(GLO)- Vụ án không phức tạp nhưng do tắc trách của cán bộ điều tra dẫn đến một người bị truy tố oan, còn một người dù đã thừa nhận hành vi phạm tội vẫn không bị truy tố. Vụ án kéo dài đến nay hơn 5 năm song cơ quan tố tụng vẫn chưa dám nhận sự thật có lẽ do cố tình chối bỏ việc bồi thường trách nhiệm.
Xông vào nhà đánh người thành… bị hại
Dù bị can kêu oan ngay từ giai đoạn điều tra nhưng cơ quan tố tụng vẫn bảo thủ kết quả như sau: Khoảng 11 giờ ngày 1-2-2008, Nguyễn Cửu Bình, trú tại thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang, huyện Chư Sê (nay là huyện Chư Pưh) tổ chức sinh nhật tại nhà có 15 người bạn của mình đến tham dự.
Quang cảnh phiên tòa tại huyện Chư Pưh. Ảnh: Hồng Sơn |
Khoảng 14 giờ 30 phút cùng ngày, La Văn Tài và Nguyễn Trung Hà rủ nhau đến nhà chị Hồ Thị Thơ cách đó khoảng 70 mét để mua thêm bia. Do chị Thơ yêu cầu có vỏ bia thế chấp mới bán nên Hà và Tài đã nổi nóng đập vỡ 110 vỏ chai bia, 30 vỏ chai nước ngọt và đập 2 tấm kính cửa tủ đựng hàng hóa quán chị Thơ.
Sau khi đập phá tài sản của chị Thơ thì Hà và Tài quay lại nhà Bình. Lúc này mẹ của Bình là bà Trần Thị Thạnh thấy Tài chảy máu tay (do đập vỡ kính tủ nhà chị Thơ) nên bảo về nhà.
Đối với chị Hồ Thị Thơ, sau khi bị Hà và Tài đập phá tài sản nên sang nhờ Nguyễn Văn Năm (SN 1980) gọi điện báo Công an. Lúc này, Nguyễn Trung Hà từ trong nhà Nguyễn Cửu Bình đi ra thấy Năm đang gọi điện thoại, nghĩ là Năm gọi điện báo Công an về việc Hà-Tài đập phá tài sản nhà chị Thơ nên Hà nhặt một khúc cây dài khoảng 2-3 mét đến đánh Năm thì Bình can giật lấy cây. Hà tiếp tục lao đến dùng tay, chân đấm, đá vào người Năm thì Năm bỏ chạy vào nhà ông Nguyễn Văn Cúc là cha ruột của mình.
Lúc này ông Cúc từ trong nhà đi ra thì bị Hà dùng cây đánh vào đầu, vào tay gây thương tích; nghe ồn ào, bà Phạm Thị Xuân là mẹ của Năm trong nhà chạy lên cũng bị Hà dùng cây đánh vào đầu, vào tay. Nguyễn Văn Năm thấy cha mẹ bị đánh nên chạy xuống dưới nhà xách dao lên. Thấy Năm có dao Hà bỏ chạy về nhà Nguyễn Cửu Bình. Lúc này Năm gọi điện báo cho hai anh trai của mình là Nguyễn Văn Tưởng (SN 1974) và Nguyễn Văn Tư (SN 1977).
Khi Nguyễn Văn Tưởng và Nguyễn Văn Tư về đến nhà đang hỏi chuyện lý do vì sao cả nhà bị đánh thì Võ Thành Huynh điều khiển mô tô chở theo Vương Viết Ngọc và Lê Hữu Vũ xông vào nhà ông Cúc. Vũ xuống xe nhặt một tấm ván lót qua mương thoát nước đánh anh em Năm. Thấy vậy, Năm nhặt khúc cây bát cày dùng để cắm vào thành xe công nông đánh một cái vào đầu Vũ làm Vũ bất tỉnh, đồng thời trói Vũ lại. Thấy Vũ bất tỉnh, Hà và Ngọc cầm cây xông vào đánh anh em Năm làm Nguyễn Văn Tưởng bị thương, Nguyễn Văn Năm bị thương và Nguyễn Văn Tư bị thương.
