(GLO)- Trong 8 tháng năm 2021, UBND tỉnh và 17 huyện, thị xã, thành phố đã ủy thác nguồn vốn ngân sách địa phương qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh để mở rộng cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác với số tiền là 39,7 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn ủy thác trên địa bàn tỉnh đạt 270,8 tỷ đồng. Điều này cho thấy hiệu quả tích cực từ Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh.
Ngày 22-11-2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tại Gia Lai, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, hoạt động tín dụng chính sách đã đạt nhiều kết quả quan trọng và toàn diện về mặt tăng trưởng nguồn vốn, quy mô tín dụng gắn liền với chất lượng, tích cực góp phần vào thực hiện các mục tiêu chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Gia đình anh Ayung (làng Đak Trôk, xã Đak Yă, huyện Mang Yang) thuộc diện được vay vốn hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Anh Ayung cho biết: “Nhờ được vay vốn tôi có tiền để đầu tư, chăm sóc 500 cây cà phê. Thời gian cho vay lên tới 3 năm nên rất phù hợp với điều kiện sản xuất và khả năng trả nợ của tôi. Tháng 11-2021 là đến hạn trả nợ, tôi có nguyện vọng được tiếp tục vay vốn để tái đầu tư cho vườn cà phê”. Tương tự, anh Puih Hlói (làng O Pếch, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) phấn khởi khi được tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn chính sách trên hành trình vượt khó khăn. Anh Puih Hlói bộc bạch: “Nhờ chính quyền địa phương quan tâm, tổ tiết kiệm và vay vốn trong làng giúp đỡ nên tôi đã vay 30 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện. Nguồn vốn này giúp tôi đầu tư chăm sóc hơn 1 ha cà phê, mỗi năm thu được 50-60 triệu đồng”.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh số cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đạt 1.493 tỷ đồng với 41.283 lượt khách hàng vay vốn. Ảnh: Hải Bình |
Với huyện Chư Pưh, ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Đại diện Ngân hàng CSXH huyện-thông tin: “Đến nay, tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 285 tỷ đồng với 7.952 hộ nghèo (chiếm 48,6% tổng số hộ toàn huyện). Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40, Ban Đại diện Ngân hàng CSXH huyện sẽ tham mưu Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo, lãnh đạo nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu; đưa nội dung Chỉ thị vào chương trình kế hoạch nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Nâng cao vai trò của Ban Đại diện trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện, gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong việc chỉ đạo nâng cao chất lượng tín dụng”. Còn ông Nguyễn Ngọc Ngô-Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Đại diện Ngân hàng CSXH huyện Phú Thiện-thì cho biết: “Giai đoạn 2014-2019, huyện Phú Thiện đã điều chuyển gần 1,5 tỷ đồng sang Ngân hàng CSXH. Nguồn vốn này đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 14,5% xuống còn 12,54%. Thời gian tới, huyện tiếp tục bổ sung nguồn vốn ngân sách cho Ngân hàng CSXH theo hướng năm sau cao hơn năm trước”.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hải Bình |
Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh-nhấn mạnh: “Tính đến nay, tổng nguồn vốn của đơn vị đạt 5.231 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 5.220 tỷ đồng. Điều này cho thấy, nhu cầu hấp thu vốn tín dụng chính sách rất lớn trong dân, đặc biệt là hộ nghèo và đối tượng chính sách. “Ngày 20-7-2021, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 969/UBND-KTTH về việc triển khai Kết luận số 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40. Để có thể đáp ứng kịp thời và đầy đủ nhu cầu của người dân, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ luôn tranh thủ nguồn vốn trung ương và địa phương để tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch đề ra”-ông Chí khẳng định.
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giải ngân 9.777 tỷ đồng cho trên 351 ngàn lượt hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác. Ngân hàng CSXH đã giúp 116.197 lượt hộ vay vốn vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết tạo việc làm cho 20.306 lao động, giúp 18.826 học sinh-sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, giải quyết cho 201 đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động, xây dựng 113.625 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giúp 1.678 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở… Ủy ban nhân dân tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã dành trên 240,8 tỷ đồng chuyển sang Ngân hàng CSXH bổ sung mở rộng cho vay. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh được kéo giảm từ 19,71% xuống còn 5,38% (2016-2020). |
HẢI BÌNH