Chuyển đổi số ở Gia Lai, động lực phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Gia Lai đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số theo 3 trục: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số nhằm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực

Để thúc đẩy chuyển đổi số, tỉnh đã đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), hạ tầng số. Hiện toàn tỉnh đã hoàn thành đăng ký địa chỉ IPv6 và số hiệu mạng (ASN) cho hệ thống thông tin, trong đó có Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn được kết nối cáp quang đến trung tâm; phủ sóng điện thoại 3G, 4G đến thôn, làng; 100% thôn, làng đã được phủ sóng kết nối internet di động. Toàn bộ thủ tục hành chính của tỉnh được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 943 dịch vụ công trực tuyến một phần và 982 dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tích hợp tại Cổng dịch vụ công của tỉnh (https://dichvucong.gialai.gov.vn).

Việc chuyển đổi số mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực đã đem lại những kết quả đáng khích lệ trong phát triển kinh tế số, xã hội số. Liên quan đến hoạt động thương mại, Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh thông tin: Hiện tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ trên địa bàn tỉnh đạt 7,5%; 100% siêu thị, trung tâm mua sắm và các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông cơ sở phân phối hiện đại chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt phục vụ người tiêu dùng.

Cùng với đó, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khai thuế điện tử; 100% tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai sử dụng hóa đơn điện tử; hơn 20% doanh nghiệp có giao dịch thương mại điện tử.

Nhân viên BIDV Gia Lai hướng dẫn tiểu thương phường Hoa Lư (TP. Pleiku) về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: P.L

Nhân viên BIDV Gia Lai hướng dẫn tiểu thương phường Hoa Lư (TP. Pleiku) về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: P.L

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, việc chuyển đổi số cũng đã được đẩy mạnh khi sử dụng có hiệu quả các phần mềm do Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai như: cơ sở dữ liệu (CSDL) mùa vụ trồng rừng phục vụ sản xuất; quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật PPDMS 2.0; CSDL về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; dữ liệu phục vụ phân tích và dự báo thị trường nông sản; CSDL quản lý lâm nghiệp (theo dõi diễn biến rừng); phần mềm phát hiện sớm cháy rừng HostportGla; hệ thống báo cáo dịch bệnh trực tuyến (VAHIS)...

Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: “Trên địa bàn tỉnh hiện có 18 vùng sản xuất có ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 3.500 ha; có 3 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều sản phẩm OCOP được bán trên các sàn thương mại điện tử; 100% sản phẩm OCOP được gắn tem truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR”.

Là hộ trồng cà phê, ông Lê Tuấn Hiền (tổ 8, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) nhận định: “Tôi thường truy cập vào phần mềm dữ liệu phục vụ phân tích và dự báo thị trường nông sản. Mặc dù các số liệu, thông tin trên này chưa hẳn cập nhật ngay lập tức tình hình thực tế nhưng cũng giúp nông dân phân tích nhanh và kịp thời những diễn biến thị trường, dự báo giá nông sản để có kế hoạch sản xuất, phản ứng nhanh nhạy trước biến động thị trường nhằm đạt được lợi nhuận tối đa cũng như giảm thiểu rủi ro”.

Toàn bộ 1.925 thủ tục hành chính của tỉnh được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: H.D

Toàn bộ 1.925 thủ tục hành chính của tỉnh được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: H.D

Các lĩnh vực tài chính, thương mại, ngân hàng cũng đã triển khai, khai thác hiệu quả các ứng dụng CNTT của Bộ Tài chính như: hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), tra cứu giao dịch dở dang, mã số dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tổng hợp thông tin tính chỉ số ICT index, phần mềm báo cáo thống kê, phần mềm quản lý tài sản, phần mềm nước sạch nông thôn.

