(GLO)- Những đổi mới trong chiến lược thu hút đầu tư cùng sự điều chỉnh về chính sách, cơ chế cho phù hợp với thực tế đã giúp Gia Lai ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các dự án đầu tư đã và đang được triển khai hứa hẹn tạo nên sự bứt phá cho kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Nhiều kỳ vọng vào một dự án
Đầu năm 2018, Trung tâm chế biến rau quả của Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) với quy mô lớn, hiện đại bậc nhất Việt Nam đã được khởi công xây dựng tại Cụm Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang. Dự án có diện tích gần 6 ha với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng gồm tổ hợp 3 nhà máy: Nhà máy chế biến nước quả cô đặc và puree; Nhà máy chế biến rau quả đông lạnh và Nhà máy chế biến rau quả, rau đồ hộp với tổng công suất lên đến 30.000 tấn sản phẩm/năm.
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng Trung tâm chế biến rau quả, ông Nguyễn Thanh Tùng-Phó Tổng Giám đốc DOVECO, Giám đốc Ban Quản lý dự án DOVECO Gia Lai-giới thiệu về các hạng mục cơ bản của công trình, gồm: khu vườn ươm được Công ty chú trọng đầu tư bài bản, tất cả các khâu đều được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt để tạo ra nguồn giống tốt nhất phục vụ cho các vườn nguyên liệu; khu sơ chế, kho đông lạnh, khu nhà làm việc… được thiết kế xây dựng phù hợp theo tiêu chuẩn cao, đảm bảo đáp ứng các công năng và tiện ích. Đặc biệt, 3 nhà máy chế biến đều do các giáo sư hàng đầu của Nhật Bản, Ý tư vấn thiết kế; các thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất cũng được nhập từ các công ty uy tín ở nước ngoài và được chính các chuyên gia nước ngoài thi công, lắp đặt…
|
Dây chuyền xử lý hiện đại tại Trung tâm chế biến rau quả của DOVECO. Ảnh: Đ.T |
Không chỉ tập trung vào sản xuất, vấn đề đảm bảo môi trường cũng được DOVECO đặt lên hàng đầu. Giới thiệu với chúng tôi về khu xử lý nước thải với thiết bị và công nghệ tiên tiến của Hà Lan trị giá hơn 5,5 tỷ đồng, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Phương châm của Công ty là đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, đặc biệt là lợi ích của nhân dân và người lao động trên địa bàn đứng chân. Vì vậy, dù khá tốn kém nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải này, đảm bảo mỗi giờ có thể xử lý 150 m3 nước thải sản xuất và sau khi xử lý, nước thải sẽ đạt tiêu chuẩn cột A”.
Cũng theo ông Tùng, hiện vùng nguyên liệu của Công ty đã phủ khắp 14/17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với trên 3.100 ha. Trong đó, chanh dây khoảng 1.400 ha, dứa 800 ha, chuối tiêu hồng 750 ha, còn lại là các loại đậu, bắp ngọt và rau chân vịt… Ngoài ra, Công ty còn tổ chức thu mua một lượng lớn các loại trái cây trên địa bàn như: xoài, mãng cầu, bơ, sầu riêng… Dự kiến thời gian tới, vùng nguyên liệu sẽ tiếp tục được DOVECO phát triển và mở rộng lên đến 25.000 ha, không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 500 lao động ngay tại Trung tâm mà còn thu hút hơn 10.000 nông dân trên khắp địa bàn toàn tỉnh tham gia vào chuỗi sản xuất.
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hải Yang (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) là một trong những đơn vị liên kết sản xuất nguyên liệu cho DOVECO. Ông Nguyễn Đức Thuận-Phó Giám đốc Hợp tác xã-cho biết: “Khi Công ty đến đặt vấn đề liên kết, chúng tôi rất mừng. Ngay đợt đầu, đã có hơn 30 hộ đăng ký tham gia trồng trên 50 ha chanh dây. Công ty không chỉ cung cấp giống chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra ổn định mà còn cam kết mua giá bảo hiểm 6.000 đồng/kg (đối với chanh múc). Với cách làm này, chúng tôi rất yên tâm sản xuất, chỉ cần có đầu ra ổn định và giá bảo hiểm thì chắc chắn là có lời”. Theo ông Thuận, các hộ gia đình trong xã, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số rất hào hứng với mô hình liên kết này.
