Sản xuất than củi từ vỏ trấu: Lợi ích kép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ tận dụng được nguồn phế phẩm nông nghiệp, việc sản xuất than củi từ vỏ trấu của Công ty cổ phần Hòa Phú Gia Lai (tổ 4, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) còn góp phần hạn chế tình trạng sử dụng củi rừng tự nhiên tại các lò sấy thuốc lá, lò đốt công nghiệp… Than củi ép từ vỏ trấu hứa hẹn là nguồn nhiên liệu đốt thay thế các loại chất đốt truyền thống, qua đó, từng bước hạn chế tình trạng xâm hại rừng và bảo vệ môi trường.
Tận dụng phế phẩm nông nghiệp
Các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh có diện tích lúa nước rất lớn. Do đó, ngành công nghiệp xay xát, chế biến lương thực ở khu vực này ngày càng phát triển. Trong quá trình xay xát lúa, một lượng lớn vỏ trấu được thải ra. Tuy nhiên, chỉ số ít được tận dụng để làm phân bón, chất đốt, phần còn lại bị bỏ không ngoài môi trường gây lãng phí, thậm chí gây ô nhiễm.
Trước thực trạng trên, sau thời gian tìm hiểu, đầu năm 2018, anh Đào Hồng Tư-Giám đốc Công ty cổ phần Hòa Phú Gia Lai cùng 3 anh em của mình góp vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm dây chuyền sản xuất than củi từ vỏ trấu. Nhà xưởng có quy mô 5 máy ép, mỗi ngày sản xuất được khoảng 15 tấn than củi, tương đương 18 tấn vỏ trấu nguyên liệu. Việc tận dụng nguồn vỏ trấu khá lớn của người dân, các cơ sở xay xát trên địa bàn và các huyện lân cận để sản xuất than củi đã góp phần mang lại nguồn lợi tương đối cho người dân, doanh nghiệp cũng như tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Anh Đào Hồng Tư giới thiệu sản phẩm than củi được sản xuất từ vỏ trấu. Ảnh: Tấn Sang
Anh Đào Hồng Tư giới thiệu sản phẩm than củi được sản xuất từ vỏ trấu. Ảnh: Tấn Sang
Gia đình ông Trần Văn Thanh (tổ 2, phường Sông Bờ) có cơ sở xay xát lúa gạo. Trước đây, phần lớn vỏ trấu thải ra bị dồn chất đống do ít người mua. “Vào mùa mưa, lượng trấu thải ra nhiều nhưng cũng không đốt được nên ùn ứ thành đống gây mùi hôi khó chịu. Từ khi có Công ty Hòa Phú Gia Lai thu mua, gia đình vừa có nguồn thu nhập tương đối, vừa hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh”-ông Thanh phấn khởi nói. 
Tương tự, hình ảnh những đống vỏ trấu cao chót vót do ùn ứ không bán được ngày nào tại cơ sở xay xát lúa gạo của ông Đỗ Văn Xuân (tổ 6, phường Sông Bờ) giờ đã không còn. Tất cả vỏ trấu thải ra đều được Công ty Hòa Phú Gia Lai thu mua hàng ngày. Ông Xuân cho hay: “Cứ có trấu là Công ty cho người đến thu mua, mình chỉ cần đếm số lượng tính tiền thôi. Trung bình mỗi bao trấu, tôi có thêm 5.500 đồng. Hơn 2 năm nay, số tiền gia đình thu được từ việc bán trấu cũng tương đối khá”.
Góp phần bảo vệ môi trường
Cơ sở sản xuất than củi từ vỏ trấu của Công ty Hòa Phú Gia Lai bước đầu mang lại hiệu quả, phù hợp với các địa phương có nguồn nguyên liệu phế phẩm nông nghiệp lớn ở vùng Đông Nam tỉnh. Lượng than củi làm ra của Công ty đã phần nào giải quyết được vấn đề nhiên liệu đốt tại chỗ, thay thế cho nhiên liệu củi rừng tự nhiên, nhất là tại các lò sấy thuốc lá trên địa bàn, góp phần bảo vệ môi trường.
Theo anh Đào Hồng Tư, than củi ép từ vỏ trấu có thể sử dụng hiệu quả để thay thế củi rừng tự nhiên trong các lò sấy thuốc lá, sấy cà phê, làm bánh mì, cơ sở chế biến thức ăn gia súc… “Than củi làm từ vỏ trấu khi đốt không gây ô nhiễm môi trường và không gây hại đến sức khỏe con người. Loại than này có giá thấp hơn so với nhiên liệu truyền thống như: than đá, củi gỗ. Đồng thời, sản phẩm này giảm chi phí xử lý khí thải ra môi trường, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính… Do đó, than củi đang được các cơ sở sấy thuốc lá ở khu vực Đông Nam tỉnh cũng như các nhà máy sản xuất công nghiệp trong và ngoài tỉnh chọn làm nhiên liệu chính trong quá trình sấy nguyên liệu”-anh Tư cho biết.  
Mô hình sản xuất than củi từ vỏ trấu góp phần ngăn chặn tình trạng xâm hại rừng để lấy củi về đốt tại các lò sấy thuốc lá trên địa bàn các huyện phía Đông Nam. Ảnh: Tấn Sang
Mô hình sản xuất than củi từ vỏ trấu góp phần ngăn chặn tình trạng xâm hại rừng để lấy củi về đốt tại các lò sấy thuốc lá trên địa bàn các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh. Ảnh: Tấn Sang

