Chung tay gỡ khó cho doanh nghiệp, hợp tác xã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 5-10, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế đã chủ trì hội nghị trực tuyến gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX). Tại hội nghị, nhiều khó khăn mà các DN, HTX gặp phải đã được phân tích cũng như đưa ra hướng giải quyết với mục tiêu góp phần ổn định sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển trong thời gian tới.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và khoảng 100 DN, HTX trên địa bàn tỉnh.

Đa dạng hoạt động hỗ trợ

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa cho biết: Trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 685 DN thành lập mới (tăng 7,6%) với tổng vốn đăng ký 6.682 tỷ đồng (tăng 10,2%); có 46 HTX thành lập mới (tăng 43,75%). Cũng trong 9 tháng qua, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 38 dự án với số vốn đầu tư 4.274 tỷ đồng; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 21 dự án; Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp mới 3 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn đăng ký 394 tỷ đồng.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long (bìa trái) trao đổi với đại diện các doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thụy

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long (bìa trái) trao đổi với đại diện các doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thụy

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin thêm: Thời gian qua, Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ DN, HTX, nhà đầu tư (NĐT) trên các lĩnh vực như: lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN chuyển đổi số, xúc tiến thương mại, duy trì hoạt động của Điểm kết nối cung cầu công nghệ tỉnh Gia Lai, Trạm khai thác thông tin và dịch vụ sở hữu công nghiệp (Trạm IPPlatform), Điểm hỏi đáp hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT); đẩy mạnh công tác tư vấn và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Qua đó đã có 250 tổ chức, cá nhân được tư vấn và hướng dẫn về đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đặc biệt là nhóm sản phẩm liên quan đến cà phê. Cục Thuế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Đặc biệt, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ hiệu quả DN, HTX, NĐT, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành, địa phương luôn tích cực hướng dẫn các DN, NĐT để hoàn thiện hồ sơ, đủ điều kiện trình chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật; thường xuyên tăng cường phối hợp thẩm định hồ sơ kịp thời, đảm bảo chất lượng theo hướng tạo thuận lợi cho NĐT và đảm bảo theo quy định.

Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình hoạt động của DN, HTX, NĐT đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp tháo gỡ. Hội nghị đã ghi nhận khá nhiều kiến nghị, đề xuất từ các DN, HTX, NĐT. Đại diện cho cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh, bà Nguyễn Thị Sen-Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi Gia Lai, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh-bày tỏ: “Mong muốn của các DN chế biến nông sản, nhất là nông sản xuất khẩu là phát triển trung tâm logistics để giảm chi phí vận chuyển, đảm bảo lợi nhuận. Việc triển khai dự án đầu tư còn chậm, vậy vướng chỗ nào, nghẽn chỗ nào? Tôi đề nghị các sở, ngành trả lời rõ, đồng thời tham mưu UBND tỉnh tranh thủ giải quyết cho các DN, như các dự án điện gió. Vì càng chậm thì gây thiệt hại cho DN, đồng thời cũng ảnh hưởng đến thu ngân sách. Các DN cũng đang rất quan tâm đến công tác giải ngân đầu tư công. Tỉnh nên đánh giá tính khả thi cũng như dự báo giải ngân vốn đầu tư công”.

Bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nêu những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp chế biến nông sản và chủ đầu tư dự án điện gió. Ảnh: Đức Thụy

Bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nêu những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp chế biến nông sản và chủ đầu tư dự án điện gió. Ảnh: Đức Thụy

Ông Hà Trọng Hải-Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh-cho rằng: “Du lịch đang là lĩnh vực trọng tâm mà tỉnh phát triển. Chúng tôi mong UBND tỉnh dành kinh phí cho công tác xúc tiến đầu tư cũng như các sự kiện kêu gọi đầu tư về du lịch để tỉnh đạt được thành công nhiều hơn vì việc thu hút đầu tư cho ngành du lịch đang rất thấp. Cả tỉnh chỉ có 1 khách sạn 4 sao nên cần thu hút nhiều hơn các dự án đầu tư cơ sở lưu trú. Thành phố Pleiku tới 8 giờ tối đã vắng, rất buồn nên cần đầu tư kinh tế về đêm để Pleiku sôi động hơn. Hệ thống giao thông, nhất là quốc lộ 19 đang triển khai rất chậm, gây ảnh hưởng đến sự kết nối giữa Pleiku với Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), trong khi đây là mối kết nối rất quan trọng, cần nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ. Tôi đề nghị tỉnh quan tâm bố trí kinh phí cho công tác xúc tiến, quảng bá, tổ chức các sự kiện để thu hút khách du lịch”.

Còn ông Lưu Quốc Thạnh-Giám đốc Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa) cho biết: “Công ty Quicornac và một số nhà máy chế biến thực phẩm khác tại Khu Công nghiệp Trà Đa đề nghị tỉnh xem xét lại việc triển khai Dự án Đài hóa thân hoàn vũ. Vì chúng tôi chuyên sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến thực phẩm, đòi hỏi chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn và phải đảm bảo môi trường. Nhưng nếu Dự án Đài hóa thân hoàn vũ chuyên về hỏa táng tại Nghĩa trang Trà Đa đi vào hoạt động, lúc này không chỉ phục vụ cho nhu cầu của thành phố mà khắp mọi nơi lân cận cũng sẽ đổ về. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của các DN thực phẩm như chúng tôi. Không nên có những xung đột giữa các dự án đầu tư”.

