Tăng tốc chuyển đổi số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều kết quả nổi bật đã được công bố tại hội nghị Thường trực Chính phủ với các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố về chuyển đổi số (CĐS) diễn ra vào sáng 19-7. 

Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính-Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS yêu cầu phải tăng tốc cùng khí thế tiến công mạnh mẽ với tinh thần “5 đẩy mạnh”, “5 đảm bảo” gắn với “5 không”.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch và lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh "5 không" trong chuyển đổi số. Ảnh: Lam Nguyên

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh "5 không" trong chuyển đổi số. Ảnh: Lam Nguyên

Dẫn đầu ASEAN về tăng trưởng kinh tế số

Theo báo cáo tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm, công tác CĐS toàn quốc đạt những kết quả nổi bật. Cụ thể, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%). Kinh tế số ước đạt mức tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng doanh số trên sàn giao dịch bán lẻ trực tuyến tăng 80%, số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, lần đầu tiên sau hơn 20 năm, việc giám sát, đo lường dịch vụ công trực tuyến được thực hiện tự động, online; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đánh giá chất lượng online. Giao dịch chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng, hệ thống thông tin qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia 6 tháng đầu năm tăng 67% so với cùng kỳ năm 2023.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số thì năm 2021 đứng thứ 3 và 2 năm tiếp theo đã dẫn đầu. Chỉ số CĐS quốc gia tăng đều qua các năm; các chỉ số thành phần về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 45-55%.

Về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, nếu năm 2019 mới chỉ đạt gần 11% thì đến nay có bước tăng trưởng đột phá với 55% (tăng 5 lần). Tương tự, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cũng tăng hơn 8 lần, từ khoảng 5% lên 43%.

Tình hình xã hội số giai đoạn 2022-2024 có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 87,08% (tăng 20% so với năm 2020). Đối với phát triển công dân số, đến tháng 12-2023, Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu thẻ căn cước gắn chip; đã kích hoạt 45,4 triệu tài khoản định danh (đạt 67,5% so với tổng hồ sơ tiếp nhận)…

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: L.N

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: L.N

Liên quan đến các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số cũng như những nhiệm vụ mà Ủy ban Quốc gia về CĐS giao, UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức triển khai nghiêm túc, đầy đủ. Các đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về CĐS, nhất là dịch vụ công trực tuyến.

Về ứng dụng thanh toán số, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký số cá nhân, đặc biệt là thuế, phí, lệ phí, 100% doanh nghiệp của tỉnh Gia Lai đã sử dụng hóa đơn điện tử. Toàn bộ các siêu thị, trung tâm mua sắm, các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông cơ sở phân phối hiện đại chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt phục vụ người tiêu dùng. Tất cả doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện khai thuế điện tử; tỷ lệ tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%.

Cùng với đó, tỉnh tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; khắc phục những lỗ hổng bảo mật, tình trạng lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân; tuyên truyền phòng ngừa tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội, mạng viễn thông; tuyên truyền phòng ngừa tội phạm trên hệ thống thông tin cơ sở. Nhìn chung, các hệ thống thông tin phục vụ phát triển chính quyền điện tử cơ bản được đảm bảo về an toàn thông tin mạng; duy trì kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.

Trong 6 tháng đầu năm, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh Gia Lai đạt những kết quả đáng ghi nhận. Hiện 100% cơ quan có mạng nội bộ và kết nối mạng diện rộng (WAN); duy trì, vận hành có hiệu quả Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh và các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh năm 2023 chiếm 6,66%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số chiếm 67,41%; tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 100%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân sử dụng internet đạt hơn 68%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 67,26%; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt 1,85%. Đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, 100% được cấp thẻ căn cước công dân để sử dụng, 55% có tài khoản định danh điện tử, 1,57% có tài khoản dịch vụ công trực tuyến, 68% có tài khoản ngân hàng.

“Thống nhất từ nhận thức đến hành động”

Tại hội nghị, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp để xây dựng chính phủ số, xã hội số, công dân số và phát triển kinh tế số; tháo gỡ những tồn tại, điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa mục tiêu giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; xóa bỏ cơ chế xin cho; chống tiêu cực, tham nhũng trong chuyển đổi số.

Năm 2024, Cục Thuế tỉnh Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh CĐS, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế. Ảnh: Sơn Ca

Năm 2024, Cục Thuế tỉnh Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh CĐS, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế. Ảnh: Sơn Ca

“Phải mạnh dạn vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội. Phải tăng tốc cùng khí thế tiến công mạnh mẽ với tinh thần “5 đẩy mạnh”, “5 đảm bảo” gắn với “5 không”-Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh. Trong đó, “5 không” gồm: không nói không, không nói khó, không nói khó mà không làm; không bàn lùi, chỉ bàn làm; không để ai bỏ lại phía sau trong tiến trình CĐS quốc gia; không dùng tiền mặt, hướng tới mọi giao dịch thông qua phương thức điện tử để phòng-chống tham nhũng, sách nhiễu; không giấy tờ, hướng tới số hóa và không để người dân doanh nghiệp mất nhiều thời gian, công sức, chi phí.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần thống nhất từ nhận thức đến hành động và tổ chức thực hiện của người lãnh đạo trong CĐS; xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong CĐS một cách toàn diện. Liên quan đến phát triển kinh tế số, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển thương mại điện tử; đảm bảo tính cạnh tranh và ngăn chặn các hành vi buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng.

Về dịch vụ công trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cần nỗ lực để đến hết năm 2024 đạt tỷ lệ 80% hồ sơ trực tuyến toàn trình; 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đến năm 2025, 100% người dân giải quyết trực tuyến thủ tục hành chính…

Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là xây dựng dữ liệu cho ngành, địa phương gắn với kết nối, chia sẻ với dữ liệu quốc gia.

Có thể bạn quan tâm