Nghiên cứu mới cho thấy việc chữa trị một cơn đột quỵ nhỏ (mini-stroke) có thể giảm đến 80% nguy cơ bị một cơn đột quỵ cực mạnh.
Những người bị mini-stroke, có tên gọi chính thức là thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) thường hồi phục khỏi các triệu chứng, chẳng hạn như nói chuyện khó khăn hoặc bại liệt, trong vòng vài phút. Nhưng một nhóm chuyên gia thần kinh thuộc Trung tâm Y khoa Đại học Loyola (Mỹ) cảnh báo rằng những biến cố có vẻ như thoáng qua này thường được tiếp nối bởi một cơn đột quỵ mạnh hơn nhiều.
“Việc chẩn đoán TIA tượng trưng cho việc nhìn nhận một tình trạng khẩn cấp y khoa và một cơ hội để giảm rủi ro đột quỵ bằng cách đánh giá bệnh nhân một cách dứt khoát và vận dụng bất kỳ sự kết hợp nào các chiến lược trị bệnh sẵn có”, các tác giả nghiên cứu viết trong báo cáo.
Phần lớn các cơn đột quỵ xảy ra khi các cục máu đông ngăn chặn sự lưu thông máu đến não. Theo bộ ba nghiên cứu Camilo Gomez, Michael Schneck và Jose Biller, các cục máu đông cũng có thể gây TIA.
Theo báo cáo trên, trong vòng 30 ngày sau khi bị TIA, người ta có 5-10% nguy cơ bị một cơn đột quỵ nghiêm trọng hơn. Và 15-20% người bị đột quỵ cho biết đã bị TIA trước.
Các chuyên gia nói rằng việc đánh giá và chữa trị kịp thời một TIA có thể giúp ngăn chặn một cơn đột quỵ đáng sợ hơn.
Ngoài ra, việc giáo dục cho người bị TIA về rủi ro đột quỵ cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. “Các bệnh nhân phải được tham vấn về việc ngừng hút thuốc, ăn uống phù hợp, tập thể dục đều đặn, duy trì chỉ số khối cơ thể lành mạnh và hạn chế uống rượu”, báo cáo viết.
Quyên Quân/thanhnien