Chư Păh tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, UBND huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và hộ kinh doanh phát triển sản xuất kinh doanh.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn hoạt động, ngày 26-10 vừa qua, UBND huyện Chư Păh đã tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh năm 2023. Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND huyện Nay Kiên cho biết: Từ đầu năm đến nay, UBND huyện phối hợp với Chi cục Thuế khu vực và các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp phát triển doanh nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 183 doanh nghiệp, 26 HTX, trong đó có 16 doanh nghiệp và 8 HTX thành lập trong 9 tháng năm 2023. Cũng trong khoảng thời gian này, huyện có 161 hộ được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nâng tổng số hộ kinh doanh trên địa bàn lên 1.370.

Ủy ban nhân dân huyện Chư Păh gặp mặt doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh năm 2023. Ảnh: H.T

Ủy ban nhân dân huyện Chư Păh gặp mặt doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh năm 2023. Ảnh: H.T

Tính riêng 9 tháng năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong huyện đã thực hiện nghĩa vụ thuế trên 26,4 tỷ đồng, góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt khoảng 10,5%. Chủ tịch UBND huyện thông tin thêm: Với những tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông-lâm nghiệp, du lịch, năng lượng, từ đầu năm đến nay, huyện có 1 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện. Ngoài ra, huyện còn có 24 dự án được UBND tỉnh phê duyệt vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh. Huyện sẽ tiếp tục cung cấp thông tin, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khảo sát, đề xuất dự án; giới thiệu quỹ đất, hỗ trợ thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiếp cận các chính sách ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Nguyễn Thế Minh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Nghĩa Hòa-cho biết: “Phần lớn các HTX trên địa bàn huyện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, các HTX rất khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi do không có quỹ đất để thế chấp”. Ngoài ra, ông Minh cũng đề nghị huyện quan tâm hỗ trợ xây dựng trụ sở HTX, phân bổ quỹ đất để HTX thuận lợi trong hoạt động, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề nghị UBND huyện rà soát việc cho thuê đất, hướng dẫn thực hiện chính sách thuế mới để doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nắm bắt và thực hiện kịp thời. Đề nghị địa phương hỗ trợ thông tin, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch và triển khai các hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của huyện đến các nhà đầu tư.

Ông Bùi Xuân Hải-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà Yaly-cho biết: “Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, Công ty đã chuyển sản xuất xi măng từ lò đứng sang lò quay. Tuy nhiên, cuối năm 2021, chúng tôi lại nhận được thông tin là vị trí trụ sở Công ty sẽ được quy hoạch làm Khu du lịch Biển Hồ-núi lửa Chư Đang Ya. Trước thông tin này, chúng tôi rất lo lắng. Đề nghị địa phương có những thông tin chính thống để người lao động yên tâm sản xuất. Bởi hiện nay, sản phẩm xi măng của đơn vị đang có chỗ đứng trong khu vực Tây Nguyên và cả nước”.

Các ý kiến của đại diện doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đã được lãnh đạo các phòng, ban và UBND huyện Chư Păh trả lời ngay tại buổi gặp mặt. Còn một số vấn đề khác như thông tin thu hồi đất trụ sở Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà Yaly để quy hoạch làm Khu du lịch Biển Hồ-núi lửa Chư Đang Ya, Chủ tịch UBND huyện Chư Păh cho biết sẽ tìm hiểu thông tin và có văn bản trả lời sớm nhất. Riêng vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay của HTX, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: “Huyện sẽ làm việc với các ngân hàng đứng chân trên địa bàn để đẩy mạnh cho vay, hỗ trợ các HTX phát triển”.

Liên quan đến hoạt động của các HTX, ông Nguyễn Mậu Phong-Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh-cho rằng: Để thuận lợi trong tiếp cận các nguồn vốn, các HTX cần tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành; bổ sung đầy đủ các tài liệu về hồ sơ pháp lý, hồ sơ kinh tế; chú trọng nâng cao năng lực tài chính, hoàn thiện các hồ sơ giấy tờ hợp lệ đối với tài sản thuộc sở hữu, bổ sung tăng vốn điều lệ hàng năm đảm bảo mức vốn theo đăng ký. Đồng thời, các HTX xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả; có báo cáo tài chính, báo cáo thẩm định kết quả sản xuất kinh doanh của ban kiểm soát HTX đầy đủ, đúng quy định…

Chủ tịch UBND huyện Nay Kiên (thứ 5 từ phải sang) tặng giấy khen cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện nghĩa vụ thuế năm 2023. Ảnh: Đinh Yến

Chủ tịch UBND huyện Nay Kiên (thứ 5 từ phải sang) tặng giấy khen cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện nghĩa vụ thuế năm 2023. Ảnh: Đinh Yến

Ông Trần Anh Tuấn-Trưởng phòng Doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư) thì chia sẻ: Những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện sẽ được tiếp thu để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ. Hiện nay, tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Đây là đầu mối để giúp các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh huyện Chư Păh kịp thời giải quyết các vấn đề còn vướng trong thời gian tới.

Huyện Chư Păh có nhiều thế mạnh nhưng chưa được khai thác triệt để. Vì vậy, Chủ tịch UBND huyện Nay Kiên mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tiếp tục khắc phục khó khăn, phát huy vai trò chủ động, đoàn kết, nêu cao đạo đức kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước; tập trung tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất kinh doanh, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm; chủ động tìm kiếm thị trường, phát triển thương hiệu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tích cực tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.