Công ty Cao su Chư Păh thân thiện với môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ xây dựng hệ thống chuỗi hành trình sản phẩm theo các tiêu chuẩn: ISO 9001, ISO 14001, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh được đánh giá thân thiện với môi trường.

Ông Phạm Đình Luyến-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh-cho hay: Công ty đang quản lý hơn 14.000 ha cao su, trong đó có 8.734 ha đang khai thác. Với quan điểm phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội, chúng tôi đã xây dựng phương án quản lý bền vững cho toàn bộ diện tích cao su; đồng thời, xây dựng hệ thống chuỗi hành trình sản phẩm theo các tiêu chuẩn: ISO 9001, ISO 14001, ISO/IEC 17025, TCVN 3769; hợp chuẩn sản phẩm mủ theo FM, VFCS/PEFC; PEFC-CoC.

Bên cạnh đó, Công ty còn đầu tư cải tiến công nghệ chế biến và hệ thống xử lý chất thải hiện đại nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.

Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh đầu tư xây dựng, cải tiến công nghệ chế biến mủ để nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Ảnh: Hồng Thương

Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh đầu tư xây dựng, cải tiến công nghệ chế biến mủ để nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Ảnh: Hồng Thương

Đến nay, Công ty có trên 6.130 ha cao su được chứng nhận quản lý bền vững. Bên cạnh thực hiện chặt chẽ các quy định phòng hộ đảm bảo an toàn cho người lao động, Công ty còn chú trọng xây dựng các bể chứa để thu gom, xử lý nước vệ sinh dụng cụ tại các điểm giao nhận mủ.

Ông Nguyễn Ngọc Huấn-Giám đốc Nông trường Cao su Hà Tây-cho hay: “Nông trường thực hiện nghiêm việc thu gom rác thải nguy hại về nhà kho để Công ty hợp đồng với đơn vị đủ chức năng thu gom, xử lý và không sử dụng thuốc diệt cỏ mà chỉ thực hiện việc cắt cỏ để tránh ảnh hưởng đến môi trường. Khi tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật, chúng tôi đều thông báo đến địa phương và người dân để hạn chế đi qua vườn cây gây ảnh hưởng sức khỏe. Nhờ vậy, hàng năm, toàn bộ diện tích hơn 1.390 ha cao su do Nông trường quản lý đều được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững”.

Bên cạnh sản xuất thân thiện với môi trường, Công ty cũng quan tâm đầu tư, cải tiến công nghệ chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như giảm thiểu tác động đến môi trường. Công ty có Nhà máy chế biến mủ cao su Ia Dêr và Nhà máy chế biến mủ cao su Chư Păh. Năm 2022, Công ty nâng cấp hệ thống lò hơi Biomass sử dụng hơi nước nhiệt độ cao thay cho hệ thống sấy mủ bằng dầu DO để hạn chế phát sinh khí thải độc hại ra môi trường.

Nhiều năm liền, Công ty được công nhận là 1 trong 100 doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam. Ảnh: Nhật Hào

Nhiều năm liền, Công ty được công nhận là 1 trong 100 doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam. Ảnh: Nhật Hào

Bên cạnh đó, Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, lắp đặt các trạm quan trắc nước mặt, nước ngầm cho 2 nhà máy chế biến mủ cao su. Đồng thời, đầu tư 2,1 tỷ đồng để lắp đặt trạm quan trắc tự động, liên tục đối với hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy chế biến mủ cao su Ia Dêr để kết nối truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, quản lý. Ông Lê Xuân Dũng-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Păh-cho hay: “Thời gian qua, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh đã đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải. Đến nay, chính quyền địa phương chưa nhận phản ánh nào của người dân về những tác động tiêu cực trong hoạt động sản xuất, chế biến, xử lý chất thải của Công ty đối với môi trường”.

Bà Lương Thị Tuyết Vinh-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường): “Qua theo dõi, các kết quả phân tích nước thải, khí thải định kỳ tại các nhà máy chế biến mủ của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh đều nằm trong giới hạn cho phép. Công ty đang lập hồ sơ cấp giấy phép môi trường Dự án “Nhà máy chế biến mủ cao su Chư Păh” để đảm bảo theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020”.

Tổng Giám đốc Công ty Phạm Đình Luyến cho biết thêm: Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, năm 2020, Công ty được tặng giải C Giải thưởng Môi trường tỉnh Gia Lai lần thứ 2. Nhiều năm qua, Công ty vinh dự được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) công nhận là 1 trong 100 doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Năm 2022, sản phẩm mủ của Công ty được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam công nhận là 1 trong 10 thương hiệu việt uy tín. Đặc biệt, các sản phẩm mủ của Công ty đã được cấp chứng chỉ Hệ thống Chuỗi hành trình sản phẩm theo PEFC-CoC và Hệ thống Quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC-FM nên việc xuất khẩu gặp nhiều thuận lợi, đặc biệt là được mở rộng ra các thị trường quan trọng như: Mỹ, châu Âu, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ. Năm 2022, Công ty đạt lợi nhuận trước thuế trên 142 tỷ đồng, nộp ngân sách 39,184 tỷ đồng (đạt 195,4% kế hoạch). Với lợi nhuận đạt được, Công ty cũng đã chi trên 28 tỷ đồng triển khai các công trình phúc lợi, khen thưởng và bồi dưỡng độc hại cho người lao động và các hoạt động an sinh xã hội.

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.