ tài nguyên rừng tốt hơn.

null