Cơ quan tố tụng né… trách nhiệm bồi thường
Mặc dù trong suốt quá trình điều tra, Nguyễn Văn Năm liên tục kêu oan là không tham gia đánh Vũ mà chỉ có hai anh ruột của mình đánh Lê Hữu Vũ nhưng cơ quan điều tra vẫn tin theo lời một số nhân chứng như: Nguyễn Thị Thanh Thảo, Nguyễn Thị Hạnh… ở cách đó khoảng 60 mét nhìn thấy Năm đánh Vũ. Từ đó, cơ quan điều tra, khởi tố bắt tạm giam Năm gần 6 tháng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cúc và bà Phạm Thị Xuân là cha mẹ của 3 anh em ruột Tưởng, Tư và Năm đều khai trước Cơ quan điều tra là Tưởng dùng cây bát cày đánh Vũ: “Là mẹ, đứa nào đi tù tôi cũng đau lòng lắm nhưng sự thật là thằng Tưởng thấy ba mẹ bị người ta đánh nên nó rút cây đánh lại. Sau khi xảy ra sự việc, nó cũng nói với vợ chồng tôi. Nhiều lần lấy lời khai sau này Tưởng cũng đã thừa nhận hành vi của mình nhưng Cơ quan Điều tra không chấp nhận”-bà Phạm Thị Xuân, mẹ của bị cáo Năm trình bày trước Hội đồng xét xử ngày 27-6-2013.
Cũng tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27-6-2013, bà Nguyễn Thị Kim Long-một nhân chứng khác khẳng định: “Nhà tôi thường bán rượu cho bà Phạm Thị Xuân. Thằng Năm thường qua lấy hàng nên tôi biết mặt nó. Hôm xảy ra sự việc, tôi ở cách đó khoảng 50 mét nên tôi khẳng định thằng Năm không phải là người đánh mà lúc đó nó đang đứng trên bậc thềm nhà”.
Còn nhân chứng Lê Mạnh Hoàng lại trình bày trước Hội đồng xét xử: “Lúc nghe ồn ào sự việc, con tôi có gọi tôi ra xem thì sự việc đã xong. Tôi không biết ai đánh Vũ gây thương tích. Khi điều tra, điều tra viên Nguyễn Quyết Thắng gặp tôi tại quán cà phê Vườn Cau để lấy lời khai nhân chứng. Lúc đó tôi đã có uống rượu. Ông Thắng tự viết rồi nói tôi ký vào chứ tôi không có đọc lại vì tôi học ít nên không biết. Nay tôi mới biết lời khai đó đề cập Năm đánh Vũ. Tôi khẳng định tôi không biết”.
Trong khi đó, Hội đồng xét xử nhiều lần hỏi Lê Hữu Vũ có nhớ ai đã đánh mình không nhưng Vũ đều lắc đầu không biết ai đã đánh mình.
Điều lấy làm lạ là Tòa án Nhân dân huyện Chư Pưh nhiều lần trả hồ sơ điều tra lại trước khi đưa vụ án ra xét xử, Nguyễn Văn Tưởng cũng như lời khai của ông bà Nguyễn Văn Cúc-Phạm Thị Xuân là cha, mẹ ruột của Nguyễn Văn Tưởng đều thừa nhận hành vi của Tưởng gây nên nhưng Cơ quan điều tra vẫn không chấp nhận. “Ông nhà tôi (tức ông Nguyễn Văn Cúc-N.V) biết gì khai nấy nhưng cán bộ họ mời ổng lên đập bàn, đập ghế, chửi thề ổng. Họ chỉ đáng con của ổng nhưng lại nạt nộ, thóa mạ ổng. Vì bức xúc nên sau khi xảy ra sự việc đau lòng một tháng, nhà tôi đã uống thuốc tự tử”-bà Phạm Thị Xuân buồn phiền kể lại với chúng tôi.
Do không thể chứng minh hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Năm cũng như Nguyễn Văn Tưởng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, Hội đồng xét xử sơ thẩm ngày 27-6-2013 của Tòa án Nhân dân huyện Chư Pưh quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Văn Nhung-Hồng Sơn