(GLO)- Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên.
Để thực hiện hiệu quả QCDC, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, ngay từ đầu năm 2017, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch triển khai. Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC các cấp tham mưu cho cấp ủy tổ chức 48 đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại 81 xã, phường, thị trấn và 66 cơ quan, đơn vị hành chính. Nhờ đó, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ngày càng gần dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.
Người dân làng Doch 1 (xã Ia Kreng, huyện Chư Pah) tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Đức Thụy |
Việc thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn được triển khai nghiêm túc theo đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được công khai, minh bạch. Nhân dân được bàn, tham gia ý kiến và quyết định trực tiếp những vấn đề liên quan đến lợi ích của mình như: mức đóng góp xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, đường giao thông liên thôn, bình chọn đối tượng được thụ hưởng chính sách xã hội, xây dựng quy ước, hương ước ở khu dân cư, xây dựng cánh đồng mẫu lớn...
Nhờ đó, đã tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, huy động được nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, nhất là xây dựng nông thôn mới. Năm 2017, người dân trên địa bàn tỉnh đã tự nguyện đóng góp 117,3 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công để xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện… được nhân dân tích cực tham gia với tinh thần trách nhiệm cao.
Nhờ thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong năm 2017, chính quyền các cấp ở huyện Chư Sê đã vận động nhân dân đóng góp được 28,4 tỷ đồng và hiến 5.420 m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi. Điển hình như xã Ia Blang đã vận động 12 hộ dân hiến gần 5.000 m2 đất để làm 0,5 km đường giao thông; xã Dun vận động nhân dân hiến 120 m2 đất để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng và 300 m2 đất để làm đường giao thông. Công tác hòa giải trong nội bộ nhân dân được triển khai đạt hiệu quả, toàn huyện có 183 tổ hòa giải với 806 hòa giải viên, trong năm tiếp nhận 94 vụ việc, đã hòa giải thành 76 vụ việc…
Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và tổ hòa giải ở nhiều địa phương được củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 222 Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng với 1.611 thành viên, trong đó 161 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng do Ban Thanh tra nhân dân đảm nhiệm. Trong năm 2017, các ban này đã tiến hành thanh tra, giám sát 379 cuộc, phát hiện, kiến nghị với các cơ quan chức năng giải quyết 202 vụ việc; 2.160 tổ hòa giải cơ sở đã tiếp nhận 651 vụ việc và tiến hành hòa giải thành 528 vụ việc, góp phần giảm bớt khiếu nại, tố cáo ở cơ sở.
Thực hiện Quyết định số 553-QĐ/TU ngày 14-3-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền 66/222 xã, phường, thị trấn đã cùng với Thường trực các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy tổ chức 96 buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân để lắng nghe và giải quyết các kiến nghị, làm rõ những vấn đề thắc mắc của người dân, góp phần hạn chế đơn thư vượt cấp.
Công tác cải cách hành chính được chính quyền cấp xã quan tâm thực hiện. Đến nay đã có 65/222 UBND cấp xã triển khai mô hình “một cửa điện tử liên thông”, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và chất lượng phục vụ nhân dân. Công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm thực hiện khá tốt; các xã, phường, thị trấn đã tiếp định kỳ 2.058 lượt công dân, tiếp nhận 35 đơn khiếu nại, 19 đơn tố cáo.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt thực hiện Pháp lệnh 34/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chỉ thị 07-CT/TU của Tỉnh ủy và Chương trình số 12-CTr/TU ngày 29-4-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, coi đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, đảng viên. Gắn thực hiện QCDC với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở và việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đình Thoại