Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 3.321 xã, phường trên cả nước.
Tham dự phiên họp có các đồng chí: Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo; đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các địa phương.
Dự phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc phiên họp, thay mặt Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân gia đình người bị nạn do thiên tai, đặc biệt là thân nhân gia đình các nạn nhân thiệt mạng, mất tích trong vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 ở vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và trong cơn bão số 3 những ngày vừa qua.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, năm 2024, thiên tai diễn ra khốc liệt và cực đoan trên phạm vi cả nước với nhiều loại hình: 10 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới; 240 trận mưa lớn, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất; 278 trận dông lốc, sét, mưa đá; 409 trận sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long; 472 trận động đất; cùng 4 đợt rét hại, 19 đợt gió mạnh trên biển và 17 đợt nắng nóng. Thiên tai đã làm 519 người chết, mất tích; thiệt hại kinh tế ước tính 91.622 tỷ đồng, gấp 10 lần năm 2023 và hơn 4 lần mức trung bình giai đoạn 2014 - 2023.
Từ đầu năm 2025 đến nay, thời tiết cực đoan gia tăng trái quy luật tự nhiên, cùng 3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Tính đến ngày 23-7, thiên tai đã khiến 114 người chết, mất tích; thiệt hại kinh tế ước hơn 553 tỷ đồng.
Tại Gia Lai, theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2024, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của 1 áp thấp nhiệt đới, 16 đợt không khí lạnh, gió mạnh trên biển. Tại khu vực phía Tây tỉnh xảy ra 8 đợt mưa lũ lớn; khu vực phía Đông tỉnh xảy ra 5 đợt mưa lũ lớn; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân sinh, kinh tế - xã hội. Theo ước tính, tổng thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra trên 425 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, tần suất và thiệt hại ngày càng gia tăng. Do đó, công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cần phải chủ động, linh hoạt hơn để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện nguyên tắc “3 phải” trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: Phòng ngừa từ sớm, từ xa; ứng phó bình tĩnh, kịp thời, hiệu quả; khắc phục toàn diện, huy động sức dân. Cần chủ động tích trữ nguồn lực, đảm bảo cung ứng nhu yếu phẩm, không để thiếu hụt hay phát sinh dịch bệnh trong và sau thiên tai.
Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân di dời đến nơi an toàn, tránh tâm lý chủ quan gây thiệt hại về người. Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phòng thủ dân sự. Việc xả lũ phải tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, không để xảy ra vỡ đập, vỡ đê. Đồng thời, tiếp tục củng cố hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng, đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân trong và sau thiên tai.