Cô bé xứ Nghệ sinh ra chỉ nặng 9 lạng giành học bổng 1 tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sinh ra nặng chưa đầy 1kg, không ai nghĩ Nguyễn Thị Oanh có thể sống sót, trừ mẹ em. Vượt qua nghịch cảnh, cô gái này đã làm nên kỳ tích khi xuất sắc giành học bổng trị giá 1 tỷ đồng.

Hẹn mãi chúng tôi mới gặp được Nguyễn Thị Oanh (SN 2002) khi em tất tả trở về từ bệnh viện. Một người cậu của em bị đau, trong khi mẹ sức khỏe kém, già yếu, lại phải chăm một ông chú bị tật nguyền, Oanh thay mẹ đi thăm cậu.

Oanh đang là sinh viên năm thứ nhất, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam. Em cũng là sinh viên duy nhất giành học bổng "Trái tim sư tử" trị giá 1 tỷ đồng trong năm 2020 của ngôi trường này.

Khát vọng sống của cô bé sinh ra chỉ nặng 9 lạng


 

 Nguyễn Thị Oanh - cô bé sinh ra nặng 9 lạng vừa xuất sắc giành học bổng trị giá 1 tỷ đồng của Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam.
Nguyễn Thị Oanh - cô bé sinh ra nặng 9 lạng vừa xuất sắc giành học bổng trị giá 1 tỷ đồng của Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam.



Oanh và mẹ sống trong ngôi nhà nhỏ, cũ kỹ lọt thỏm giữa một con ngõ nhỏ ở xã Hưng Thành (Hưng Nguyên, Nghệ An). Dưới mái nhà, không có lấy một thứ tiện nghi của hiện đại, tài sản nhiều nhất và quý nhất là những cuốn sách.

Mẹ Oanh, người phụ nữ đã bước qua tuổi 60, tóc bạc gần hết, khuôn mặt hằn lên sự khắc khổ. Bà bị bệnh, đủ thứ bệnh hành hạ thân thể khiến sức lao động bị giảm sút nghiêm trọng, chỉ có thể quanh quẩn với vài con gà, con lợn. Cả cuộc đời bà là những buồn đau, bao nhiêu yêu thương và hi vọng dành hết cho cô con gái độc nhất.

Hơn 40 tuổi, bà Nguyễn Thị Vinh mới sinh con. Chưa kịp tận hưởng niềm vui làm mẹ thì bà nhận được cái lắc đầu ái ngại của nữ hộ sinh. Bé gái chào đời chỉ nặng vỏn vẹn 9 lạng. Cuộc chiến giữ sinh mệnh cho đứa con mới chào đời khiến vợ chồng bà nảy sinh những bất đồng không thể hàn gắn. Bà Vinh một mình nuôi con trong thiếu thốn đủ bề, nhưng bù lại, cái hình hài nhỏ bé kia chưa một lần từ bỏ khát vọng sống.

 

 Bà Nguyễn Thị Vinh kể về những ngày tháng nuôi con vất vả, thiếu thốn.
Bà Nguyễn Thị Vinh kể về những ngày tháng nuôi con vất vả, thiếu thốn.


Mẹ lần hồi nuôi nấng, chăm bẵm, rồi Oanh cũng lớn lên, biết lật, biết khóc, biết bò, biết đứng dậy bước đi và bi bô những tiếng đầu tiên. Với những đứa trẻ khác đó là điều bình thường nhưng với cô bé sinh ra chỉ nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay thì đó là cả một kỳ tích.

Rồi Oanh đi học và dần cảm nhận được sự thiệt thòi của một đứa trẻ lớn lên trong một mái ấm không hoàn chỉnh. Cô bé sớm hiểu chuyện và rất thương mẹ nhưng tránh sao khỏi những tủi hờn khi nhận ra rằng những bài học vỡ lòng ấy mẹ cũng không thể giúp em. Oanh lao vào học, tìm nguồn an ủi trong những trang sách - cánh cửa tri thức mở ra cho em bao điều mới lạ và cả những ước mơ.

"Em nhận ra chỉ có thể học, học thật giỏi sau này mới không khổ như bà, như ông cậu, như mẹ. Học, chắc chắn sẽ cho mình 1 tương lai tốt hơn", Oanh tâm sự.

 

Học bổng 1 tỷ đồng là phần thưởng xứng đáng cho cô bé chưa từng gục ngã trước số phận và những khó khăn trong cuộc sống.
Học bổng 1 tỷ đồng là phần thưởng xứng đáng cho cô bé chưa từng gục ngã trước số phận và những khó khăn trong cuộc sống.


12 năm học phổ thông, Oanh luôn là học sinh giỏi. Kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia, Oanh đạt điểm cao nhưng em không đăng ký xét tuyển vào trường đại học bởi đã đề ra mục tiêu cụ thể cho tương lai của mình.

Giành học bổng 1 tỷ đồng

"Nhà em nghèo quá, đi học đại học thì mẹ chắc chắn sẽ không thể lo cho em được. Tất nhiên, em cũng xác định tự nuôi mình ăn học, nhưng khi ra trường, thân cô, thế cô, liệu có tương lai không?", Oanh bộc bạch.