Cùng với đó là triển khai các ứng dụng CNTT phục vụ công tác chuyên môn do Sở Tài chính quản lý như: CSDL quốc gia về giá trên địa bàn tỉnh Gia Lai, phần mềm quản lý tài sản công tỉnh Gia Lai, phần mềm Hệ thống quản lý tài chính đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch... cũng đạt những kết quả thấy rõ trong chuyển đổi số như triển khai Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn (https://donthuocquocgia.vn); hướng dẫn các doanh nghiệp cập nhật thông tin trên Cổng thông tin du lịch gialaitourism.vn và CSDL chuyên ngành du lịch; cập nhật dữ liệu trên Hệ thống CSDL của ngành Giáo dục (https://csdl.gialai.edu.vn), triển khai thí điểm mô hình “Trường học thông minh” ở 7 cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Pleiku và hệ thống E-learning tại Trường THPT chuyên Hùng Vương theo Đề án “Xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” và Mô hình “Trường học không tiền mặt”, tỷ trọng thanh toán học phí không dùng tiền mặt đạt 67,4%.

Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột

Chủ đề chuyển đổi số năm 2024 của Gia Lai là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp CNTT, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số-động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững”.

Theo Quyết định số 19/QĐ-UBND của UBND tỉnh về kế hoạch chuyển đổi số năm 2024, Gia Lai tập trung các nhiệm vụ duy trì và phát triển hạ tầng số để phát triển chính quyền số và thúc đẩy kinh tế số, phát triển xã hội số với 5 nhóm giải pháp chính gồm: đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số; nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ số vào triển khai chuyển đổi số; thu hút nguồn lực CNTT để chuyển đổi số; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Theo đó, UBND tỉnh đã phân công phân nhiệm một cách cụ thể cho từng đơn vị. Trong đó, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh có nhiệm vụ chủ trì chỉ đạo, theo dõi các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai kế hoạch chuyển đổi số năm 2024, đồng thời nghiên cứu, đề xuất triển khai các chủ trương, chính sách, kế hoạch thúc đẩy xây dựng, phát triển cho chuyển đổi số; tổ chức, kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Ngành nông nghiệp Gia Lai cũng đẩy mạnh chuyển đổi số khi sử dụng có hiệu quả các phần mềm do Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai. Ảnh: Hà Duy

Ngành nông nghiệp Gia Lai cũng đẩy mạnh chuyển đổi số khi sử dụng có hiệu quả các phần mềm do Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai. Ảnh: Hà Duy

Sở Công thương chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy thương mại điện tử, phát triển thương mại số, chuyển đổi số ngành Công thương, đặc biệt là thương mại điện tử vùng nông thôn, cung cấp hàng hóa, đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực thực hiện công tác chuyển đổi số theo định hướng phát triển của ngành; tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán số.

Đến cuối năm 2024, tỉnh phấn đấu đạt 40% người dân trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính có đủ điều kiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 80%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đạt 50%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 80%; tỷ lệ kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương được đồng bộ đầy đủ trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 100%; tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 70%; tỷ lệ hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng đạt 60%.

Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, CNTT hoạt động trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp, hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ về phát triển hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, làm chủ công nghệ lõi, đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Hiện nay, 100% doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử; 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa có sử dụng nền tảng số; 35% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử, doanh nghiệp có đủ điều kiện sử dụng hợp đồng điện tử; 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa được cung cấp thông tin, tiếp cận các nền tảng chuyển đổi số; 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số.

Để góp phần thúc đẩy kinh tế số, Sở sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào quản lý quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm từ ứng dụng công nghệ số. Khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tham gia giao dịch, kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử”.

Có thể bạn quan tâm

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024. 

100% UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai mô hình Một cửa điện tử liên thông. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

(GLO)- Thực hiện, chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) Gia Lai đã triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận về phát triển hạ tầng, xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai đầu tư các lĩnh vực và công nghệ ưu tiên, đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.

Lại xuất hiện hack Facebook để mượn tiền

Lại xuất hiện hack Facebook để mượn tiền

Mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện việc đối tượng lấy cắp tài khoản (hack) Facebook cá nhân để nhắn tin messenger cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để hỏi mượn tiền, nhờ chuyển tiền.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản địa phương được nâng cao.

Tới thời của xe 'xanh'

Tới thời của xe 'xanh'

Ứng dụng công nghệ xanh là xu hướng tất yếu, buộc các hãng xe bảo thủ như Subaru, Honda... cũng phải nhanh chóng chuyển đổi.

Nghiệm thu nhiệm vụ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai

Nghiệm thu nhiệm vụ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai

(GLO)- Chiều 25-10, Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai) tiến hành nghiệm thu nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong hoa cà phê của tỉnh Gia Lai”.