Công ty cổ phần Hòa Phú Gia Lai: Sản xuất than củi từ vỏ trấu, góp phần bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Việc Công ty cổ phần Hòa Phú Gia Lai (tổ 4, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) tận dụng vỏ trấu để sản xuất than củi cung cấp ra thị trường đã gián tiếp hạn chế tình trạng chặt phá cây rừng làm chất đốt, góp phần bảo vệ môi trường sống.
Theo anh Nguyễn Hữu Phú-Giám đốc Công ty cổ phần Hòa Phú Gia Lai, trên địa bàn các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh có hàng triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, rơm rạ, thân các loại cây trồng sau thu hoạch... Phần lớn những loại phụ phẩm này đang bị vứt bỏ, bị đốt gây khói bụi và ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, các loại chất đốt truyền thống như than, dầu mỏ, khí hóa lỏng, củi gỗ… ngày càng khan hiếm, giá thành cao. Trước thực trạng trên, Công ty đã mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại để biến các loại phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp thành than củi. Việc biến phế thải nông sản-nguồn tài nguyên đang bị lãng phí và gây ô nhiễm môi trường-thành sản phẩm có ích, không những giảm áp lực tìm nguồn chất đốt tại các khu công nghiệp, các lò sấy thuốc lá, cà phê, bánh mì… mà còn góp phần bảo vệ môi trường xung quanh.
Sử dụng than củi làm từ vỏ trấu của Công ty cổ phần Hòa Phú Gia Lai (thị xã Ayun Pa) là một trong những giải pháp góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Nguyễn Quang
Sử dụng than củi làm từ vỏ trấu của Công ty cổ phần Hòa Phú Gia Lai (thị xã Ayun Pa) là một trong những giải pháp góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Nguyễn Quang
“Than củi làm từ vỏ trấu là một loại chất đốt không gây ô nhiễm môi trường và không gây hại đến sức khỏe con người. Khi đốt cháy, than củi trấu cho nhiệt độ khá cao, hiệu quả như ý mà chi phí lại thấp hơn so với nhiên liệu truyền thống như: than đá, củi gỗ. Đồng thời, sản phẩm này giảm chi phí xử lý khí thải ra môi trường, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính… Do đó, loại nhiên liệu đốt này hiện đang được các cơ sở sấy thuốc lá tại khu vực Đông Nam tỉnh cũng như nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh lựa chọn làm nhiên liệu chính trong quá trình sấy khô nguyên liệu”-anh Phú cho hay.  
Đặc biệt, việc Công ty đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất ra sản phẩm than củi chất lượng đã góp phần hóa giải bài toán thiếu chất đốt cho hàng ngàn lò sấy thuốc lá trên địa bàn các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh. Bởi trước đây, mỗi khi bước vào vụ thu hoạch thuốc lá, người dân vẫn lén lút khai thác củi rừng tự nhiên để làm chất đốt sấy thuốc lá. Hiện nay, nhà xưởng của Công ty có quy mô 5 máy ép với công suất ép 250-300 tấn than củi/tháng, tương đương với tiêu thụ 300-360 tấn vỏ trấu.
Than củi ép từ trấu sẽ làm thay đổi thói quen sử dụng củi gỗ làm chất đốt trong các lò sấy thuốc lá của người dân trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Quang
Than củi ép từ trấu sẽ làm thay đổi thói quen sử dụng củi gỗ làm chất đốt trong các lò sấy thuốc lá của người dân trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Quang
Việc tận dụng nguồn vỏ trấu phế thải của người dân, các cơ sở xay xát trên địa bàn và các huyện lân cận để sản xuất than củi đã góp phần mang lại nguồn thu tương đối cho người dân, doanh nghiệp cũng như tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Trước đây, phần lớn vỏ trấu thải ra từ cơ sở xay xát lúa gạo của gia đình ông Trần Văn Thanh (tổ 2, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) chất cao thành núi do ít người mua. “Vào mùa mưa, lượng trấu thải ra nhiều nhưng cũng không đốt được nên ùn ứ thành đống nhiều dẫn đến hoai mục, bốc mùi hôi khó chịu. Từ khi Công ty Hòa Phú Gia Lai “bao tiêu” vỏ trấu, tình trạng ùn ứ không còn và gia đình có thêm nguồn thu nhập tương đối, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh”-ông Thanh phấn khởi nói. 
Giám đốc Công ty Nguyễn Hữu Phú thông tin thêm: Thị trường nhiên liệu đốt thân thiện với môi trường như than củi ép từ vỏ trấu đang rất rộng và tiềm năng. Hiện Công ty cung cấp chất đốt cho lò sấy thuốc lá các huyện, thị xã khu vực Đông Nam tỉnh như: Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, Ayun Pa; các khu công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku); huyện Ea H’leo, Ea Ka (tỉnh Đak Lak) và thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định). “Sắp tới, bên cạnh đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm, hướng tới đưa sản phẩm vào tất cả các lò sấy thuốc lá trong vùng Đông Nam tỉnh, chúng tôi sẽ mở rộng thị trường ra các tỉnh lân cận phục vụ các lò sấy cà phê. Công ty đang có kế hoạch mở rộng quy mô nhà xưởng từ 6 máy ép lên 8 máy để nâng công suất lên khoảng 500 tấn than củi/tháng. Qua đó, góp phần phục vụ nhu cầu sử dụng sản phẩm năng lượng sạch của người dân. Đồng thời, giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống; tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động địa phương”-anh Phú cho biết.
NGUYỄN QUANG
 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.

Việc áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của CQHCNN trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nhật Hào

Gia Lai áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015

(GLO)-Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 2555/KH-UBND về triển khai hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2025.