Theo thống kê, trên địa bàn các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh có gần 1.000 lò sấy thuốc lá. Trong đó, có không ít lò sấy vẫn lén lút mua củi rừng tự nhiên để làm chất đốt dù bị cấm. Điều này đã gây không ít sức ép lên chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Trước đây, cứ mỗi khi bước vào vụ thuốc lá, gia đình ông Rcom Thon (buôn Jứ, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) lại phải chạy đôn chạy đáo tìm mua củi gỗ để làm nhiên liệu đốt cho 2 lò sấy. Từ khi chuyển sang dùng than củi của Công ty Hòa Phú Gia Lai, ông không còn phải lo lắng về việc này nữa. 


Ông Thon cho hay: “Sử dụng than củi ép từ vỏ trấu không những chi phí thấp hơn so với củi gỗ tự nhiên mà thuốc lá sau khi sấy có màu vàng đẹp hơn. Khi đốt lò, nhiệt lượng vẫn giữ ổn định không khác gì củi gỗ. Hai vụ sấy vừa rồi, gia đình tôi không còn sử dụng củi gỗ rừng tự nhiên nữa mà chuyển hẳn sang dùng loại than củi này. Một số cơ sở sấy thuốc lá trong buôn cũng đã bắt đầu sử dụng loại nhiên liệu đốt này từ năm ngoái. Có loại nhiên liệu thay thế củi rừng tự nhiên sẽ góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống cho tương lai”. 

Trung bình mỗi tháng công ty sản xuất được khoảng từ 400 đến 500 tấn sản phẩm. Ảnh: Tấn Sang
Trung bình mỗi tháng, Công ty Hòa Phú Gia Lai sản xuất được khoảng 400-500 tấn than củi. Ảnh: Tấn Sang
Trao đổi với P.V, Giám đốc Công ty cổ phần Hòa Phú Gia Lai cho biết: “Thị trường nhiên liệu đốt thân thiện với môi trường như than củi ép từ vỏ trấu hiện rất rộng lớn và tiềm năng. Hiện mỗi tháng, Công ty xuất bán 400-500 tấn sản phẩm cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc tại Khu Công nghiệp Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), các lò sấy thuốc lá trên địa bàn các huyện Krông Pa, Ia Pa, thị xã Ayun Pa… Sắp tới, bên cạnh đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm, hướng tới đưa sản phẩm vào tất cả các lò sấy thuốc lá ở vùng Đông Nam tỉnh, chúng tôi sẽ mở rộng thị trường ra các tỉnh Đak Lak, Đak Nông phục vụ các lò sấy cà phê. Để đáp ứng nhu cầu, dự kiến cuối năm nay, Công ty sẽ đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua thêm 4 máy ép nữa nhằm tăng công suất”.
TẤN SANG

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.