Chiêng Honh trong lễ hội vui

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với người Jrai, cồng chiêng gần như có mặt trong mọi sinh hoạt văn hóa, nghi lễ của gia đình và cộng đồng. Nếu người Jrai ở vùng Đông Nam tỉnh dùng bộ chiêng Kđơ đánh trong các lễ hội vui thì người Jrai ở huyện Chư Păh lại sử dụng bộ chiêng Honh. Điều đặc biệt ở chỗ, bộ chiêng Honh chỉ đánh trong các lễ hội mang tính chất vui vẻ, chúc mừng của gia đình, cộng đồng và không đánh trong các lễ có tính chất buồn đau, thương nhớ.
Ông Rơ Châm Yũ-già làng Yah (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) cho biết: “Chiêng Honh là bộ chiêng truyền thống của người Jrai gồm 13 chiếc. Nó chỉ được đánh trong những lễ hội vui như mừng nhà rông, mừng lập làng mới, mừng nhà mới… không đánh trong lễ bỏ mả”. Do vậy, giai điệu của tiếng chiêng lúc nào cũng bay bổng, nhộn nhịp như muốn hối thúc mọi người cùng đến tham gia, chung vui với dân làng. Trước đây, hầu như gia đình nào cũng sở hữu ít nhất 1 bộ chiêng này. Nhưng hiện nay, người dân trong vùng đa phần sử dụng các loại chiêng cải tiến, chiêng Honh ít được sử dụng, vì thế nó cũng mất dần theo năm tháng. Còn theo ông Rơ Châm Líc thì: Hiện nay, làng Yah chỉ còn gia đình ông lưu giữ 2 bộ chiêng Honh. “Đây là tài sản của cha mẹ để lại, gia đình nào có việc vui đều dùng bộ chiêng này để đánh”-ông Líc chia sẻ. 
Bộ chiêng Honh làm bằng đồng thau, gồm 13 chiếc hợp thành và được chia làm 2 nhóm. Nhóm giữ vai trò đệm trong quá trình diễn tấu là các chiêng có núm (5 chiếc), nhóm cón lại là phần giai điệu gồm những chiếc chiêng bằng (8 chiếc). Trong mỗi nhóm, tùy vào kích thước và cường độ âm thanh phát ra, người Jrai đặt tên cho từng cái. Theo kích thước từ lớn đến bé trong nhóm chiêng có núm lần lượt được gọi tên: Na, Mông, Búp, Bêl và Pop; với nhóm chiêng bằng cũng lần lượt là: Tôh, Trêt, Tơl, Tut, Toal, Trot, Tret và Tneng. Tuy nhiên, theo tác giả Đào Huy Quyền trong tập sách “Văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên” (Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, 2010) có đoạn viết về chiêng Honh lại có những tên gọi khác cho mỗi loại chiêng. Theo đó, chiêng có núm lần lượt được gọi từ lớn đến nhỏ: Ania, Mông, Mung, Mông nhé, Mung nhé; chiêng bằng cũng lần lượt được gọi từ lớn đến nhỏ: Tô tổ, T’rết, Tơl, Tut, Tual, Tut nhé, T’rát, Teng neng. Có thể đây là do cách gọi chiêng Honh của người dân ở vùng khác.
Người dân làng Yah (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) đánh chiêng, múa xoang quanh cây nêu trong lễ mừng nhà rông mới có nghi thức đâm trâu. Ảnh: Xuân Toản
Người dân làng Yah (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) đánh chiêng, múa xoang quanh cây nêu trong lễ mừng nhà rông mới có nghi thức đâm trâu. Ảnh: Xuân Toản
Biên chế cùng chiêng Honh là một chiếc trống (gor) giữ nhịp và chũm chọe (groih) để tăng phần âm thanh vui nhộn. Ứng với mỗi nhóm chiêng có từng loại dùi đánh khác nhau, nhưng tất cả được gọi là cloh. Với nhóm chiêng có núm, người ta tạo ra một chiếc dùi có bọc nhiều lớp vải mềm ở đầu nhằm tạo độ đàn hồi khi đánh vào núm chiêng. Cường độ âm thanh phát ra từ mỗi chiếc chiêng một phần phụ thuộc vào cấu tạo chiếc dùi và lực tác động lên nó. Dùi được sử dụng trong nhóm chiêng có núm lần lượt được gọi kèm theo tên của chiêng như: cloh Na (dùi đánh chiêng có núm lớn) và lần lượt là cloh Mông, cloh Búp…. Các dùi đánh chiêng bằng được gọi chung là cloh. Người Jrai thường sử dụng một loại cây gỗ thân mềm, có vỏ dày (thường gọi là ren) hay đơn giản hơn, người ta chặt những đoạn của thân cây mì để đánh. Khi dùng xong, loại dùi có bọc vải người ta giữ lại, loại dùi để đánh chiêng bằng người ta vứt bỏ, khi nào đánh lại làm cái mới. Khi được hỏi, tại sao không làm dùi cố định để sử dụng nhiều lần, ông Rơ Châm Thuyết (làng Yah) lý giải: “Các loại dùi đánh chiêng bằng được làm từ một loại cây thân mềm có lớp vỏ dày, nếu giữ lại để càng lâu lớp vỏ càng khô và cứng lại, đánh dễ làm hỏng chiêng. Trong khi đó, loại cây ren và cây mì để làm dùi thì lúc nào cũng có sẵn”.
Chiêng Honh thường do nam giới sử dụng, chủ yếu là những người lớn tuổi có kinh nghiệm hoặc những người đã lập gia đình nhưng giỏi đánh chiêng, người trẻ tuổi không sử dụng; được đánh xung quanh biểu tượng thiêng (cây nêu) và con vật hiến sinh. Mỗi người một chiếc hợp lại tạo nên giai điệu lúc trầm lúc bổng. Dẫn đầu đoàn cồng chiêng là một người vừa mang trống ngang bụng vừa đánh (nhiều nơi có 2 hoặc 4 người khiêng và 1 người đánh). Tiếp theo là người đánh chiêng có núm, lần lượt từ lớn đến nhỏ; sau đó đến người đánh chũm chọe và cuối cùng là đến những người đánh chiêng bằng, cũng theo thứ tự trên. Vòng xoang (phần lớn là nữ) tiếp nối tạo thành vòng tròn quanh cây nêu, đôi khi tách riêng thành một vòng khác lớn hơn bao bên ngoài, cùng với những người đánh chiêng đi quanh cây nêu.
XUÂN TOẢN

 

Có thể bạn quan tâm

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Tiết mục hát dân ca của em Đinh Doanh và đoàn nghệ nhân xã Pờ Tó trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tại huyện Ia Pa. Ảnh: V.C

Cồng chiêng cuối tuần trở lại Ia Pa

(GLO)- Tối 17-11, chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tiếp tục được tổ chức tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Chương trình mang đến nhiều tiết mục đặc sắc làm nức lòng người dân và du khách.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.