(GLO)- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 7, khóa XV (mở rộng) đã thảo luận và định hướng các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, trong đó tập trung vào một số vấn đề được xem là “đòn bẩy” như: Công tác xây dựng cơ bản, xây dựng nông thôn mới, xây dựng cánh đồng lớn, quản lý bảo vệ rừng và phát triển du lịch... Xung quanh những vấn đề này, P.V Báo Gia Lai ghi lại ý kiến của một số đại biểu.
* Đồng chí HỒ PHƯỚC THÀNH-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tập trung cải thiện môi trường đầu tư
Để đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra, chúng ta cần tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ những thủ tục không phù hợp, triển khai các dịch vụ công với những lĩnh vực Nhà nước không nắm giữ. Cùng với đó, hàng tháng, quý và năm tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Trong điều kiện khó khăn chung, năm 2017, các công trình xây dựng cơ bản nhiều, nguồn vốn Nhà nước có hạn, vì thế giải pháp đặt ra là huy động nhiều nguồn lực bằng hình thưc công- tư PPT hoặc BT, ODA. Tập trung xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp tỉnh ta đang có thế mạnh như: cà phê, cao su, hồ tiêu, thức ăn gia súc… Bên cạnh đó, tập trung đầu tư xây dựng những công trình có tính kết nối. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng và khai thác có hiệu quả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư có quy mô lớn, trang-thiết bị hiện đại vào hoạt động.
* Đồng chí PHAN XUÂN VŨ-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: Tăng cường quảng bá hình ảnh Gia Lai
Năm 2016, tổng lượt khách đến tỉnh ta ước đạt 254.000 lượt, tổng nguồn thu từ du lịch ước đạt 205 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2015. Năm 2017, chúng ta sẽ tập trung quảng bá hình ảnh Gia Lai thông qua các trang web chuyên về du lịch, các hội thảo, hội nghị để thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, thực hiện các quy hoạch chi tiết như: Điểm du lịch quốc gia tại hồ Ia Ly, phát triển du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Di tích lịch sử tại xã Krong (huyện Kbang) và xây dựng một làng văn hóa du lịch cấp tỉnh. Thu hút đầu tư để xây dựng các khách sạn cao cấp, khu vui chơi giải trí tại trung tâm TP. Pleiku và các địa điểm du lịch: Biển Hồ, thác Phú Cường, Công viên Văn hóa các dân tộc Gia Lai….
Cùng với đó, tổ chức các sự kiện nhân Ngày hội văn hóa các dân tộc, liên hoan cồng chiêng; lựa chọn sửa chữa một số nhà rông tại các địa phương và xây dựng các nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại một số điểm du lịch. Bên cạnh đó, phối hợp với các tỉnh: Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Đak Lak, Lâm Đồng, Kon Tum, Phú Yên tổ chức các hội nghị liên kết phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh Gia Lai ở các địa phương. Trước mắt khai thác tour du lịch Biển Hồ-chùa Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah)-thônTiên Sơn (xã Tân Sơn, TP. Pleiku)-núi Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah).
* Đồng chí TRƯƠNG PHƯỚC ANH-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Tập trung xây dựng nông thôn mới
Theo Nghị quyết hội nghị đã thông qua, tỉnh ta phấn đấu hết năm 2017 có thêm 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt mục tiêu đó, trước tiên cần tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân để người dân ý thức được việc xây dựng thành công nông thôn mới thì chính bản thân mình sẽ hưởng lợi, từ đó họ sẽ chung tay thực hiện. Bên cạnh đó, cần huy động mọi nguồn lực nhằm thực hiện nhiệm vụ này, trong đó có sự chung sức của doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn; tăng cường giải ngân các nguồn vốn, năm 2016 nguồn vốn giải ngân chậm, khi vốn về đến xã thì đúng mùa mưa nên tiến độ thi công các công trình chậm. Để giải quyết được việc này, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng như các địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau, kịp thời giải ngân nguồn vốn.
Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các địa phương đã đăng ký xây dựng các xã đạt nông thôn mới để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.
* Đồng chí VŨ KHẮC NGỌC-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đak Pơ: Xây dựng cánh đồng lớn, nhân dân được hưởng lợi
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 của tỉnh là xây dựng cánh đồng lớn. Đây là chủ trương đúng và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Niên vụ mía 2016-2017, trên địa bàn huyện Đak Pơ có 37 cánh đồng lớn với tổng diện tích 500 ha, áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc của Nhà máy Đường An Khê. Trước đây, nếu trồng thủ công thì năng suất bình quân là 65 tấn/ha với chi phí đầu tư là 42 triệu đồng, lợi nhuận thu được là 20 triệu đồng/ha. Nếu áp dụng mô hình cánh đồng lớn thì năng suất bình quân là 100 tấn/ha, chi phí đầu tư là 50 triệu đồng/ha, lợi nhuận là 39 triệu đồng. Như vậy, nếu nông dân thực hiện cánh đồng lớn sẽ thu lợi thêm 19 triệu đồng/ha.
Để nông dân mạnh dạn thực hiện cánh đồng lớn, Nhà máy Đường An Khê hỗ trợ cho nông dân (chỉ hỗ trợ năm đầu tiên trong chu kỳ 4 năm) 50 tấn phân bùn/ha, 10% chi phí làm đất. Bên cạnh đó, huyện Đak Pơ hỗ trợ chi phí trồng mía bị phá bỏ khi cải tạo đồng ruộng để xây dựng cánh đồng mía lớn. Theo đó, đối với mía gốc năm 1 hỗ trợ 10 triệu đồng/ha, đối với mía gốc năm 2 là 5 triệu đồng/ha. Riêng đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thì hỗ trợ 20% thiệt hại hoa màu khi phá bỏ để trồng cánh đồng mía lớn.
Xây dựng cánh đồng lớn là chủ trương hợp lòng dân, nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai. Tuy nhiên cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và tỉnh cũng cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ người dân để thực hiện thành công chủ trương lớn này.
Thiên Thanh