Chủ tịch HĐQT DLG Bùi Pháp:Đưa DLG trở lại đà ổn định,phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 29-6, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Chiến lược phát triển giai đoạn mới như thế nào, DLG sẽ làm gì để thúc đẩy doanh thu, lợi nhuận là vấn đề được cổ đông đặc biệt quan tâm. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Bùi Pháp-Chủ tịch HĐQT DLG liên quan các vấn đề trên để cung cấp đầy đủ thông tin cho cổ đông, nhà đầu tư trước kỳ Đại hội của DLG lần này. 
PV: Thưa ông, kết quả kinh doanh của DLG năm 2018 chưa đạt được kế hoạch đã đề ra, vậy đâu là nguyên nhân? 
Ông Bùi Pháp: Năm 2018, mặc dù HĐQT đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo, điều hành cũng như đưa ra những chính sách thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đốc thúc các dự án triển khai đúng tiến độ. Tuy nhiên, nhiều yếu tố khách quan xảy ra gây khó khăn cho hoạt động sản xuất-kinh doanh và đầu tư, là nguyên nhân chính dẫn đến doanh thu, lợi nhuận không đạt như kỳ vọng, thậm chí có phần sụt giảm so với mọi năm.
Năm 2018 là năm tình hình thương mại toàn cầu tăng chậm hơn dự báo do những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng đến kinh tế các nước, trong đó có Việt Nam. Ở trong nước, thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra ở nhiều vùng và đặc biệt là nhiệt độ tăng lên mức kỷ lục. Trong nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là 1 trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu ở châu Á. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng của Công ty. Hơn nữa, chính sách nhà nước có nhiều thay đổi, trong đó việc không thực hiện tăng phí cho các dự án BOT theo lộ trình 3 năm tăng 18% theo hợp đồng đã ký kết với Bộ Giao thông-Vận tải khiến các dự án thu phí BOT của Công ty bị phá vỡ phương án tài chính, doanh thu sụt giảm. Ngoài ra, giá bán nông sản xuống thấp đã ảnh hưởng đến việc khai thác diện tích cao su đến kỳ cạo mủ. Việc đẩy mạnh kiểm tra, rà soát các thủ tục hành chính trong cả nước đã làm chậm tiến trình làm hồ sơ thủ tục, khiến cho nhiều dự án chậm hoàn thành và không được đưa vào khai thác đúng tiến độ.
Những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh năm 2018 của Công ty. Chính điều này đã làm cho rất nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn và Tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng không phải là ngoại lệ.
Chủ tịch HĐQT DLG Bùi Pháp. Ảnh: Mai Tiên
Chủ tịch HĐQT DLG Bùi Pháp. Ảnh: Mai Tiên
PV: Vậy bước sang giai đoạn mới, HĐQT Công ty có kế hoạch gì để cải thiện tình hình, thúc đẩy tăng doanh thu, lợi nhuận-Thưa ông?
Ông Bùi Pháp: Giai đoạn 2019-2023, HĐQT DLG quyết tâm cấu trúc toàn diện Công ty, trên tất cả các mặt từ sản xuất kinh doanh đầu tư, tài chính và quản trị nhân sự.
Hoạt động cấu trúc ngành nghề tập trung  cơ cấu lại các ngành nghề chiến lược, đầu tư vào các lĩnh vực Tập đoàn có lợi thế và đã được Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, tiến tới thoái vốn các ngành nghề  đã đầu tư kém hiệu quả. Từ năm 2019, DLG sẽ tập trung tổng lực cho các lĩnh vực trọng tâm: Cơ sở hạ tầng, bất động sản, năng lượng và sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, xây dựng dân dụng và công nghiệp cầu đường. 
Trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cùng với việc quản lý chuyên sâu, duy tu bảo dưỡng, đảm bảo chất lượng tốt cho các dự án Quốc lộ 14 từ Gia Lai đến Bình Phước nhằm ổn định hoạt động thu phí. Đồng thời, tiếp tục đề xuất các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk,  Đăk Nông, Bình Phước…Bộ Giao thông-Vận tải và Chính phủ để tham gia nâng cấp mở rộng Quốc lộ 14 theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.  DLG sẽ tiếp tục tham gia đầu tư xây dựng nâng cấp mở rộng các tuyến đường vùng Đông Nam Bộ theo hình thức BOT. Đặc biệt, hiện nay, DLG đã được lựa chọn làm nhà đầu tư một số dự án thực hiện theo hình thức PPP, hợp đồng BT tại TP.HCM, ngay sau khi có quy định mới về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT, DLG sẽ bắt tay triển khai dự án. 