"Tìm học bổng để học đại học", Oanh đề ra mục tiêu cho bản thân. Học bổng các trường đại học lớn đều yêu cầu rất cao về tiếng Anh, đó là trở ngại lớn nhất của cô bé lớn lên trong nghèo khó, chưa từng biết đến các trung tâm ngoại ngữ.

"Không có điều kiện luyện tiếng Anh ở các trung tâm, em tự học, tự tìm tài liệu. Không có cơ hội giao tiếp nên phần nghe và nói của em không tốt, em học theo các phần mềm qua mạng", Oanh chia sẻ.

 

Với Oanh, chỉ có học mới giúp em có một tương lai tốt hơn.
Với Oanh, chỉ có học mới giúp em có một tương lai tốt hơn.


Oanh thử sức với 2 học bổng của hai trường đại học quốc tế, trong đó có học bổng "Trái tim sư tử". Tuy nhiên sau khi biết học bổng Trái tim sư tử trị giá 1 tỷ đồng sẽ trang trải toàn bộ chi phí ăn học trong 3 năm đại học cùng 1 năm học tiếng Anh và quan trọng hơn là em sẽ được theo học chương trình đào tạo ở Việt Nam, Oanh dồn hết tâm sức để chinh phục học bổng này.

Mặt khác, ở môi trường đào tạo chú trọng thực hành song song với đào tạo lý thuyết, sinh viên được học với giáo viên bản địa, Oanh nghĩ mình có nhiều điều kiện để hoàn thiện bản thân và khám phá những tiên tiến trong nền giáo dục của nước bạn.

Bài luận về câu chuyện cuộc đời, những nỗ lực vượt hoàn cảnh và khát vọng, mục tiêu rõ ràng của bản thân đã giúp Oanh chinh phục những giám khảo khó tính để em lọt vào vòng phỏng vấn. Hôm diễn ra phỏng vấn chính thức, Oanh bị sốt xuất huyết. Nếu bỏ cuộc lúc này, nghĩa là tự đánh mất cơ hội của bản thân, Oanh quyết tâm nắm lấy cơ hội có thể là duy nhất này.

Dù rằng phần phỏng vấn theo em tự đánh giá "chưa được tốt lắm" nhưng may mắn, các thành viên ban giám khảo đã bị thuyết phục bởi 1 cô bé chân chất, mộc mạc, bé nhỏ với khát khao và hoài bão lớn lao nên quyết định dành cho em cơ hội để thay đổi cuộc đời, thay đổi số phận. Nguyễn Thị Oanh trở thành thí sinh duy nhất giành học bổng "Trái tim sư tử" và trở thành tân sinh viên Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam.

 

Oanh mơ ước sau này sẽ xây dựng một trung tâm dưỡng lão để những người không gia đình hay kém may mắn như bà ngoại hay ông chú có điều kiện được chăm sóc và sống tốt hơn.
Oanh mơ ước sau này sẽ xây dựng một trung tâm dưỡng lão để những người không gia đình hay kém may mắn như bà ngoại hay ông chú có điều kiện được chăm sóc và sống tốt hơn.


Giành học bổng trị giá 1 tỷ đồng nhưng Oanh không tự bằng lòng với những gì mình đạt được. Dù không phải lo học phí cũng như chi phí sinh hoạt trong những năm đại học nhưng sau những giờ lên lớp, Oanh vẫn đi làm thêm, có thời điểm em làm 2 công việc 1 lúc. Mỗi tháng, Oanh cũng dành ra 1 khoản để gửi về nhà cho mẹ trang trải cuộc sống.

"Với học bổng này, em có thể thực hiện một phần ước mơ của mình và lo được cho mẹ. Em ước mơ sẽ trở thành một nhà kinh doanh giỏi. Khi có điều kiện, em sẽ mở một trung tâm dưỡng lão để những người phải chịu nhiều thiệt thòi giống như bà em, ông chú em và những người không có gia đình sẽ được chăm sóc và có cuộc sống tốt hơn trong phần đời còn lại", Oanh chia sẻ về những kế hoạch tương lai của mình.

Oanh tâm sự, em lớn lên trong tình yêu thương của mẹ, của bà, đến trường với sự giúp đỡ của thầy cô giáo; những lúc em khó khăn nhất đã được đón nhận sự hỗ trợ của mọi người, trong đó có cả những người em chưa từng quen biết. Động lực lớn và duy nhất của Oanh đó là phải học, học thật giỏi để thành công, khi thành công, em sẽ có cơ hội báo đáp mọi người và báo đáp cuộc đời.

*Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại


 

https://danviet.vn/co-be-xu-nghe-sinh-ra-chi-nang-9-lang-gianh-hoc-bong-1-ty-dong-20210217210845538.htm

Theo Hoàng Lam (dantri.com.vn/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.

Bỏ quy định cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT, vì sao?

Bỏ quy định cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT, vì sao?

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó có thay đổi đáng chú ý là không còn quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT. Xung quanh vấn đề này hiện có hai luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ.