Chưa tốt nghiệp ĐH, cô gái Việt đã giành học bổng tiến sĩ nghiên cứu ung thư

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Chưa tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược Huế, Trần Nhật Lệ đã giành học bổng tiến sĩ toàn phần nghiên cứu ung thư từ ĐH Yonsei, Hàn Quốc.

Nhật Lệ, cô gái tài năng mong muốn được nghiên cứu sâu hơn về ung thư. Ảnh NVCC
Nhật Lệ, cô gái tài năng mong muốn được nghiên cứu sâu hơn về ung thư. Ảnh NVCC


Đáng chú ý, Đại học Yonsei mà cô sẽ học tiến sĩ nghiên cứu ung thư thuộc nhóm 3 trường Đại học danh tiếng nhất Hàn Quốc theo bảng xếp hạng năm 2021.

Từ bỏ kinh tế, thi lại y dược vì "cảm nắng" áo blouse trắng

Nhật Lệ học THPT ở một huyện của tỉnh Quảng Bình. Năm 2014, cô thi đậu vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Tuy nhiên, trong một lần đi khám sức khỏe tại bệnh viện Đại học Y Dược Huế trước khi nhập học, cô nàng bị “cảm nắng” bộ đồ blouse và sự tận tình của đội ngũ y bác sĩ. Cô quyết định dành thời gian ôn thi lại để theo đuổi nghề y.

“Đầu tiên tôi vẫn học song song, sáng lên giảng đường Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, tối lại lên mạng học trực tuyến các môn toán, hóa, sinh. Nhưng hết kỳ 1, tôi bảo lưu kết quả để tập trung cho kỳ thi Đại học năm 2015. Biết tôi thi lại, bố mẹ ngăn cản nhiều nhưng sau đó cũng ủng hộ vì tính tôi “đã thích thì…nhích”. Năm đó, tôi đã thi đậu Y đa khoa của Trường ĐH Y Dược Huế”, Nhật Lệ nhớ lại.

 

NhậtLệ là báo cáo viên tại Hội thảo quốc tế TransMed - Việt Nam lần thứ 5. Ảnh NVCC
Nhật Lệ là báo cáo viên tại Hội thảo quốc tế TransMed - Việt Nam lần thứ 5. Ảnh NVCC


6 năm học ở Trường ĐH Y Dược Huế, Nhật Lệ đã nỗ lực không ngừng để có thêm kiến thức và kỹ năng cho bản thân. Xác định được tầm quan trọng của việc nghiên cứu trong lĩnh vực y khoa, thay vì học lên bác sĩ nội trú hay đi làm, nữ sinh y khoa quyết định học lên cao hơn ở nước ngoài.

Cô luôn khao khát được đóng góp một phần nhỏ bé vào cuộc chiến chống ung thư, nên quyết định tìm học bổng nghiên cứu sinh ngành Ung thư học. “Việc học tiến sĩ vừa thỏa đam mê học, trau dồi khả năng nghiên cứu, vừa có thể tự phát triển bản thân mà không phụ thuộc kinh tế gia đình. Điều này có thể giúp mình trở thành một bác sĩ - nhà nghiên cứu y khoa có năng lực”, cô cho biết.

Nhật Lệ chủ động lên danh sách các quốc gia, trường, khoa và ngành nghiên cứu mình yêu thích, sau đó tìm thông tin liên lạc của những giáo sư đứng đầu các phòng thí nghiệm (Lab) và ứng tuyển ngay khi thấy mình đủ điều kiện. Cô đã nhận được nhiều thư từ chối, cũng có lúc buồn. “Nhưng mong muốn được tìm cách làm giảm cơn đau hay có thể chữa lành cho bệnh nhân ung thư làm tôi không nản chí. Nó thôi thúc tôi tiếp tục tìm kiếm những cơ hội mới”, Nhật Lệ kể.

Sau hơn sáu tháng tìm kiếm, Nhật Lệ đã chính thức đỗ học bổng toàn phần chương trình nghiên cứu sinh của Giáo sư Jeong Yang-sik mảng Ung thư học, Đại học Yonsei, Hàn Quốc hồi tháng 3. Khi đó, cô còn chưa tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược Huế. Đây là học bổng toàn phần, trong đó, Đại học Yonsei chi trả học phí, Giáo sư trực tiếp hướng dẫn Jeong Yang-sik sẽ trả lương trong 5 năm học, mức lương đủ để chi trả phần thuê nhà ở và các khoản sinh hoạt phí khác.


 

Nhật Lệ trong một lần gặp gỡ tiến sĩ Trương Nguyện Thành. Ảnh NVCC
Nhật Lệ trong một lần gặp gỡ tiến sĩ Trương Nguyện Thành. Ảnh NVCC


Để có được kết quả này, Nhật Lệ cho biết cô đã chuẩn bị Tiếng Anh từ sớm để tiếp cận các thông tin học bổng cũng như đáp ứng một trong các tiêu chí đầu vào. Bản thân cô cố gắng duy trì kết quả học tập ở trường và tham gia các dự án nghiên cứu trong nước và quốc tế.

 “Đạt học bổng khi còn một học kỳ nữa mới tốt nghiệp đại học, do đó, khi phỏng vấn với giáo sư và vòng xét duyệt hồ sơ qua trường, tôi đã cam kết tốt nghiệp ĐH bằng giỏi. Giành học bổng lần này, tôi thấy vừa có một phần may mắn. Một phần khác giáo sư và Đại học Yonsei cũng ghi nhận tiềm năng của tôi, tôi rất biết ơn vì điều đó”, Lệ chia sẻ.

Cô gái góp phần nghiên cứu về Covid-19

Nhật Lệ có 2 bài báo đã đăng trên tạp chí quốc tế ngay khi còn ở giảng đường đại học. Cô cũng có 5 dự án nghiên cứu đang diễn ra và đã được các tạp chí quốc tế khác chấp thuận, sẽ đăng tải từ tháng 9 tới tháng 12 năm nay.

Cô cũng là thành viên Hiệp hội quốc tế các bệnh truyền nhiễm (International Society For Infectious Diseases) và thành viên Hiệp hội vi sinh học Mỹ (American Society for Microbiology). Đáng chú ý, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, với vai trò là thành viên của nhóm nghiên cứu quốc tế - Online Reseach Club, Đại học Nagasaki, Nhật Bản cô tham gia 5 dự án nhằm nghiên cứu và đưa ra giải pháp ngăn chặn dịch bệnh.

Nghiên cứu của cô về đặc điểm hình ảnh phổi do virus corona gây ra được công bố trên tạp chí Minerva Pneumologica. Còn nghiên cứu về những đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng liên quan đến Covid-19 đã được đăng tải ở hội nghị về X-quang lần thứ 77 của Hàn Quốc.


“Trong tình hình đại dịch, chúng tôi rất vui được góp sức cùng thầy, anh chị và các bạn làm nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 và bệnh Covid-19. Đó cũng là động lực để tôi cố gắng sắp xếp, cân bằng thời gian học ở trường và để làm nghiên cứu”, cô nói.

 

Lệ (áo đỏ, giữa) trong một lần tổ chức trung thu cho em cùng CLB Nhi khoa, Trường ĐH Y Dược Huế
Lệ (áo đỏ, giữa) trong một lần tổ chức trung thu cho em cùng CLB Nhi khoa, Trường ĐH Y Dược Huế


Bên cạnh đó, cô nàng quê Quảng Bình còn là báo cáo viên tại hội thảo quốc tế TransMed - Việt Nam lần thứ 5 (12.2020) với chủ đề Những đổi mới về Y sinh học trong đại dịch Covid-19 và câu chuyện kiểm soát dịch ở Việt Nam. Tại đây, nữ sinh viên trình bày kết quả của dự án "Những đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng liên quan đến Covid-19".

Ngoài ra, cô gái Việt giành học bổng tiến sĩ nghiên cứu ung thư cũng tham gia nhiều chương trình tình nguyện, tham gia dịch sách về Covid-19 cùng tổ chức Y học cộng đồng Việt Nam. Hiện tại, Lệ đã nhận bằng tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược Huế loại giỏi, cô đang chuẩn bị tốt nhất sức khỏe, tinh thần cho chặng đường 5 năm học tập, nghiên cứu tại Hàn Quốc.

Theo DI YÊN (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bằng tình yêu nghề, mến trẻ nên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cô Ksor H'Hiền vẫn quyết tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Ảnh: Vũ Chi

Ksor H'Hiền: Gia cảnh khó khăn vẫn quyết tâm gắn bó với bục giảng

(GLO)- Mặc dù đời sống giáo viên đã được cải thiện nhiều so với trước đây, song vẫn còn những trường hợp thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên hợp đồng đang phải vật lộn với gánh nặng mưu sinh. Cô giáo Ksor H’Hiền (tổ 2, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) là một trường hợp như thế.

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.