Điểm giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP của huyện Chư Pưh tại thị trấn Nhơn Hòa. Ảnh: Đức Thụy

Điểm giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP của huyện Chư Pưh tại thị trấn Nhơn Hòa. Ảnh: Đức Thụy

Nhiều ý kiến liên quan đến quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng được đại diện các DN kiến nghị. Trong đó, đáng chú ý là kiến nghị của đại diện Công ty cổ phần Việt Á (huyện Krông Pa) về việc sửa chữa, mở đường để vận chuyển gỗ nguyên liệu rừng trồng. Trong khi đó, đại diện Sacombank Gia Lai phản ánh về việc vướng quy hoạch phân khu, chưa thể xây dựng trụ sở. Đại diện HTX Phượng Hoàng Đức Cơ đề nghị được tạo điều kiện để chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc cho thuê đất để ổn định sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cũng đề xuất được bố trí trụ sở làm việc.

Tại hội nghị, một số kiến nghị đã được lãnh đạo các sở, ngành giải đáp trực tiếp. Về việc mở đường để vận chuyển gỗ nguyên liệu rừng trồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cho biết: “Việc bổ sung 3 km đường vận chuyển sẽ liên quan đến 3,4 ha rừng. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Việc này DN cần làm lại hồ sơ đề xuất chính xác để chúng tôi có cơ sở tháo gỡ, có thể giải quyết bằng cách cho vận chuyển trên đường cũ nhưng tuyệt đối không ảnh hưởng đến rừng”.

Về những vướng mắc liên quan đến quy hoạch, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Bá Thạch cho hay: Theo quy định của pháp luật, việc cấp phép xây dựng cho những công trình trong đô thị phải phù hợp quy hoạch chi tiết, phù hợp với mục đích sử dụng đất và tuân thủ quy hoạch sử dụng đất. Thành phố Pleiku đang lập quy hoạch phân khu để xây dựng quy hoạch chi tiết. Quy hoạch phân khu là cơ sở để xác định các dự án đầu tư.

Theo kế hoạch, các quy hoạch sẽ gấp rút hoàn thành trong năm nay nên DN hết sức chia sẻ và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Việc Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đề nghị bố trí trụ sở làm việc là chính đáng. Tuy nhiên, Luật Nhà ở chưa có quy định rõ ràng đối với việc bố trí nhà làm việc cho các hội nghề nghiệp. Sở sẽ tham mưu một số vị trí để giải quyết vấn đề này trong tương lai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế thông tin: “Vướng mắc trong thể chế làm tiến độ xây dựng quốc lộ 19 chậm, nhưng hiện các đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ. Về Dự án Đài hóa thân hoàn vũ để phục vụ nhu cầu của người dân, tỉnh đã cố gắng kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức và mãi mới có một NĐT vào đầu tư dự án. Xét về góc độ của DN, có thể dự án không gây ô nhiễm môi trường, nhưng đây là các DN sản xuất thực phẩm, có thể có những ảnh hưởng nhất định nên tỉnh đã tổ chức họp bàn và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư mời NĐT Dự án Đài hóa thân hoàn vũ bàn, đánh giá dự án một lần nữa. Tỉnh cũng xem xét phương án bố trí lại địa điểm triển khai Dự án Đài hóa thân hoàn vũ. Đối với các kiến nghị khác, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét, sớm giải quyết, tháo gỡ”.

Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long khẳng định: “Tỉnh luôn xác định vai trò quan trọng của DN đối với sự phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội của địa phương. Với phương châm “Chính quyền luôn đồng hành cùng DN và người dân”, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương sẵn sàng lắng nghe, đối thoại, chia sẻ, xử lý kiến nghị của các DN, HTX, NĐT; nỗ lực tối đa để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển ổn định, bền vững. Tôi đề nghị các DN, HTX, NĐT tiếp tục bám sát các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh gắn với những lĩnh vực, sản phẩm có nhiều tiềm năng, thế mạnh, được ưu tiên phát triển của tỉnh. Cần xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện với môi trường, tập trung vào các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, tích cực tham gia các quỹ an sinh xã hội”.

Huyện Chư Păh đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng nhà sinh hoạt đa năng cho Trường THCS Ia Ly. Ảnh: Đức Thụy

Huyện Chư Păh đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng nhà sinh hoạt đa năng cho Trường THCS Ia Ly. Ảnh: Đức Thụy

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các hiệp hội phát huy vai trò cầu nối giữa DN, HTX, NĐT với chính quyền địa phương để nhanh chóng nắm bắt khó khăn, vướng mắc từ thực tế, kịp thời phản ánh với cấp thẩm quyền và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách, giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt việc cải cách hành chính, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, phiền hà, gây khó khăn cho các DN, người dân, trong đó đề cao trách nhiệm, tính kỷ cương, gương mẫu của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu.

“Tôi đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp có liên quan về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, HTX, NĐT và người dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi và phát triển với phương châm: Lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển”-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.