Sau gần 1 năm khởi công xây dựng, Dự án Trung tâm chế biến rau quả DOVECO đã hoàn thành giai đoạn 1, dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thiện. Với chức năng là một trung tâm chế biến rau quả khép kín, bao gồm từ liên kết phát triển sản xuất, thu mua nguyên liệu, chế biến tinh, chế biến sâu, kinh doanh bán hàng trong nước và xuất khẩu, dự án là điển hình cho chuỗi giá trị liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản của tỉnh ta. Đặc biệt, với doanh thu hàng năm ước đạt 1.500-2.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 70-100 triệu USD, dự án thực sự là chiếc “phao” cứu sinh đối với nhiều nông dân hiện nay, nhất là khi sản phẩm nông sản đang gặp quá nhiều khó khăn về đầu ra, giá cả bấp bênh.…
Viết tiếp câu chuyện thành công
Chỉ trong 3 năm trải thảm đỏ (2016-2018) thu hút đầu tư, Gia Lai đã có đến 136 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 15.350 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 10.500 lao động. Riêng năm 2018, có 58 dự án được UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 6.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh-nhấn mạnh: “Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của chính quyền các cấp ở tỉnh, sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, sự góp sức tận tình của các chuyên gia, các nhà khoa học, cùng sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư... kinh tế-xã hội tỉnh Gia Lai sẽ có bước đột phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”. |
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Sở Tài chính, năm 2018 thu ngân sách của tỉnh tăng gần 12% so dự toán Trung ương giao. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ các dự án đầu tư trên địa bàn (tổng số tiền thuế thu từ khu vực công-thương nghiệp ngoài quốc doanh trên 1.150 tỷ đồng). Đáng nói là số tiền thu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh năm 2018 tăng gấp 6 lần so với dự toán Trung ương giao (đạt 18 tỷ đồng). Kết quả trên cho thấy, Gia Lai đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài.
Để có sự chuyển mình mạnh mẽ như vậy là nhờ sự đổi mới, điều chỉnh về chính sách, cơ chế và chiến lược thu hút đầu tư. Theo đó, tỉnh không còn thu hút đầu tư theo kiểu ồ ạt như trước mà có sự chọn lựa, hạn chế các dự án khai thác tài nguyên, khoáng sản làm suy kiệt nguồn tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường. “Với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường hướng đến một nền kinh tế xanh, chiến lược kêu gọi đầu tư của tỉnh đã điều chỉnh sang các lĩnh vực như: chăn nuôi, trồng trọt công nghệ cao, phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến và du lịch. Đây cũng chính là những lĩnh vực được tỉnh tiếp tục chú trọng giới thiệu, mời gọi tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018, trong đó chú trọng nhất là lĩnh vực du lịch và công nghiệp chế biến”-ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết.
Cũng theo ông Hồ Phước Thành, quyết định tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 tại TP. Hồ Chí Minh cũng được xem là một điểm mới trong chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh. Đây là cơ hội quảng bá rộng rãi về tiềm năng, thế mạnh của Gia Lai, tạo điều kiện tiếp cận các nhà đầu tư mới, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài thông qua các mối quan hệ của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, từ đó tăng cơ hội thu hút đầu tư vào tỉnh nhà. Điều vui mừng là tại hội nghị đã có 2 dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư gồm: Dự án Trang trại phong điện HBRE (vốn đầu tư hơn 1.780 tỷ đồng) của Công ty TNHH Phong điện HBRE Gia Lai và dự án Nhà máy sản xuất gạch không nung công nghệ cao Saphia Gia Lai (vốn đầu tư 125 tỷ đồng) của Công ty TNHH một thành viên Saphia Gia Lai. Ngoài ra, một số dự án đã được ký hợp đồng như: Dự án Sân Golf Đak Đoa tại xã Glar (huyện Đak Đoa) với tổng vốn đầu tư 1.321 tỷ đồng; dự án siêu thị nội thất và khu dân cư tại 51 Lý Nam Đế (TP. Pleiku) với tổng vốn đầu tư 117 tỷ đồng…
LÊ LAN