Lĩnh vực Bất động sản với mục tiêu xây dựng các dự án nhà ở, khu đô thị, resort, khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp cũng được DLG chú trọng phát triển trong giai đoạn này. Hiện nay, DLG đã được các cơ quan Nhà nước đồng ý cho đầu tư dự án tại nhiều vị trí đắc địa ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác.
Ở lĩnh vực năng lượng, ngoài việc đầu tư và duy trì hoạt động ổn định các dự án thủy điện đã đưa vào khai thác, DLG tập trung mạnh mẽ vào các dự án năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện mặt trời, điện gió tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng và tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.
Sản xuất linh kiện điện tử luôn chiếm tỷ trọng không dưới 40% trong cơ cấu doanh thu của DLG. Ảnh: Mai Tiên
Sản xuất linh kiện điện tử luôn chiếm tỷ trọng không dưới 40% trong cơ cấu doanh thu của DLG. Ảnh: Mai Tiên
Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử luôn được quan tâm đúng mức và ghi nhận hiệu quả vượt mong đợi trong những năm qua. DLG sẽ tiếp tục đầu tư chuyên sâu các Công ty tại Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc, đảm bảo cung cấp cho thị trường những sản phẩm với mẫu mã mới, chất lượng vượt trội. Ngoài các Công ty này, DLG sẽ mở rộng quy mô ở thị trường Việt Nam. Hiện Công ty đã đưa vào vận hành nhà máy sản xuất DLG-Hanbit tại Khu công nghệ cao, quận 9, TP.HCM với các đơn đặt hàng cung cấp cho thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong thời gian tới, DLG-Hanbit sẽ được đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất ti vi mang thương hiệu Hàn Quốc, phục vụ xuất khẩu ra chính thị trường tiềm năng này và tiêu thụ nội địa.
Hoạt động cấu trúc tài chính toàn diện tập trung vào việc thoái vốn, chuyển nhượng các dự án, tài sản đầu tư kém hiệu quả, tiến tới giảm thấp nhất nguồn vốn vay ngân hàng và kêu gọi các đối tác có tiềm lực tham gia đầu tư vào những dự án tiềm năng  thuộc các lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng, đầu tư khu công nghiệp và năng lượng. Ngoài các doanh nghiệp lớn trong nước,  DLG cũng rất chú trọng doanh nghiệp từ các quốc gia Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Đức, Hà Lan, Ấn Độ và Nga. Thông qua hoạt động hợp tác đầu tư này, DLG sẽ huy động được nguồn vốn, tận dụng kinh nghiệm quản trị và điều hành tiêu chuẩn quốc tế của các đối tác.
Hoạt động cấu trúc nhân sự sẽ tập trung vào việc tinh gọn biên chế, điều chuyển và thay thế nhân sự cấp cao tại Công ty mẹ và lãnh đạo các Công ty thành viên theo hướng “Quân tinh-Tướng giỏi”, với phương châm:“ Tư duy-Hành động-Hiệu quả”. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ nhân viên, thực hiện chính sách chiêu hiền đãi sỹ.
Về chiến lược 5 năm (2019-2023), kế hoạch 3 năm (2019-2021) tôi sẽ báo cáo cụ thể tại Đại hội cổ đông tới đây. 
PV: Cổ phiếu DLG liên tục dò đáy thời gian qua, đây cũng là vấn đề các cổ đông đặc biệt quan tâm. Ông sẽ làm gì để lấy lại niềm tin của cổ đông? 
Ông Bùi Pháp: Mặc dù diễn biến giá cổ phiếu DLG thời  gian qua không tốt do những nguyên nhân vừa nói ở trên. Thêm vào đó, thông tin công bố cho cổ đông, nhà đầu tư không kịp thời về diễn biến tình hình hoạt động phát triển ổn định của DLG, khiến cổ đông hoang mang dẫn đến bán cổ phiếu nắm giữ. Nói thật, bản thân tôi là chủ tịch DLG, cũng là người nắm giữ lượng cổ phiếu lớn, tôi rất đau lòng chứ không riêng gì cổ đông. 
Vì vậy, HĐQT đã đưa ra chiến lược  và kế hoạch cụ thể trong giai đoạn tới như tôi vừa trình bày với mục tiêu đưa DLG trở lại đà ổn định, phát triển và bền vững. 
Thời gian tới, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa điều hành Công ty, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt với thông điệp “Kỷ cương kỷ luật-Động não sáng tạo-Chủ động hành động và Hiệu lực hiệu quả”. 
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!. 
Mai Tiên (Thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.